Tương lai của một đứa trẻ ra sao phụ thuộc rất lớn vào cách giáo dục của gia đình. Nếu cha mẹ nuôi dạy đúng cách, biết nuôi dưỡng tâm hồn, khích lệ lòng tự tin, tinh thần hiếu học của con thì sẽ giúp con lớn lên thành công trong cuộc sống. Ngược lại, cha mẹ luôn mắng mỏ, không quan tâm đến việc học hoặc thường xuyên nói những câu khiến con tự ti thì sẽ khiến tương lai con gập ghềnh.
Thời gian trước, câu chuyện về một cặp bố con trong nhà hàng KFC ở Trung Quốc từng khiến cộng đồng mạng nước này phải tranh cãi một phen. Thậm chí một số cư dân mạng còn cho rằng, được nuôi dạy trong một gia đình như vậy, người con sẽ chẳng bao giờ giàu có được.
Theo đó, một người bố dẫn con trai khoảng 7, 8 tuổi đi ăn, trong lúc con đang ăn, bố bỗng nói: "Bố phải làm việc chăm chỉ nửa ngày mới có tiền mua cho con bữa ăn này đấy".
Câu nói của ông bố trong quán KFC gây tranh cãi.
Ngay sau câu nói của bố, cậu con trai bỗng cúi đầu và ăn càng lúc càng chậm. Dường như câu nói của bố đã có sự tác động lớn đến suy nghĩ của cậu bé, khiến cậu hiểu ra điều gì đó và ghi nhớ trong lòng.
Có lẽ với người bố, đó là một cơ hội tuyệt vời để giáo dục con cái. Nó không chỉ cho con biết tình hình tài chính của gia đình ra sao mà còn dạy con tính tiết kiệm. Không chỉ vậy, người bố còn thể hiện được rằng mình luôn yêu thương, cố gắng hết sức đáp ứng nhu cầu của con.
Người cha thì nghĩ vậy, nhưng về phía người con, liệu có hiểu được hết dụng ý của bố? Trong mắt cha mẹ, những câu như "nhà mình không giàu bằng người khác", "mẹ nuôi con vất vả, con phải cố học hành vào", "tiền học của con rất đắt, mẹ đã phải chắt bóp để đóng cho con",... chỉ là những lời cằn nhằn bình thường, nhưng với con, đó có thể là nỗi ám ảnh cả đời.
"Con xem, bố mẹ đã vất vả kiếm tiền, vì con mà lao lực, nợ nần nên sau này con phải hết lòng báo đáp bố mẹ",... - đó là những gì trẻ sẽ hiểu được và nảy sinh cảm giác gánh nặng, áp lực.
Đừng cố nhồi vào đầu con những cảm xúc mặc cảm, tự ti
Chắc hẳn mỗi chúng ta đều từng gặp câu chuyện "mẹ chỉ thích ăn đầu cá, con ăn thịt cá đi". Rõ ràng, người mẹ vô cùng yêu thương, tận tụy với con. Nhưng còn đứa trẻ thì sao? Suy nghĩ mẹ phải hy sinh, không dám ăn, không dám mặc vì mình khiến trẻ bị ám ảnh.
Chúng ta đâu cần thiết phải như vậy, hoàn toàn có thể cùng con chia sẻ món cá mà, đúng không? Đừng khiến niềm vui nhỏ bé được ăn món yêu thích của trẻ lại đi kèm với một cảm giác tội lỗi to lớn, đó là mẹ phải thiệt thòi, nhịn ăn.
Dẫu biết những việc làm của cha mẹ thường chỉ muốn nhắc con rằng: Tiền kiếm được không dễ, hãy sống tiết kiệm. Tuy nhiên việc làm, lời nói của họ nhiều khi bị thái quá và khiến trẻ bị áp lực không nên có, không phù hợp với độ tuổi.
Cha mẹ không nên khiến con tự ti. (Ảnh minh họa)
Trong tâm lý học có một thuật ngữ gọi là "Hội chứng người lớn nhỏ", dùng để chỉ những đứa trẻ dùng sự bao dung để thích nghi với hoàn cảnh sống và đóng cửa trái tim để đổi lấy "sự trưởng thành có chủ đích".
Có người cho rằng mình sinh ra là một món nợ. Có người nghĩ vì những nhu cầu của mình mà cha mẹ phải mang nợ. Trước khi bản thân được hạnh phúc, họ phải trả hết những gì đã nợ cha mẹ. Những người này khi lớn lên thường mang mặc cảm tự ti, nghĩ mình thấp kém. Tâm lý đó khiến họ luôn rụt rè, nhút nhát, không có chút phẩm giá nào.
Thực tế, nghèo đói không bao giờ là thứ vũ khí gây hại lớn nhất cho trẻ em. Nhưng những cảm xúc tự trách, tội lỗi bắt nguồn từ cách thể hiện sai lầm của cha mẹ chính là sát thủ hủy hoại tâm hồn trẻ thơ.
Đối với những gia đình bình thường, đừng cố gắng dạy con tiết kiệm bằng cách than nghèo kể khổ, thay vào đó hãy chia sẻ một cách thành thật với con về tài chính của gia đình, dạy con những bài học chi tiêu đúng đắn, cách lên kế hoạch sử dụng tiền sinh hoạt phí như nào là đúng,...
Đừng cố nhồi nhét vào đầu con "cha mẹ đã vất vả, đã hy sinh vì con như nào, nhà mình nghèo như nào"... Vì đó là những cảm xúc đáng sợ nhất trong giáo dục gia đình.
Nguồn: Sohu