Một trong những từ được nhắc đến nhiều nhất ngày Tết là "bánh chưng", nhưng tỷ lệ viết sai thành "bánh trưng" rất lớn. Thậm chí có người nổi tiếng khi khoe kiến thức trên Facebook còn viết là "bánh trưng".
Từ viết sai này cũng xuất hiện trên không ít trang web chính thống của báo chí truyền thông, của các sở ban ngành, trường học và từ bài viết, trang cá nhân của những người nổi tiếng.
Ban tổ chức một số lễ hội đầu năm cũng hay mắc lỗi chính tả này khi in phông sân khấu, băng rôn. Năm 2010, thay vì viết đúng "Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy", Ban tổ chức lễ hội Đền Hùng cho căng một tấm biển rất to với dòng chữ "bánh trưng, bánh giày".
Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng 2010 cho căng một tấm biển rất to với dòng chữ "bánh trưng, bánh giày".
Không hiểu sao vẫn có nhiều người mắc lỗi chính tả này, khi mà truyện "Bánh chưng, bánh giầy" hầu hết người Việt đều biết. Truyện được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái, tương truyền do Trần Thế Pháp sưu tập ghi lại từ thế kỷ XIV, sách ghi lại như sau:
"Vua Hùng Vương muốn truyền ngôi. Ngài gọi các con đến, hứa sẽ chọn người nào làm được món ăn ngon để dâng cúng tổ tiên. Các hoàng tử thi nhau tìm kiếm của ngon vật lạ, sơn hào hải vị, để làm món ăn dâng lên vua cha. Lang Liệu nhà nghèo, chưa biết phải xoay xở ra sao thì một đêm được thần nhân báo mộng, chỉ cho cách làm bánh chưng (hình vuông) và bánh giầy (hình tròn).
Đến kỳ hẹn, vua Hùng Vương nếm các món ăn. Ngài khen bánh của Lang Liệu vừa có ý nghĩa tượng trưng cho 'trời tròn đất vuông', vừa có mùi vị thơm ngon, được làm toàn bằng sản vật của đồng quê nước ta và truyền ngôi cho Lang Liêu".
(Lĩnh Nam chích quái, bản dịch của Lê Hữu Mục, Khai Trí, 1961).
Chưng (烝) ở đây là từ Hán - Việt có nghĩa gốc là hơi nóng hoặc hơi nước bốc lên. Chữ chưng này là một chữ tượng hình mô tả hình ảnh nấu bánh, người ta đã dùng phép hội ý để ghi lại.
Trước hết bên dưới là lửỏa, rồi mới đến một gạch ngang tượng trưng cho đáy nồ, bên trên là nướủy và trên cùng là một gạch ngang nữa tượng trưng cho nắp đậy.
Từ đó, chưng còn có nghĩa là đun, hấp thực phẩm cho chín bằng nước hoặc hơi nước, hoặc đôi khi hiểu là đun, hấp nhẹ làm nước bay hơi, để cô hỗn hợp cho đặc lại.
Ở Trung Quốc cũng có loại bánh gọi là chưng bính (蒸餅, tức là bánh chưng) là bánh bột gạo hấp, là bánh bình thường, chả dùng vào dịp gì cả và người ta cũng chỉ hiểu chữ hấp.
Tương tự "bánh trưng", có nhiều người vẫn viết sai từ bánh giầy thành bánh dầy hay thậm chí bánh dày/giày.
Trả lời báo Tuổi trẻ , nhà ngôn ngữ học Trần Chút - Nhà giáo Ưu tú của ngành Ngữ văn Việt Nam cho biết: "Bánh giầy" là từ biến âm của tiếng Việt cổ "bánh chì" ngày xưa (xưa: "ch" thì sau này biến thành "gi", xưa: âm "i" thì sau này biến thành "ây". Vì thế, viết "bánh giầy" là chính xác.
Cũng nên nói thêm là tiếng Việt ta phát âm "d" và "gi" không khác nhau nên một số người nhầm lẫn "dầy" tức là dày, mỏng nên mới viết là "bánh dầy". Tuy nhiên, theo quy tắc chính tả tiếng Việt hiện tại, viết "bánh giầy" là chuẩn xác nhất.
GS.TS Nguyễn Đức Dân - nguyên Tổ trưởng tổ bộ môn Ngôn ngữ, khoa Ngữ văn - Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM, nguyên Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng khẳng định dùng từ "bánh giầy" là đúng.
Theo Từ điển tiếng Việt tường giải và liên tưởng của tác giả Nguyễn Văn Đạm, NXB Văn hóa - Thông tin, thì bánh giầy nghĩa là "bánh làm bằng xôi giã thật mịn".
Từ điển Tiếng Việt của tác giả Minh Tân - Thanh Nghị - Xuân Lãm, NXB Thanh Hóa: "Bánh giầy: Bánh làm bằng xôi giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có khi có nhân đậu xanh".
Đại từ điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý, NXB Văn Hóa - Thông Tin cũng giải thích: "Bánh giầy là bánh có hình tròn khum khum, màu trắng, rất dẻo, mịn mặt, làm bằng xôi trắng giã nhuyễn, khi ăn cặp với giò chả...".
GS.TS Nguyễn Đức Tồn - nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cũng cho biết, chỉ duy nhất cách viết "bánh chưng", "bánh giầy" là đúng, không có biến thể hay cách viết tương tự.