Trong báo cáo công tác tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 vào đầu tháng 7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hưởng cơ chế đặc thù ở các trường THPT công lập thuộc 12 quận và một số huyện giáp ranh nội thành.
Cụ thể, các trường THPT ở đây được tăng 10% số lớp, tức từ 45 lên 50 lớp một trường; tăng 10% số học sinh một lớp, từ 45 lên 50, và dùng tỷ lệ diện tích sử dụng/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh trong các hoạt động đánh giá.
Theo Bộ trưởng Sơn, việc nâng tầng, tăng quy mô cơ sở giáo dục, quy mô xây dựng... liên quan đến việc sửa đổi một thông tư liên tịch giữa Bộ Xây dựng với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Về nguyên tắc là ủng hộ việc này vì không gian đô thị có đặc thù riêng. Hiện hai bộ đang phối hợp để sửa", ông Sơn nói tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chiều 25/7. Theo ông, quy định mới sẽ cho phép các trường được xây với số tầng cao hơn, tính diện tích sàn/học sinh thay cho diện tích đất/học sinh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh làm gì "cũng phải đảm bảo không gian và an toàn".
Ông Sơn nhìn nhận thủ đô có 8,3 triệu người, dân trí cao, nên ngoài ngoài nhu cầu về chỗ học, người dân rất quan tâm tới chất lượng giáo dục. Chưa kể, những năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện đã từ nơi khác về Hà Nội thuê, mua nhà. Do đó, việc đảm bảo đủ chỗ học luôn là câu chuyện căng thẳng.
"Chúng ta có trường công, trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề. Chỗ thì có, nhưng về lý thuyết thì cần đảm bảo đủ chỗ ở trường công nếu học sinh có nhu cầu học trung học", ông Sơn nói.
Ngoài giải pháp cơi nới diện tích trường học, ông Sơn cho rằng cần đẩy mạnh chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng khỏi nội thành, trả đất cho các công trình công cộng, trong đó có trường học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chiều 25/7. Ảnh: Hoàng Phong
Mỗi năm, Hà Nội có khoảng 2,2-2,3 triệu trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Năm nay, trong 129.210 học sinh tốt nghiệp THCS, 78.620 em trúng tuyển lớp 10 công lập (60,9%).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá tỷ lệ này là phù hợp với quy định phân luồng sau THCS, song "tâm lý phụ huynh vẫn muốn học trường công" và đây cũng là mục tiêu của ngành giáo dục Hà Nội.
Từ nay đến năm 2025, Sở đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc quản lý của Sở, từ nay đến 2025; dự kiến xây thêm 16 trường. Tổng đầu tư cho 139 dự án này là 8.873 tỷ đồng.
Thanh Hằng - Võ Hải