Tết với tôi chưa bao giờ là những ngày vui. Nếu nói như vậy có lẽ nhiều người sẽ bảo tôi ăn nói xúi quẩy, năm mới năm me đừng có nhắc đến những điều tiêu cực, thế nhưng đấy là sự thật. Tôi chưa bao giờ thích Tết.
Nếu như bạn sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình chỉ cần na ná gia đình tôi thôi, hoặc chỉ bằng khoảng 70% nhà tôi thôi là bạn đã đủ để kinh hãi Tết lắm rồi.
Nhà tôi ở tứ đại đồng đường. Nhà đông đúc như vậy nên sinh ra lắm vấn đề, nhiều chuyện mâu thuẫn. Đặc biệt là dịp Tết, từng ấy nhà ngồi ăn chung với nhau nhưng chỉ những đứa con cháu bị ghét trong nhà phải đứng ra mà làm, trong cái đám con cháu bị ghét đó có tôi.
Từ lớp 5 tôi đã bị ám ảnh cái việc ngồi ở sân sau rửa cả núi bát đũa trong cái thời tiết lạnh buốt. Mà có phải ngày ăn 3 bữa rửa 3 lần đâu, cứ mỗi lần Tết là ăn suốt, cả ngày chỉ có bê mâm lên ăn rồi dọn mâm xuống rửa. Cứ hết Tết là tay tôi bị cước, nứt nẻ vì ngâm nước lạnh và hóa chất tẩy rửa quá nhiều. Thế nhưng chẳng có ai quan tâm đến cái tay tôi ngoài thím út, người cũng ở trong đám con cháu bị ghét giống tôi. Đến năm tôi học lớp 9 thì thím và chú tôi ly hôn. Từ đó chẳng còn ai quan tâm đến cái tay nứt nẻ, chảy máu của tôi nữa.
Tết - dịp vốn chẳng có chút màu sắc và niềm vui nào, đến năm nay lại trở thành một kỷ niệm chẳng ra gì với tôi.
Gần Tết, em trai tôi làm mất chiếc xe máy, cái xe này bố mẹ mới mua cho nó được mấy tháng, mặc dù câu chuyện mất xe nghe khá là vô lý và qua lời em tôi kể thì có khá là nhiều chi tiết phi logic, hơn nữa nó nhất quyết không chịu cho mọi người đi báo công an nên tôi nói thật lòng là tôi nghi ngờ chả có ai lấy xe của nó hết, chắc lại thiếu tiền tiêu xài nên mang đi cắm hay bán quách ở đâu rồi.
Thôi thì cứ coi là mất thật đi nhưng mất của thì đầu tiên phải tự vắt tay lên trán vì mình có chủ quan thì mới tạo cơ hội cho kẻ gian được. Tôi và em trai vốn dĩ đã không có mối quan hệ tốt đẹp gì bởi sự con yêu con ghét của bố mẹ nên nói thẳng là xe nó mất chẳng liên quan gì đến tôi hết.
Thế nhưng bất ngờ thay, bố mẹ lại đặt hy vọng vào tiền thưởng Tết của tôi để mua xe mới cho con trai cưng. Ở nhà này bây giờ chỉ còn mỗi mình tôi đi làm, bố mẹ hiện tại chỉ có thu nhập từ căn nhà ông bà ngoại để lại, đang cho người ta thuê, mỗi tháng đâu đó được hơn chục triệu. Em trai thân yêu năm nay vừa tròn 25 tuổi của tôi thì không đi làm, chỉ ở nhà chơi game!
Vì mất xe đúng dịp Tết nên không biết sao bố mẹ lại nghĩ ngay đến chuyện tôi sắp có lương thưởng cuối năm, dù không biết chính xác tôi sẽ có bao nhiêu tiền nhưng bố mẹ vẫn nhắm đến khoản tiền mồ hôi công sức đó của tôi.
Khi nghe thấy bố mẹ hỏi bao giờ có lương thưởng Tết tôi đã lấy làm lạ nhưng khi bố mẹ nói thẳng là có tiền thì đưa bố mẹ đi mua xe mới cho em còn có cái đi lại thì tôi như bị dội cho 1 gáo nước lạnh buốt giữa trời đông. Thế nhưng tôi vẫn lựa chọn việc bình tĩnh, tôi đã cố gắng trải lòng mình một cách nhẹ nhàng với cả nhà, giải thích rằng số tiền tôi kiếm được chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ cho em vì tôi còn rất nhiều khoản phải chi. Mà ngay cả khi tôi có đưa hết tiền cho bố mẹ thì số tiền đó cũng không đủ để mua cái xe mới mà thằng em tôi đang đòi.
Tôi nhớ như in lúc ấy, bố tôi tôi nói nguyên văn là:
"Biết không đủ thì xem cả năm làm ăn có để ra được khoản nào không thì cho em nó còn mua xe. Từng này tuổi rồi đi làm cả ngày mà lương lậu được 3 cái đồng bạc. Vô dụng!"
Tôi chỉ cười rồi lặp lại lần nữa chỉ cho em 5 triệu còn nó muốn làm thế nào để mua xe là việc của nó. Vừa dứt lời thì cả bố lẫn mẹ đứng phắt dậy, đập bàn rầm rầm và đuổi tôi ra khỏi nhà. Tôi đã đoán ra được ngay họ sẽ làm như vậy, tôi quá quen rồi và chẳng có gì phải bất ngờ. Nhưng lần này thì tôi không nhịn nhục nữa, mặc dù còn chưa đến ông Công ông Táo nhưng tôi vẫn quyết tâm dọn đồ ra khỏi cái căn nhà này.
Đối với em trai, tôi đã từng hy vọng sự nghênh ngang lười biếng của nó chắc chỉ đơn thuần là cái tuổi mới lớn nổi loạn, khi trưởng thành nó sẽ nhận ra được giá trị của việc tự chịu trách nhiệm và học cách đối mặt với hậu quả của những sai lầm của mình. Nhưng không, với cách giáo dục của bố mẹ tôi thì dù có đến tuổi trung niên thậm chí đến tuổi già đi chăng nữa thì nó cũng chỉ có thể tư duy được đến thế mà thôi. Còn với bố mẹ, tôi cũng đã từng mong rằng họ sẽ nhận ra không nên đặt gánh nặng lên vai con cái mình, bởi vì mỗi chúng ta đều có những trách nhiệm và khó khăn riêng trong cuộc sống. Thế nhưng đến hôm nay thì tôi nghĩ cái hy vọng đó của tôi quả thật quá là viển vông...