Nội dung trên nằm trong thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chiều 3/1.
Cụ thể, giáo viên được tham gia dạy thêm ngoài trường, nhưng không được thu tiền của học sinh mà mình đang dạy trên lớp.
Thông tư cũ chỉ nêu giáo viên được tham gia dạy bên ngoài nếu được sự đồng ý của hiệu trưởng. Trả lời VnExpress hôm 24/8, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục phổ thông, nhìn nhận vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn. Do đó, thông tư mới nhằm khắc phục tiêu cực trong dạy thêm, học thêm.
Cũng theo thông tư mới, Bộ yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống. Giáo viên ở các trường công lập không được quản lý, điều hành dạy thêm ngoài trường, mà chỉ được tham gia dạy thêm. Khi đó, giáo viên phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.
Học phí học thêm ngoài trường do phụ huynh, học sinh thỏa thuận với cơ sở dạy thêm.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Với dạy thêm trong trường, thông tư mới cũng yêu cầu không thu tiền, và chỉ dành cho ba nhóm học sinh: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.
Học sinh muốn học thêm trong trường cần làm đơn đăng ký, mỗi lớp không quá 45 em. Với mỗi môn học, trường không được dạy thêm quá hai tiết một tuần. Kinh phí tổ chức dạy thêm lấy từ ngân sách.
Đây cũng là điểm mới, bởi hiện tại các trường vẫn tổ chức dạy và thu tiền, mức thu theo quy định của HĐND cấp tỉnh.
Chia sẻ về điểm mới này, Bộ cho biết ba nhóm học sinh nói trên thuộc trách nhiệm phải bồi dưỡng của trường, nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền lợi của học sinh.
Theo Bộ, thông tư mới được xây dựng trên ba quan điểm chính. Thứ nhất là đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của giáo viên và học sinh. Hai là đảm bảo dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng đến chương trình chính khóa. Ba là ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm ở các lớp do nhà trường, giáo viên tổ chức, dù không có nhu cầu.
Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ 14/2.
Thời gian qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà giáo, đại biểu quốc hội nhiều lần khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật. Việc này không cần cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc học sinh phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù các em không muốn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hôm 20/11/2024 cho biết chủ trương của Bộ là không cấm dạy thêm, chỉ cấm nếu giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bộ cũng đề xuất đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.
Về phía giáo viên, theo báo cáo của Đại học Quốc gia TP HCM, hơn 63% trong 12.500 giáo viên muốn được hợp pháp dạy thêm tại nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập chính đáng. Thầy cô cho biết dù lương cơ sở đã tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng, thu nhập chỉ đáp ứng một nửa (51,8%) nhu cầu chi tiêu gia đình.
Khảo sát VnExpress thực hiện với gần 27.000 độc giả, kết quả cho thấy 67% người được hỏi đồng ý cấm dạy thêm, còn lại cho rằng không nên cấm, nhưng cần kiểm soát chặt hơn.
Thanh Hằng