Cha mẹ thường kỳ vọng rất nhiều vào con trai của mình. Nhiều bố mẹ nuôi dạy con trai nghiêm khắc với mong muốn chúng có thể trở nên ngoan ngoãn, tài giỏi, và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại đang quá nghiêm khắc và kỳ vọng con cái quá mức khiến chúng cảm thấy gò bó, ngột ngạt, đặc biệt là áp lực khi phải lớn lên.
Dưới đây là 3 điều "cấm" và 3 điều "nên" khi nuôi dạy con trai, cha mẹ nên tham khảo để có phương pháp giáo dục con cái tốt nhất.
1. Đừng ép con trai luôn phải mạnh mẽ
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, sau này con trai lớn lên sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, vì thế chúng không được trẻ con, không được rụt rè, đặc biệt không được khóc. Bởi những hành động đó chỉ dành cho con gái mít ướt yếu đuối. Vì quan niệm này, phụ huynh thường ép con trai mình phải mạnh mẽ, phải dũng cảm. Nhưng cũng chính điều đó khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày 1 xa cách. Bởi cảm xúc của con không được người thân cảm thông. Con không cảm thấy được sự gần gũi từ cha mẹ mình. Dần dần con tự khép mình, ngại chia sẻ hơn.
Thực tế, bé trai hay bé gái đều có những nỗi buồn, nỗi sợ giống nhau. Khi con khóc không hẳn chúng yếu đuối mà chỉ là con đang "xả" cảm xúc tiêu cực ra mà thôi. Việc giữ những suy nghĩ không tích cực trong lòng còn có thể khiến trẻ bị trầm cảm, stress. Hoặc con cũng trở nên lạnh lùng, không biết quan tâm và chia sẻ, cảm thông cho người khác.
2. Đừng nuông chiều con trai thái quá
Ngược lại với sự nghiêm khắc, nhiều cha mẹ lại thiên vị, nuông chiều con trai một cách thái quá. Đặc biệt những trẻ lớn lên trong gia đình giàu có, con được bố mẹ chu cấp không thiếu thứ gì. Điều này khiến bé trai trở nên phụ thuộc. Con không thể tự lập. Không những thế trẻ còn nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ và yêu cầu mọi người phải đáp ứng mọi nhu cầu của chúng.
Tương lai không ai biết trước điều gì, cha mẹ không thể lúc nào cũng bên con trai. Vì thế phụ huynh cần dạy cho trẻ sự tự lập. Đừng nuông chiều chúng quá mức.
3. Đừng kiểm soát con
Vì hi vọng con trai lớn lên có thể thành đạt, giỏi giang, nhiều cha mẹ kiểm soát con quá mức. Giả dụ như ép trẻ phải học theo thời gian biểu ngặt nghèo cha mẹ đưa ra. Con không có thời gian làm điều mình thích.
Một số cha mẹ khác thì tự quyết định thay con, không hỏi ý kiến con cái về bất kỳ điều gì. Chẳng hạn như trẻ thích học hát, nhưng bố mẹ lại ép con đọc sách kinh tế...
Nếu cha mẹ cứ thích kiểm soát con cái theo ý mình, không quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của con, trẻ dần sẽ không bộc lộ ý kiến của mình, cảm thấy phản kháng cũng vô ích. Hoặc ngược lại, có thể đẩy con đến những hành động tiêu cực như "tự giải thoát cho bản thân". Mặc dù áp lực phù hợp có thể giúp trẻ trưởng thành tốt hơn nhưng nếu tạo áp lực quá lớn sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt. Vì vậy cha mẹ đừng nên kiểm soát con quá mức.
Trong quá trình dạy dỗ con trai, cha mẹ nên làm những điều này:
Khuyến khích con trai cố gắng
Khi con làm bất kỳ việc gì, cha mẹ đừng chỉ nhìn vào kết quả, hãy đánh giá cả quá trình nỗ lực của con. Khi được công nhận 1 cách công tâm, trẻ sẽ cảm nhận được sự công bằng, thấy được bố mẹ đang coi trọng mình và con sẽ cố gắng cho những lần sau.
Hãy cùng trẻ làm việc. Khi có người đồng hành, con sẽ vui vẻ, tự tin và có sự cố gắng nỗ lực hơn.
Dạy con trai về lòng biết ơn
Lòng biết ơn là một trong những yếu tố quyết định nhân cách của trẻ trong tương lai. Khi con trai có lòng biết ơn, chúng sẽ sống có trách nhiệm, có đạo đức và tôn trọng những người xung quanh. Muốn dạy con về lòng biết ơn, trước hết cha mẹ cần làm gương cho trẻ, hãy khuyến khích và cho phép trẻ giúp đỡ mọi người. Ngoài ra phụ huynh hãy dạy con trai biết nói lời cảm ơn đúng lúc. Cảm ơn còn thể hiện bằng hành động. Hãy khuyến khích trẻ có những hành động thể hiện lòng biết ơn như thăm nom ông bà, tặng hoa cho thầy cô giáo nhân Ngày nhà giáo,... Những hành động cụ thể sẽ thể hiện sự chân thành, giúp trẻ thêm quý trọng tình cảm của mọi người xung quanh.
Dành nhiều thời gian cho trẻ hơn
Không chỉ con gái mà con trai cũng rất cần sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Vì thế, phụ huynh nên dành thời gian chơi với con. Nhờ đó cha mẹ sẽ phát hiện được những khả năng hay khuyết điểm của con mình để kịp thời khuyến khích hoặc sửa chữa. Đồng thời giữa phụ huynh và con cái hiểu nhau hơn, từ đó việc giáo dục cũng trở nên dễ dàng hơn.