Thế mạnh của mình là gì?

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục – Trường Đại học Giáo dục cho biết, thế mạnh là một yếu tố quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp. Trước hết việc em yêu thích, học tốt ở môn học nào đó có thể quyết định khả năng làm việc, phát triển của em ở ngành nghề đó trong tương lai. Ví dụ, một bạn có thế mạnh về ngôn từ, ngoại ngữ sẽ dễ phát triển ở mảng truyền thông, báo chí,…; học sinh yêu thích các môn toán, khoa học tự nhiên sẽ có thế mạnh ở khả năng tư duy logic và có thể lựa chọn những ngành kỹ thuật, công nghệ; hay nếu em có khả năng vận động tốt có thể lựa chọn ngành thể dục thể thao, hay các ngành liên quan đến chăm sóc cảnh quan, cây cối, có thể dành thời gian ngoài trời,…

photo-1-165810772599277968982.jpg

Xác định rõ thế mạnh của mình để hướng nghiệp đúng.

Vì vậy, bước đầu tiên trên hành trình tìm kiếm ngành nghề phù hợp với mình, các em hãy dành thời gian để khai phá những thế mạnh của bản thân. Nếu khó khăn, các em có thể tham khảo ý kiến của thầy cô giáo dạy trực tiếp mình, nhờ bố mẹ tư vấn kỹ hơn. Mỗi người đều có thế mạnh nhất định, tuy nhiên có người thể hiện rõ ràng, có người không. Việc xác định đúng thế mạnh của mình là bước đầu tiên thành công để chọn nghề.

Thực hiện trắc nghiệm nghề nghiệp

Trắc nghiệm nghề nghiệp là một lựa chọn không tồi giúp bạn khám phá bản thân. Các bài trắc nghiệm nghề nghiệp sẽ tìm ra đặc điểm nhóm tính cách, các kỹ năng công việc, ưu, nhược điểm, nghề nghiệp phù hợp của từng cá nhân, mang đến cái nhìn tổng thể về công việc tương lai.

Hiện trên mạng, có rất nhiều công cụ để bạn test thử về nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Đây là các kênh tham khảo cần thiết. Nếu cần, các em có thể test với nhiều dạng bài khác nhau để tìm ra kết quả phù hợp nhất.

Lắng nghe những ước muốn của bản thân

Mỗi người đều có mong muốn khác nhau về công việc ngoài yếu tố lương, lộ trình thăng tiến,… Có người sẽ ưa thích sự cân bằng, ổn định, cũng có người lại thích sự sáng tạo, hay làm việc dưới áp lực cao.

photo-1-1658107729581584097842.jpg

Khi chọn trường, nên tìm hiểu chương trình đào tạo, học phí, tỉ lệ sinh viên có việc sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khóa tại trường, mức điểm chuẩn các năm trước.

Một khi xác định được mong muốn, yêu cầu công việc của mình, các em có thể tìm được ngành nghề phù hợp giữa một rừng các ngành học khác nhau hiện nay. Chẳng hạn, em yêu thích sự ổn định thì có thể hướng tới những công việc văn phòng, nhưng sẽ không phù hợp lắm với nghề kinh doanh vốn cần sự quyết liệt, ưa mạo hiểm một chút.

Đương nhiên, bởi vì chưa có quá nhiều kinh nghiệm, việc xác định nghề nghiệp của các em có thể không đủ chính xác, không phù hợp với thực tế nghề nghiệp. Vậy nên, các em hãy tìm đến những người hướng dẫn giàu kinh nghiệm có thể lắng nghe, phân tích và định hướng con đường tương lai cho mình như bố mẹ, thầy cô, hay những chuyên gia hướng nghiệp uy tín.

Chiến thuật chọn ngành, chọn trường

Theo TS Trần Thành Nam, sau khi tốt nghiệp THPT, mỗi em sẽ có định hướng riêng cho mình là học nghề hay học đại học, cao đẳng. Tuy nhiên tại Việt Nam, học đại học vẫn là một lựa chọn tương đối phổ biến. Chọn nghề đã khó, chọn ngành, chọn trường lại càng nan giải. Vậy có một gợi ý nào để việc chọn ngành, chọn trường trở nên dễ dàng hơn không?

Trước hết, các em hãy khoanh vùng một số ngành nghề phù hợp dựa trên những yếu tố kể trên, tìm hiểu thật kỹ về các ngành nghề đó, ví dụ: triển vọng nghề nghiệp, thu nhập, kỹ năng công việc,… Các em có thể tìm hiểu trên các kênh thông tin truyền thông, hỏi ý kiến người thân, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, thầy cô,…

Sau khi đã xác định được nghề nghiệp cụ thể, các em tìm đến những ngành đào tạo nghề nghiệp đó tại các trường đại học, tìm hiểu chương trình đào tạo, học phí, tỉ lệ sinh viên có việc sau khi tốt nghiệp, môi trường học tập, sinh hoạt ngoại khóa tại trường, mức điểm chuẩn các năm trước. Bước này sẽ giúp các em có cái nhìn rõ hơn về ngành học, từ đó chọn ra ngành, trường học phù hợp với năng lực, điểm số, điều kiện kinh tế của bản thân.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022