Đó là buổi chiều mưa giữa tháng 5, vợ anh trút hơi thở cuối cùng sau thời gian chống chọi ung thư vú. "Trời đất như sụp đổ, tôi tưởng mình không gượng dậy nổi", anh nói.

Họ lấy nhau năm 2013 và ở trong căn nhà cấp 4 thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Anh Duẫn là thợ sơn nước thu nhập bấp bênh, mùa mưa thường thất nghiệp, vợ làm nội trợ. Thu nhập không quá bốn triệu mỗi tháng, gia tài của họ là một sào ruộng ông bà cho.

1fb3b4c70188bcd6e599-173425165-7491-8285-1734251833.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ImKp1yEIT8Dz_WofRQIz6Q

Bố con anh Lê Văn Duẫn ở nhà thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, chiều 15/12. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bảo An là đứa con thứ hai chào đời năm 2018, kém anh ruột bốn tuổi. Cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng gia đình anh Duẫn vẫn hạnh phúc, cho đến đầu 2021.

Cháu An bị viêm xương nên được đưa đến Bệnh viện Đại học Y Dược Huế điều trị. Trong quá trình xét nghiệm, bác sĩ phát hiện một số bất thường nên đề nghị gia đình làm xét nghiệm công thức máu.

Lúc nhận được kết quả cháu An mắc bạch cầu cấp dòng lympho nguy cơ cao, một dạng ung thư máu, anh Duẫn đứng như trời trồng. Vợ chồng thất thần nhìn nhau rồi òa khóc ở trước cổng bệnh viện.

"Cỡ nào cũng phải lo được cho con", anh Duẫn nói dù biết kinh phí dự trù hơn 50 triệu vượt quá sức họ.

Sau vài đêm mất ngủ vì nghĩ ngợi tính toán, cặp vợ chồng quyết định đánh liều đi vay mượn họ hàng và mang giấy chứng nhận hộ nghèo đi vay ngân hàng. Gom đủ tiền cũng là lúc bùng dịch Covid, họ gửi con trai lớn cho bà ngoại trông rồi khăn gói vào ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Ở những đợt hóa trị đầu, vợ chồng Duẫn chảy nước mắt khi thấy con lở miệng, không ăn được, người gầy rộc và tóc rụng từng mảng. An còn bé để biết căn bệnh của mình hiểm nghèo đến mức nào, chỉ cố nuốt từng muỗng thức ăn mẹ bón và hứa "ăn nhiều sẽ khỏi bệnh về nhà".

Tháng 11/2021, An được xuất viện. Tuy nhiên, cậu bé phải trở lại khám và vào hóa chất định kỳ mỗi tháng một lần. Vợ chồng họ dồn hết tiền chữa bệnh cho con, bữa cơm thường thấy chỉ là mắm và cà muối.

Giữa năm ngoái, vợ anh Duẫn phát hiện số bất thường ở ngực nhưng chần chừ đi khám bởi muốn tiết kiệm tiền chữa bệnh cho con. Chị từng trải qua hai đợt phẫu thuật u xơ tuyến vú.

Ở lần ba, chị phát hiện u ác tính. Anh Duẫn suy sụp tinh thần. Trong quá trình điều trị, vợ Duẫn không ngừng động viên chồng "còn nước còn tát" dẫu cô như thế nào anh vẫn phải lo cho hai con đầy đủ.

f768d0b2c3fd7ea327ec-173425184-5416-3720-1734259448.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E5jDUd4nNml58h_KfR6m0g

Anh Duẫn và cháu Lê Bảo An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hồi tháng 5, vợ anh qua đời sau một lần men gan tăng cao đột ngột.

"Tôi khủng hoảng bởi mất đi điểm tựa tinh thần", Duẫn nói. "Nhưng phải cố gượng để làm chỗ dựa cho các con". Bốn ngày tang vợ, anh gửi An đến nhà họ hàng bởi không muốn cháu chịu cú sốc.

Trở về nhà, An nhớ mẹ quay quắt và được bố giải thích mẹ đã đi theo ông bà nội (đã mất). Cậu bé dần chấp nhận.

Kể từ khi vợ mất, gánh nặng của Duẫn tăng lên gấp đôi. Anh không thể nhận sơn nước công trình xa bởi bận đón đưa hai con đi học, nấu cơm, tiền nong chật vật. Mỗi đợt Bảo An truyền hóa trị, An xin nghỉ đưa con đi. Hành trình 60 km trở nên dài hơn mỗi lần cháu nhắc bố những kỷ niệm về mẹ.

Tuần rồi, Bảo An sử dụng thuốc hóa trị khiến tóc đỡ rụng cứ đưa tay lên vuốt tóc. Hiện, cậu bé vẫn chưa cảm nhận được sự nguy hiểm của căn bệnh.

"Thằng bé đã chấp nhận việc xin cô nghỉ học, đón xe đò mỗi tháng như một phần của cuộc sống mình", Duẫn nói. "Tôi sẽ cố gắng bù đắp cả tình thương của mẹ nó".

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Ngọc Ngân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022