Thay vì 13 môn bắt buộc như trước, các học sinh lớp 10 năm nay chỉ học 7 môn học và 1 hoạt động giáo dục bắt buộc; các em được chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn để định hướng nghề nghiệp. Vừa lên một cấp học mới lại vừa được thụ hưởng một chương trình học mới, sách giáo khoa mới, phương pháp dạy học mới, Nguyễn Trà Giang, học sinh lớp 10, Trường THPT Bất Bạt, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và các bạn cảm thấy khá hứng thú.

"Em cảm thấy rất hào hứng về buổi học ngày hôm nay. Một phần vì được bước vào cấp học mới, tiếp theo cũng là do chương trình học năm nay có thay đổi so với năm học trước kia. Em cảm thấy khá may mắn về điều này. Bởi vì chúng em tuy là thế hệ đi sau, nhưng lại được định hướng một cách khá rõ ràng về sự lựa chọn của mình trong tương lai sau này và em nghĩ là sẽ giúp ích được rất nhiều cho tương lai của em"- em Giang nói.

photo-1-16638266987151415001433.jpg

(Ảnh minh họa)

Chương trình mới với học sinh và cũng mới với thầy cô giáo. Vì thế, để soạn được bài giảng theo chương trình mới, thì ngoài sách giáo viên, các thầy cô cũng phải tìm hiểu thêm nhiều nội dung minh họa bên ngoài, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để bài giảng đạt hiệu quả hơn. Thầy Nguyễn Viết Quỳnh, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Bất Bạt, huyện Ba Vì chia sẻ: "Ban đầu chúng tôi có chút lo lắng, trò mới, thầy mới. Tuy nhiên, bên cạnh sự lo lắng đó cũng là động lực, là sự thay đổi, không chỉ ở môn Lịch sử mà là ở các bộ môn khác nữa trong chương trình giáo dục".

Cô Nguyễn Hồng Hạnh, giáo viên môn Ngoại ngữ, Trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm cho biết, chương trình thay đổi để phù hợp với yêu cầu hiện tại của học sinh hơn. "Khi học sinh học nâng cao nhiều hơn, các bạn ấy có nhu cầu về ngôn ngữ thì sách cũng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu học tập của các bạn. Vì vậy, trong quá trình soạn và giảng dạy cho học sinh, mình cũng phải tiếp cận nhiều hơn với những xu hướng hiện tại" - cô Nguyễn Hồng Hạnh cho biết.

Cùng với sự háo hức khi được tham gia chương trình mới, nhưng các thầy giáo, cô giáo cũng không khỏi lo lắng, bởi điều kiện cơ sở vật chất quá cũ. Vì thế, dạy học “chay” theo chương trình mới, hay dạy học mô phỏng đối với các môn học cần thí nghiệm, thực hành đang là thực trạng diễn ra nhiều nơi. Thầy Vũ Xuân Quý, giáo viên môn Hóa học, Trường THCS Thuần Mỹ, huyện Ba Vì cho biết, thông thường, tiết thực hành môn Hóa học phải được dạy trong phòng thí nghiệm. Do không có phòng chức năng và thiết bị cho môn học này, nên các thầy cô phải dạy qua thí nghiệm mô phỏng trên máy tính, khiến hiệu quả tiếp thu kiến thức của học sinh cũng giảm đi một nửa.

"Dạy chay như này mình là giáo viên mình cũng cảm thấy khó với học sinh. Hơn nữa việc chuẩn bị về tư liệu thì sưu tầm trên mạng cũng có, nhưng số lượng không nhiều và chất lượng cũng không đảm bảo" - thầy Vũ Xuân Quý cho biết.

Việc triển khai Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã sắp bước sang năm thứ 10. Để đạt mục tiêu của Nghị quyết thì chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ là điều kiện cần, còn đủ để triển khai thì phải kèm theo cả điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Có như vậy niềm hào hứng khi được dạy và học với chương trình giáo dục phổ thông mới của cả thầy và trò mới thực sự đạt hiệu quả.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022