Trong hướng dẫn mới, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: "Việc lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học".

Việc quy định hết năm học mới được chọn lại tổ hợp môn nhằm bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng.

"Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường", hướng dẫn nêu.

photo-1-16733457747101542014142.jpeg

Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc chuyển đổi tổ hợp môn học ở lớp 10.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, khi chuyển đổi, học sinh, phụ huynh phải ký bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó.

Với những học sinh chuyển đổi môn tự chọn, nhà trường cần có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương tình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp tiếp theo.

2022 - 2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10. Các em phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Cùng với đó, mỗi học sinh phải chọn 3 trong số 9 môn tự chọn: Lý, Hoá, Sinh, Địa, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Thế nhưng sau một học kỳ, nhiều học sinh bắt đầu thấy đuối bởi khối lượng bài tập quá lớn và không phù hợp với tổ hợp môn đã chọn. Em Nguyễn Văn Hải (Trường THPT Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, đầu năm em chọn tổ hợp khoa học tự nhiên Lý, Hoá, Sinh. Sau một kỳ, em cảm thấy không còn phù hợp bởi kiến thức lớn, liền mạch với cả cấp 2, trong khi những môn này ở cấp dưới em học không quá tốt.

"Điểm thi học kỳ của 3 môn này toàn dưới trung bình, em thấy quá sức và muốn đổi sang tổ hợp Vật lý, Địa lý, Kinh tế pháp luật, Tin học để sau này theo một ngành kỹ thuật nào đó", Hải nói.

Trường hợp của Hải là một trong số nhiều học sinh lớp 10 đang loay hoay khi năng lực không đủ đáp ứng các môn học tự chọn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022