Ngày 1/4, Học viện Hàng không Việt Nam cho biết học bổng dành cho tân sinh viên cư trú ở tỉnh Đồng Nai, có ít nhất một năm học THPT ở tỉnh.
Ngoài ra, sinh viên phải trúng tuyển một trong các ngành: Quản lý và khai thác cảng hàng không; Xây dựng và phát triển cảng hàng không; Công nghệ kỹ thuật điện tử - Viễn thông hàng không; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật hàng không; Quản lý hoạt động bay.
Theo lãnh đạo Học viện, chính sách kéo dài từ nay tới năm 2030, nhằm chuẩn bị nhân lực cho sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động.
Học sinh trường THPT Gia Định, TP HCM, nghe tư vấn về các ngành đào tạo của Học viện Hàng không Việt Nam, sáng 1/4. Ảnh: VAA
Năm 2024, Học viện Hàng không dự kiến tuyển hơn 3.500 sinh viên bậc đại học, 300 ở bậc cao đẳng.
Các phương thức xét tuyển của trường gồm: xét tuyển sớm (học sinh giỏi, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực do hai đại học quốc gia tổ chức, điểm học bạ, tuyển thẳng) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Học viện dự kiến mở cổng đăng ký xét tuyển sớm từ ngày 8/4.
Năm ngoái, điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của Học viện Hàng không Việt Nam dao động 16-24,2, cao nhất là ngành Quản lý hoạt động bay.
Sân bay Long Thành có công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 gồm đường cất hạ cánh, nhà ga, các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Tại hội nghị Đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay Long Thành hôm 13/3, ông Võ Tấn Đức, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khi khai thác giai đoạn 1, sân bay Long Thành cần gần 14.000 lao động từ phổ thông đến trên đại học.
Lệ Nguyễn