Năm 2013, nếu nói một trong những bức ảnh nào gây ấn tượng nhất, có lẽ nhiều người không thể quên hình ảnh một cậu bé 4 tuổi nhỏ nhắn chỉ mặc một chiếc quần cộc vàng, mang giày thể thao trắng co ro giữa trời tuyết trắng xóa. Nhiệt độ ngoài trời tại New York, Mỹ lúc ấy là -13 độ. Bức ảnh khiến Hà Nghị Đức (biệt danh Độ Độ) năm ấy bỗng nổi tiếng khắp thế giới.

Được biết, đây là cách giáo dục đầy khắc nghiệt của ông Hà Lý Sinh - bố cậu bé. Từ khi con trai còn nhỏ, ông bố này đã áp dụng cách nuôi dạy "cha mẹ đại bàng" - bắt con phải tự lập, học bản lĩnh mạnh mẽ. "Khi đại bàng non đủ lớn, đại bàng mẹ sẽ ném con xuống vách đá để chúng phải tự đập cánh. Bố đang thử sức để con có thể tự bay trên đôi cánh của mình", ông liên tục nói trong video ghi lại cảnh chạy giữa tuyết của con mình.

Độ Độ sinh năm 2008 tại Nam Kinh, Giang Tô, Tung Quốc. Cậu bé sinh non khi 7 tháng, được bác sĩ chẩn đoán là một đứa trẻ bị bại não. Cha của Độ Độ đã quyết định một mình đưa con sang Mỹ điều trị.

Ông Hà Lý Sinh từng là giáo viên khi còn trẻ, sau khi tham khảo và nghiên cứu, ông đã lên kế hoạch đào tạo cho con trai của mình. Vào ngày thứ 10 cậu bé ra khỏi lồng ấp trong bệnh viện, ông cho con vào chậu nước có nhiệt độ 25 độ mỗi ngày để huấn luyện "bơi lội" 1 tiếng.

Khi Độ Độ hơn 1 tuổi và bắt đầu học nói học đi, hai cha con trở lại Trung Quốc. Lên 5 tuổi, cậu bé được bố dạy học lái máy bay cỡ nhỏ và có thể một mình bay qua công viên động vật hoang dã ở Bắc Kinh. Cũng trong năm này, ông Hà còn bắt con đi bộ 1.800 km qua sa mạc và dạy con tự chèo thuyền ra biển lớn.

Từ những bài tập khắc nghiệt của bố, dù còn nhỏ nhưng Độ Độ đã giành được nhiều kỷ lục thế giới như: Phi công trẻ nhất thế giới, Thủy thủ trẻ nhất thế giới... Cậu bé cũng đạt giải quán quân cuộc thi Chương trình bàn tính và số học IQ trên toàn Trung Quốc khi mới 5 tuổi. Thời điểm đó, Độ Độ được mọi người gọi với biệt danh thiên tài.

photo-1-16168088900811124539555.jpg

Cậu bé Độ Độ có nhiều thành tích từ khi còn nhỏ

Lên tiểu học và trung học, Độ Độ học tại nhà với chương trình do chính bố mình tự biên soạn và dạy con. Cậu bé phải thức dậy lúc 5h30 và đi ngủ lúc 20h30. Mỗi ngày đều có 14 tiết học, 7 tiết buổi sáng, 4 tiết buổi chiều và 2 tiết buổi tối. Ở "trường học" này, Độ Độ được học một số môn "lạ" so với trẻ em Trung Quốc cùng tuổi như môn "Điện thoại thông minh", dạy học sinh về phần mềm của điện thoại hay "Thiền để vẽ tranh" - học sinh được bịt mắt và cho nghe nhạc, sau đó sẽ vẽ tranh bằng trí tưởng tượng của mình.

"Mục tiêu của tôi là để Độ Độ hoàn thành chương trình tiểu học và trung học trong vòng 6 năm. Đến năm 13 tuổi có thể theo học chương trình đại học", ông bố 52 tuổi khẳng định.

Năm 8 tuổi, Độ Độ ghi danh theo học khoa Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh, chuyên ngành quản lý nhân sự theo phương pháp tự học và tốt nghiệp năm 2020, khi mới 12 tuổi. Tuy nhiên do quy định tuổi tác, cậu không được nhận tiếp vào các khóa chuyên sâu sau đại học như mong muốn trước đó của người cha.

photo-1-16168088927181002624171.jpg

Độ Độ ghi danh theo học khoa Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh, chuyên ngành quản lý nhân sự theo phương pháp tự học và tốt nghiệp năm 2020, khi mới 12 tuổi

Bẵng đi 8 năm, Độ Độ mới tái xuất trong chương trình "Who's Still Standing" (Người đứng vững) của đài truyền hình Giang Tô. Bản lý lịch của cậu bé và cách nuôi dạy con mâu thuẫn ngay từ trong gia đình Độ Độ vì thế cũng gây sốt trở lại và nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

"Cứ tiếp tục thế này thì ai cũng khổ"

Mẹ của Độ Độ là Hà Long lo lắng những lựa chọn quyết liệt, mang tính độc đoán của chồng sẽ phản tác dụng với sự phát triển của con trai. Sự khác biệt trong giáo dục dẫn đến những cuộc cãi vã không ngừng giữa hai bố mẹ - từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến việc học hành. Ông Hà Lý Sinh luôn mong muốn thay đổi được vợ. Ông cảm thấy kỳ vọng của vợ với các con là "quá tầm thường".

"Trẻ thì có tự do gì, chúng chẳng biết cái gì. Lúc cần phải giáo dục, huấn luyện trẻ thì bố mẹ lại chỉ đứng quan sát. Đến khi phát hiện điều gì đó bất ổn mới bắt tay vào dạy dỗ, lúc đó quá muộn rồi".

photo-3-16168088927801882162956.jpg

Độ Độ cùng gia đình khi còn nhỏ

Hà Long hiểu rằng chồng rất vất vả, nhưng vẫn mong anh trở lại công việc cũ bởi "cứ tiếp tục thế này thì ai cũng khổ". Người phụ nữ nhận ra con trai Độ Độ hiểu chuyện và trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa nhưng cô vẫn hy vọng cậu bé có thể sống như một đứa trẻ bình thường, được cười đùa vui chơi với các bạn thay vì phải chịu những bài luyện tập khắc nghiệt.

Đối mặt với người chồng độc đoán, việc mẹ của Độ Độ có thể làm là yêu cầu để con gái thứ hai được đến trường cùng bạn bè, điều này khiến cô cảm thấy thoải mái. Người phụ nữ này cũng nhiều lần hỏi chồng: "Anh đã rất nghiêm khắc và thường xuyên ép buộc con. Điều gì xảy ra nếu một ngày Độ Độ lớn lên và có khả năng chống lại bố".

"Không quan trọng, anh chỉ nuôi đến 18 tuổi, sau đó tự lực cánh sinh. Nếu Độ Độ không nghe lời, anh sẽ không làm huấn luyện viên của con nữa", ông Hà đáp nhưng người vợ tin rằng "ông bố đại bàng" này sẽ còn can thiệp rất nhiều vào cuộc sống của con: "Anh ấy đã quá quen như thế".

photo-5-16168088934231702395627.jpg

Độ Độ 11 tuổi đang đọc“Lý thuyết và phương pháp đánh giá chất lượng nhân sự” rõ ràng là không phù hợp với lứa tuổi của cậu

Độ Độ 12 tuổi, mỗi ngày mỗi lớn. Mẹ cậu bé kể, trước đây khi con không nghe lời, cô đều răn: "Là trẻ con phải biết nghe lời người lớn". Năm nay Độ Độ còn cao hơn mẹ. Cậu bé giờ lại nói: "Từ giờ mẹ phải nghe lời con, bởi con không còn là trẻ con nữa". Cô cũng phát hiện ra, càng lớn, con trai càng không bộc lộ suy nghĩ thật của mình.

Nhiều người cho rằng, thần đồng như Độ Độ có hạnh phúc không khi luôn sống một cuộc sống bị áp đặt và nhiều mâu thuẫn như thế? Quan niệm giáo dục kiểu này không đáng được phát huy dù dưới sự sắp đặt của cha mình, cậu bé chuẩn bị cho mục tiêu giành bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Liệu nó có đáng để học hỏi hay không, không còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022