We live in time (Ngày ta đã yêu) như dòng chảy ký ức về người thân đã mất - Ảnh: A24
"Em muốn chúng ta có 6 tháng tuyệt vời, phi thường và chủ động thay vì 12 tháng vô cùng tồi tệ và bị động" - người vợ Almut (Florence Pugh) nói với người chồng Tobias (Andrew Garfield) trong bộ phim tình cảm We live in time.
Khi đó cô lựa chọn không điều trị căn bệnh ung thư tái phát (bằng cách trải qua quá trình hóa trị cực nhọc, rụng hết tóc và nôn ói) mà sẽ dành những tháng ngày ít ỏi còn lại trên cõi đời để sống thật vui bên chồng con.
Trailer phim We live in time
Dòng ký ức về người thân yêu đã mất
Khi phim ra rạp chiếu phim tại Việt Nam, có những khán giả khóc giàn giụa khi xem, vẫn còn nấc khi phim kết thúc. Nhưng cũng có những khán giả buông lời than: "Phim chán vậy".
We live in time chắc chắn không phải là "phim chán". Lời giải thích nằm ở thị hiếu của từng khán giả. Bộ phim của Hãng A24 đơn giản là không phù hợp với những khán giả có yêu cầu cao ở tính giải trí, kịch tính, hoành tráng, mãn nhãn...
We live in time cũng không hề khó xem. Phim không trải theo dòng thời gian chảy xuôi mà đảo trật tự rất nhiều lần vì ý đồ nghệ thuật. Bởi toàn bộ câu chuyện giống như dòng ký ức lẫn lộn của một người về người thân yêu đã mất, khi chúng ta nhớ về họ. Có lúc vui, lúc buồn và rất nhiều màu sắc khác của cuộc sống.
Trường đoạn cãi nhau giữa hai vợ chồng làm rõ khát khao của Almut về sự nghiệp, không muốn chỉ là "một bà mẹ đã chết" - Ảnh: A24
Mở đầu ta thấy đôi vợ chồng đang sống trong căn nhà giữa thiên nhiên yên bình, nơi người vợ thư thái chạy bộ lúc bình minh và về nhà làm bữa sáng. Sau đó, lại là cảnh mãi về sau này khi người vợ mang thai, cả hai lo cô vỡ ối. Rồi phim đảo ngược lại khi họ cùng nhau đi khám bệnh, lúc này người vợ tái phát ung thư…
Phim cũng bám theo những lát cắt nhỏ của đời sống thường nhật.
Ta sẽ thấy người chồng thức dậy trong căn phòng áp mái nhỏ, đi tắm, vệ sinh cá nhân, thay bộ vest và đi làm; thấy cảnh anh vì chỉ muốn mua một chiếc bút để ký tên mà mặc áo choàng tắm khách sạn chạy ra đường lớn giữa đêm khuya.
Sau cảnh hẹn đầu tiên giữa đôi bạn mới quen trong quán ăn lại là một cảnh quán ăn khác, và họ giờ đây đã là vợ chồng vài năm, đi cùng cô con gái 3 tuổi đáng yêu và cố giải thích cho con về bệnh tình của mẹ.
Hay cảnh làm tình, khi người chồng nâng niu cơ thể của vợ trước khi cô bước vào chuỗi ngày bệnh nặng. Cảnh người vợ để chồng cắt tóc và cạo đầu cho mình được quay kỹ lưỡng từ đầu đến cuối. Giây phút cả hai ngắm nhìn con gái nhỏ ngủ ở ghế sau ô tô.
Những chi tiết như vậy không chứa đựng kịch tính mà là những lát cắt nhỏ, dần dần vun vén nên một cảm giác tổng hòa về bộ phim - đó là sự nhẹ nhàng, quen thuộc mà ta có thể gặp hằng ngày trong cuộc sống. Đây không phải đặc điểm riêng của We live in time mà là điểm chung của những phim cùng chủ đề, cùng dòng phim tâm lý - hài - tình cảm.
Từng sống bên nhau và yêu nhau
We live in time nhẹ nhàng và lãng mạn,ngợi ca tình yêu cuộc sống - Ảnh: A24
Đề tài của phim cũng không hề xa lạ, khi kể về một người phụ nữ mắc bệnh ung thư và những tháng ngày hạnh phúc xen lẫn thương đau nhưng không bi lụy khi cô dần từ biệt chồng con.
Đề tài này có quá nhiều phim đã làm, nhưng We live in time vẫn tìm được cách riêng để chạm đến khán giả nhờ bám sát những trải nghiệm chân thực nhất của nhân vật.
Thay vì điều trị và sống những ngày cuối đời trong tình trạng đau ốm, đôi vợ chồng chọn cách tiếp cận hài hước, bình tĩnh nhưng vẫn ẩn chứa nỗi đau chia ly trong từng phân cảnh.
Và vượt lên trên hết là tình yêu cuộc sống. We live in time ngợi ca từng ngày hạnh phúc chúng ta được sống bên nhau và yêu nhau.
"Anh có lỗi khi cứ tập trung vào những thứ sai lầm, cứ ngóng trông tương lai thay vì ngay trước mặt anh, là em" - lời thú nhận tình cảm của Tobias cũng ẩn chứa thông điệp giản đơn nhưng đầy thấu hiểu đó của phim. Nếu tương lai quá khó đoán, thì thay vì cứ lo lắng và bồn chồn, hãy tập trung vào tận hưởng hạnh phúc của hiện tại.
Suốt bộ phim, nhân vật Tobias của Andrew Garfield luôn phảng phất những cảm xúc hỗn độn trong cùng một phân cảnh, bởi anh đang có những tháng ngày vui vẻ bên vợ con nhưng đồng thời anh cũng có thể mất cô bất cứ lúc nào.
Florence Pugh đóng cảnh sinh nở trong nhà vệ sinh của cửa hàng tiện lợi - Ảnh: A24
Almut là vai diễn đầy chiều sâu của Florence Pugh - nữ diễn viên tài năng đã được công nhận là minh tinh trẻ của Hollywood.
Bên cạnh thông điệp về tình yêu cuộc sống, phim tô đậm khát khao riêng của Almut về việc muốn trở thành một người mẹ khiến con gái tự hào, có thành tựu sự nghiệp riêng (cô là đầu bếp tài năng) và được mọi người nhớ đến nhiều hơn chỉ là "một bà mẹ đã chết".