Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú hay còn được biết đến là anh Chánh Văn nổi danh một thời của báo Hoa Học Trò. Hiện nay anh còn là chuyên gia tâm lý, khách mời quen thuộc tư vấn các chủ đề học đường, dạy con và gia đình...

Mới đây, anh Hoàng Anh Tú đã có một bài viết về chủ đề "Cha mẹ ngoan, con sẽ nghe lời". Ngay sau khi được đăng tải, bài viết của anh đã nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh.

Được sự đồng ý của nhà văn Hoàng Anh Tú, chúng tôi xin được chia sẻ lại nội dung bài viết.

"CHA MẸ NGOAN, CON SẼ NGHE"

Không! Tôi không nói ngược đâu. Đám trẻ không nghe lời cha mẹ là bởi "cha mẹ hư" đấy. Chứ cha mẹ "ngoan" thử xem, con sẽ nghe lời răm rắp.

Đầu tiên, "cha mẹ hư" là cha mẹ lúc nào cũng dọa nạt đánh đòn con. Rõ ràng là chỉ có "người hư" mới thích bắt nạt kẻ khác, phải không? Cha mẹ hay lạm quyền làm cha, làm mẹ mà áp đặt trẻ phải thế này hay thế nọ trong khi trẻ tùy theo từng độ tuổi sẽ có độ hiểu khác nhau.

Không thể nói rằng “Con ích kỷ lắm, con biết không?” khi đứa trẻ mới 3 tuổi và chưa hề biết ích kỷ là thế nào. Hay con 15 tuổi thôi nhưng chúng ta nói với con những thứ cao siêu về cuộc đời, luật trả vay, nghiệp này quả nọ. Có những thứ chúng ta chỉ nhận ra sau rất nhiều trải nghiệm với cuộc đời trong khi con của chúng ta chưa từng trải nghiệm.

photo-1-1662000180374356317702.jpg

Nhà văn Hoàng Anh Tú.

Là bởi nhiều khi ta nói bằng những gì ta nghĩ chứ không phải bằng những gì trẻ có thể hiểu. Nên lũ trẻ nghe đấy rồi quên ngay. Trẻ thậm chí hiểu sai nên chúng làm theo cách chúng hiểu. Và khi đó chúng ta lại bảo con không biết nghe lời cha mẹ. Thật oan cho con!

"Cha mẹ ngoan" là cha mẹ đặt mình vào vị trí của con, nói với con những điều ở tuổi chúng có thể hiểu được. Như với đứa trẻ 3 tuổi, khi con ăn vạ, hãy nghĩ như một đứa trẻ 3 tuổi xem vì sao con làm thế và nói như một đứa trẻ 3 tuổi về việc làm thế sẽ không đạt được mục đích đâu. Hãy hướng dẫn trẻ cách có thể đạt được điều mong muốn mà không phải nằm lăn ra đó ăn vạ. Khi trẻ vẫn không chịu hiểu thì hãy… đọc tiếp.

"Cha mẹ ngoan" là cha mẹ biết lắng nghe thay vì chỉ nói theo cảm xúc, tùy tiện để cảm xúc của bản thân quyết định hành động của mình. "Cha mẹ ngoan" là cha mẹ biết quản lý cảm xúc. Bằng việc lắng nghe để hiểu đằng sau những hành động của con là lời nào con muốn nói. Nếu con sai, hãy hướng con đến điều đúng đắn. Không phải bắt con làm điều đúng đắn mà là cho con nhiều lựa chọn để có thể làm điều đúng đắn.

Con sẽ là người quyết định chọn cách nào. Khi trẻ được ra quyết định, chúng sẽ làm tốt hơn việc chúng ta áp đặt chúng. Hãy ghi nhận và khích lệ khi con làm đúng. Hãy sửa chữa cùng con khi con làm sai. Sửa chữa cùng chứ không phải bắt con sửa chữa. Sự kiên nhẫn của bố mẹ vào năm trẻ 3 tuổi sẽ dẫn đến sự nhàn nhã hơn khi con 10 tuổi, xin hãy nhớ cho.

"Cha mẹ hư" là cha mẹ chẳng có nguyên tắc gì. "Cha mẹ ngoan" là cha mẹ nghiêm. Sự nghiêm ấy nằm ở những nguyên tắc đặt ra với nhau đã được thống nhất đồng thuận với con. Việc chúng ta giữ nguyên tắc chính là cách chúng ta giúp con sống có nguyên tắc. Đừng quát con bật điện thoại chơi game tiếng to chỉ vì âm thanh đó khiến bạn không nghe được bộ phim của bạn. Nguyên tắc nào cũng cần công bằng với cả 2 bên.

Bạn dùng điện thoại trong bữa ăn vì công việc nhưng lại cấm con dùng điện thoại trong bữa ăn thì con sao phục? Bạn mới là người khiến con mình phá bỏ nguyên tắc chứ không phải chúng tự ý phá bỏ nguyên tắc.

Và cuối cùng, "cha mẹ ngoan" là cha mẹ trong mắt con rất "ngoan". Hãy cho trẻ thấy việc chúng ta đang cùng trở nên tốt đẹp trong mắt nhau quan trọng thế nào. Bằng khuyến khích những điều con làm được thay vì chỉ trách mắng những thứ con chưa làm được. Bằng ghi nhận và trao tặng cho con nhiều hơn nữa những đánh giá tích cực khi con làm đúng, nó sẽ giúp củng cố những hành động đúng của con.

Và tất nhiên, nếu phải phê bình con, làm ơn, đừng phán quyết toàn bộ con người của con, hãy tập trung vào duy nhất thứ con làm chưa đúng và cho con thấy điều gì cũng có thể sửa chữa lại cho đúng được.

Làm "cha mẹ ngoan" có khó không? Không khó! Bởi bạn không kiểm soát được bản thân mình thì sao đòi kiểm soát cuộc đời con mình kia chứ? Thay đổi mình luôn dễ hơn thay đổi ai đó, kể cả con mình. Và tiên quyết này: Hãy luôn đặt vị trí mình vào con để đừng lạm dụng quyền lực làm cha mẹ với con.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022