Còn Mai Như, 22 tuổi, Hà Nội đang cần thi chứng chỉ tiếng Trung Quốc (HSK, HSKK) để nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng đại học ở Vũ Hán vào tháng 1 tới. Đây là hai trong hàng nghìn người ở Việt Nam cần chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để phục vụ cho học tập, làm việc cả ở trong và ngoài nước hiện nay. Vì vậy, thông tin hàng loạt kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam bị hoãn từ hôm 9/11 khiến nhiều người khác lo lắng. Một tuần sau việc này, cụm từ "hoãn thi ngoại ngữ" được Google trả về 5 triệu tìm kiếm trong 0,41 giây.

Xuất hiện tại Việt Nam từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, IELTS (tiếng Anh) ban đầu phục vụ một nhóm đối tượng nhỏ đi du học theo các hình thức học bổng. Tuy nhiên, khi số người Việt đi du học ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dần trở nên quen thuộc, bởi đây là yêu cầu bắt buộc của hồ sơ du học. Hiện, các chứng chỉ phổ biến là IELTS, TOEFL, HSK và HSKK (tiếng Trung), JLPT (tiếng Nhật), TOPIK (tiếng Hàn), DELF (tiếng Pháp), tiếng Đức với chi phí từ 450.000 đến hơn 4,6 triệu đồng một lượt thi.

Theo Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 190.000 người đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, tăng so với con số trên 170.000 vào cuối năm 2018 và 130.000 vào năm 2016.

Trong khi đó, khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hồi tháng 7. Thị trường lớn nhất từ 2018 đến nay là Nhật Bản.

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không phải là điều kiện bắt buộc với lao động phổ thông. Song, theo chị Tuyến, trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty tư vấn việc làm tại Nhật Bản, số người học theo giáo trình và thi chứng chỉ JLPT (gồm 5 cấp độ) tăng lên.

Chị Tuyến dẫn chứng, khoảng bốn năm trước, không ai trong số 40 học viên biết tiếng Nhật khi đến đăng ký dịch vụ. Để đạt trình độ tối thiểu N5 (mức thấp nhất), học viên được dạy trong 4-6 tháng. Nhưng năm nay, khoảng một phần ba trong 200 học viên biết tiếng Nhật ở mức này, nhiều bạn có chứng chỉ N4. Chị Tuyến cho rằng lý do là ngày càng nhiều công ty có trợ cấp cho người thạo tiếng, đó cũng là điều kiện để tiếp tục làm việc thêm hai năm tại Nhật sau khi hết hợp đồng.

"Biết ngoại ngữ giúp cuộc sống tại nước ngoài dễ dàng hơn, đó là điều không cần bàn cãi", chị Tuyến nói.

Ở mảng đưa nhân lực chuyên môn cao sang Nhật làm việc, giám đốc kinh doanh của một công ty phần mềm, cho biết cách đây vài năm, chứng chỉ tiếng Nhật N1-N3 của các kỹ sư được đưa vào hồ sơ để chứng minh năng lực công ty. Hiện, điều này không còn cần thiết do khả năng tiếng Nhật của các kỹ sư Việt đã được khách hàng tin tưởng. Dù vậy, chứng chỉ N1, N2, N3 luôn được khuyến khích.

"Để xin visa đi làm việc ở Nhật trên 6 tháng vẫn cần phải có chứng chỉ. Công ty có phụ cấp thêm 7 triệu đồng mỗi tháng cho kỹ sư có N1, 5 triệu và 3 triệu với N2 và N3", chị này nói, cho biết 30% trong số hàng ngàn nhân sự của công ty thường xuyên dùng tiếng Nhật, 20% thi chứng chỉ trong 4 năm qua.

Không chỉ dành cho người đi học và làm việc ở nước ngoài, khoảng 5 năm trở gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, rất được chuộng trong ngành giáo dục, từ tiểu học đến đại học.

Từ năm 2021, việc tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường tiếng Anh của TP HCM mở rộng hơn, xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (CEFR) hoặc chứng chỉ Cambridge Flyer từ 10/15 khiên trở lên; hoặc TOEFL Primary Step 2 từ 3/5 huy hiệu trở lên.

Học sinh tiểu học có chứng chỉ IELTS, TOEFL tùy mức độ được xem xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào lớp 6 ở nhiều trường công lập. Các em đạt từ 228/230 điểm được cộng 2-4 điểm vào THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), có IELTS 4.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương được xem xét tuyển thẳng vào THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An).

Ở bậc THPT, Nghệ An là địa phương đầu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 từ năm học 2021-2022. Ngay năm học này, tỉnh phải mở thêm một lớp diện tuyển thẳng ở THPT chuyên Phan Bội Châu vì chỉ tiêu có 35 học sinh với mức từ 6.0 IELTS trở lên nhưng có 79 em trúng tuyển ở mức 6.5.

Một tỉnh miền núi phía Bắc là Thái Nguyên có chính sách hỗ trợ 50 - 100% lệ phí thi cho học sinh phổ thông có chứng chỉ IELTS từ 4.0 để khuyến khích việc học ngoại ngữ. Quảng Trị miễn và tính điểm 10 tiếng Anh chung cho học sinh thi vào lớp 10 có IELTS từ 4.0 hoặc tương đương. Chứng chỉ IELTS từ 6.5 cũng giúp học sinh được cộng điểm ưu tiên vào một số trường THPT ở Hà Nội. Đặc biệt, nhiều trường mở lớp liên kết dạy tiếng Anh theo chuẩn đầu ra IELTS như THPT Yên Hòa, Trần Nhân Tông.

CG2A1990-6379-1668428017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bIhUfot7o5SQ1fK2CS_MWA

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 tại hội đồng thi trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 (TP HCM), ngày 7/7. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo nhiều thầy cô giáo, có chứng chỉ tiếng Anh nói riêng và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác giúp học sinh thuận lợi khi thi tốt nghiệp và vào đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo miễn thi và tính điểm 10 môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 (hoặc các chứng chỉ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Nhật, Trung) trở lên. Riêng tại Hà Nội, trong ba năm 2019-2021, số học sinh đủ điều kiện này tăng từ hơn 3.000 lên 10.800. Tại TP HCM, gần 7.900 thí sinh được miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ năm nay, tăng khoảng 2.000 so với năm ngoái.

Ở bậc đại học, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được sử dụng trong xét tuyển đầu vào và công nhận chuẩn đầu ra.Năm 2017, trường Đại học Kinh tế quốc dân tiên phong sử dụng IELTS, TOEFL để xét tuyển. Sau đó, đề án tuyển sinh của các trường Ngoại thương, Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng lần lượt xuất hiện phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ.

Từ năm 2020, hàng loạt đại học khối kỹ thuật, y dược và công an cũng cộng điểm ưu tiên hoặc xét tuyển kết hợp với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Dù chưa được thống kê đầy đủ, các chuyên gia tuyển sinh nhận định số trường đại học dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển "đã vượt xa số lượng 30 của năm 2021".

Chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng tăng. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành 5% chỉ tiêu trong năm đầu xét IELTS, TOEFL, sau đó tăng lên 30% vào năm 2022. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều trường như Ngoại thương, Ngân hàng, Học viện Ngoại giao. Cán bộ tuyển sinh một trường đại học ở Hà Nội tiết lộ, năm 2022 trường đã nhận 11.000 hồ sơ xét tuyển theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong khi chỉ tiêu là hơn 2.000.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Ngoại thương, cho biết chứng chỉ quốc tế là căn cứ đáng tin cậy để xác định năng lực ngoại ngữ của sinh viên. Hiện, trường Ngoại thương công nhận kết quả chứng chỉ quốc tế trong cả xét tuyển đầu vào, đầu ra và miễn một số học phần ngoại ngữ. Quy định này cũng được nhiều đại học tại Việt Nam, cả công lập và tư thục, áp dụng, nhưng mỗi trường sẽ có tiêu chuẩn riêng.

Một chuyên gia tuyển sinh ở TP HCM nhận định, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được công nhận rộng rãi trên thế giới. Nhiều đại học có các chương trình liên kết, giao lưu, giảng dạy nhiều môn học bằng tiếng Anh, giảng viên du học ở nước ngoài về cũng tăng lên. Vì thế, chuẩn quốc tế được thí sinh và các trường chuộng là dễ hiểu.

quy-doi-IELTS-6611-1641555596-4235-1668428018.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6RqLf4Qrgs5bil2KiflLXQ

Mức quy đổi điểm IELTS trong xét tuyển đầu vào đại học năm 2022 của một số trường.

Ông Đào Cường Việt, Trưởng phòng nhân sự, Công ty LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, cho biết các doanh nghiệp đều "khát" lao động biết ngoại ngữ. Do đó, ngoài kinh nghiệm, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là điểm cộng trong hồ sơ xin việc.

Ở góc độ chính sách, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được nhiều địa phương quan tâm.

Cuối tháng 9, Hà Nội quyết định cho giáo viên phổ thông đạt 6.5 IELTS tham gia khoá bồi dưỡng 14 ngày tại nước ngoài. Tính đến hết năm học trước, hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh của thủ đô được xếp lớp học IELTS với mục tiêu đến năm 2025, 50% đạt 6.5 IELTS trở lên. Tại Nghệ An, Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh và tổ chức thi lấy chứng chỉ quốc tế từ năm 2021 đến 2024. Chuẩn được áp dụng là TOEIC. Việc này từng gây tranh cãi vì để trở thành giáo viên tiếng Anh, các thày cô đã trải qua ít nhất 4 năm đại học, đã thi và đạt theo chuẩn nội địa (chứng chỉ VSTEP).

Còn ở Vĩnh Phúc, HĐND năm ngoái thông qua Nghị quyết về một số chính sách đặc thù, nhằm thu hút và trọng dụng người tài. Nếu đạt IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương, hoặc có các chứng chỉ quốc tế tiếng Trung (từ HSK5), Nhật (từ N2), Hàn (từ TOPIK II cấp độ 4), viên chức được thưởng 30-70 triệu đồng.

IDP và Hội đồng Anh không công bố số lượt thi IELTS hàng năm ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng đối tác liên kết để tổ chức thi IELTS của hai đơn vị này gia tăng mỗi năm, hiện là hơn 100. Theo lịch thi trên website, IDP tổ chức thi ở Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM bốn lần mỗi tháng, 1- 2 lần ở hơn 30 địa phương còn lại. Hội đồng Anh tổ chức bốn đợt thi IELTS hàng tháng, đồng loạt ở 22 địa phương trong cả nước.

Với chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK, theo đại diện một trung tâm tại Đà Nẵng, kỳ thi lấy chứng chỉ các năm trước giới hạn thí sinh, tối đa 1.500 ở mỗi thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, 250 tại Huế và 230 tại Đà Lạt. Nhưng từ đầu năm nay, đơn vị tổ chức thi ở Hà Nội, Đà Nẵng và Huế thông báo không giới hạn số thí sinh đăng ký thi như trước. Còn ở phía Nam, TP HCM có thêm hai điểm thi TOPIK, đặt tại Đại học Văn Lang, Hồng Bàng, thay vì chỉ một như trước, số thí sinh được dự thi lên khoảng 3.000.

Trong khi đó, theo thông tin trên fanpage của một đơn vị tổ chức thi HSK và HSKK ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay, bốn đợt thi online và một đợt thi trực tiếp đã diễn ra. Số đăng ký đông nhất của một đợt thi online là gần 2.000 lượt, các đợt khác dao động 800 - 900. Riêng đợt thi trực tiếp trên giấy hồi tháng 6, gần 1.400 thí sinh dự thi. Đây là một trong sáu điểm thi trong cả nước tổ chức kỳ thi này. Thông thường, kỳ thi (bao gồm cả hình thức thi online và thi trên giấy) diễn ra đều đặn hàng tháng.

Con gái chị Hằng thi đạt 6.5 IELTS cách đây không lâu. Nhưng, theo chị mức điểm này là chưa đủ chắc chắn để con đỗ Kinh tế hay Ngoại thương. "Mình muốn con thi luôn, để nếu không đạt thì có thể thi lại hoặc ra Tết còn tính phương án khác", chị Hằng lý giải việc trông ngóng thông tin thi IELTS trở lại. Theo chị, lệ phí hơn 4,6 triệu đồng một lần thi khá tốn kém, nhưng chị sẵn sàng cho con thi lại nhiều lần, cũng như tiếp tục "đổ tiền" cho con ôn luyện để nâng band lên 7.0.

Mai Như thì đang trong nhóm gần 1.000 thành viên nghe ngóng về khả năng đăng ký thi chứng chỉ online ở một số trường đại học của Trung Quốc. "Một phương án khác là sang Thái Lan, một trường ở tỉnh Chon Buri có đợt thi vào tháng 12, thu lệ phí thi hơn 2 triệu đồng", Như cho biết. Theo nữ sinh, kỳ thi HSK, HSKK ở Việt Nam đã bị hoãn từ giữa tháng 9, trước cả IELTS, nhưng hai tháng nay, những thông tin mà cô nhận được chỉ là đơn vị tổ chức thi đang hoàn thiện hồ sơ.

TS Lại Thị Phương Thảo, Phó hiệu trưởng THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ ngày càng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.

Dù vậy, như nhiều chuyên gia cảnh báo, TS Thảo nhấn mạnh việc học ngoại ngữ không phải lúc nào cũng cần đến chứng chỉ. "Miễn sao người học xác định được mục tiêu, động lực và có ý thức tự nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình", bà Thảo nói.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022