Showroom Lamborghini và cửa hàng trang sức xa xỉ Tiffany nằm ở hai đầu đại lộ dài bên cạnh biển Caspian của Baku (Azerbaijan) - thành phố diễn ra hội nghị khí hậu COP29.

Các cuộc đàm phán bắt đầu từ ngày 11/11, năm ngày sau khi ông Donald Trump giành vé vào Nhà Trắng, và kết thúc vào ngày 24/11, nhiều hơn 48 giờ so với kế hoạch sau những tranh cãi hỗn loạn về khoản tài chính khí hậu mà nhóm nước giàu cần tài trợ cho nhóm nước nghèo để thích ứng với biến đổi khí hậu.

cop29-1-reuters-1732785081-6554-1732785093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qn1Be18_hEJ62B4cdgRqdA

Trung tâm hội nghị một ngày trước khi COP29 chính thức diễn ra, 10/11/2024. Ảnh: Reuters

Baku - thành phố phủ nhiều dinh thự lớn từ thế kỷ 19 được đầu tư bởi những triệu phú dầu mỏ - là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của nhiên liệu hóa thạch. Đây là thị trấn dầu mỏ đầu tiên trên thế giới với các giếng dầu khai thác từ những năm 1840. Dầu mỏ từng được tôn vinh là "món quà của Chúa" khi chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của Azerbaijan.

Khi các nhà môi trường tranh cãi tài chính

Mối quan tâm tại COP29 ở Baku là tài chính khí hậu - số tiền cần thiết giúp các nước nghèo chuyển sang nền kinh tế carbon thấp và xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Các chuyên gia cho rằng khoản tài chính khí hậu cần thiết phải khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm vào 2035, cao hơn nhiều mức 100 tỷ USD đặt ra từ năm 2009.

Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được giữa gần 200 quốc gia chỉ là 300 tỷ USD, dưới hình thức tài trợ và cho vay lãi suất thấp, đến từ ngân sách của các nước phát triển và các tổ chức tài chính công như Ngân hàng Thế giới (WB).

"Người dân ở nam bán cầu đến cuộc đàm phán với mong mỏi tìm được một chiếc thuyền cứu sinh thoát khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng tất cả những gì họ nhận được chỉ là một tấm ván để bấu víu", Mariana Paoli từ tổ chức từ thiện Christian Aid đánh giá.

c908761c-5ccc-4160-a448-0cc33a-5507-7301-1732785093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=v594Csj24_oWhN5dhkP1Jw

Một nhà hoạt động cầm quả bóng bay hình địa cầu tại COP29 Baku, 21/11/2024. Ảnh: Reuters

Một trong những vấn đề chủ chốt là các quan chức tham gia đàm phán tại các hội nghị khí hậu COP thường đến từ bộ môi trường hoặc ngoại giao chứ không phải bộ tài chính. "Quá nhiều đại biểu không biết tài chính vận hành như thế nào, mà họ lại không đưa những người hiểu về tài chính đến bàn đàm phán", một đại biểu từng tham gia COP phàn nàn.

Thiếu một chương trình thảo luận khiến các quốc gia trông chờ nhiều vào vai trò chủ tịch của nước chủ nhà Azerbaijan. Nhưng ông Mukhtar Babayev - Bộ trưởng Môi trường Azerbaijan, với cương vị Chủ tịch COP29, lại cho rằng mình chỉ giữ vai trò triệu tập. "Họ tổ chức một cuộc họp mà không hề có chương trình nghị sự rõ ràng", một đại biểu cho biết.

Ba ngày ba đêm "tìm X"

Đến 21/11 - ngày áp chót của hội nghị COP29 (dự định kết thúc vào ngày 22), mọi chuyện trở nên khủng hoảng. Buổi sáng, Chủ tịch COP29 ban hành một dự thảo thỏa thuận, với tất cả số liệu quan trọng đáng ra phải có, đều được điền bằng một chữ X.

Những gì diễn ra sau văn bản "nhiều chữ X" thậm chí còn tệ hơn. The Guardian cho rằng các nước giàu "cố tình" đề xuất một khoản tài chính khí hậu thấp để hỗ trợ cho các nước nghèo. Trong bản dự thảo thứ hai, khoản tài chính này được nâng lên 250 tỷ USD.

c787ee0d-9228-4185-b3bc-a824a2-2423-1830-1732785093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U2HdZCmBbLdlA8Ys8z0nRQ

Các đại biểu bên cạnh điểm tổ chức hội nghị, 14/11/2014. Ảnh: Reuters

Chiến thuật mở màn bằng một khoản tiền thấp có thể là thông lệ phổ biến trong các cuộc đàm phán tài chính từ mua nhà đến mặc cả, nhưng tại COP, chiến thuật này đã gây phẫn nộ khi khủng hoảng khí hậu là vấn đề sống còn với các nước nghèo.

Nửa đêm 22/11, phòng đàm phán vẫn căng thẳng. 7 giờ sáng 23/11, EU, Mỹ, Vương quốc Anh, Úc và một số bên họp khẩn để cân nhắc tình hình trong mệt mỏi. Nhóm nước giàu bị giục đưa ra đề xuất cuối cùng, chốt nâng số tiền tài trợ thêm 50 tỷ USD.

Khoản tiền 300 tỷ USD đề xuất từ nhóm trên chỉ là số lẻ so với mức cần thiết của nhóm nước nghèo. Các nhà đàm phán cố gắng tìm tiếng nói chung. Cuộc họp toàn thể được triệu tập rồi lại hủy. Tin đồn về các văn bản thỏa thuận lan truyền khắp trung tâm hội nghị trong khi deadline ban hành cứ lùi dần. Hội nghị lẽ ra kết thúc vào ngày 22/11 lại tiếp tục kéo dài.

Tối 23/11, ông Babayev lên sân khấu trong một phiên họp toàn thể khiến giới quan sát bối rối, bởi rõ ràng là không có thỏa thuận nào được đưa ra. Chủ tịch COP29 gõ búa thông qua một loạt các biện pháp không mấy quan trọng, sau đó rời khỏi sân khấu.

Trong khi hầu hết sự tập trung đều hướng vào thỏa thuận tài chính, một thỏa thuận quan trọng khác của COP29 đã bị bỏ qua là cam kết "chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch". Cam kết này được coi là thỏa thuận lịch sử tại COP28, nay các nhà đàm phán phải đấu tranh với Arab Saudi để giữ lại những điều khoản quan trọng trong dự thảo vốn yếu hơn nhiều so với bản cũ.

11 giờ đêm 23/11 (giờ địa phương), các bộ trưởng nhìn chằm chằm vào tập văn bản với đôi mắt đỏ hoe, những quan chức đứng lướt smartphone ngoài hành lang đã hơi nghiêng ngả, dòng người đợi bên ngoài các quán cà phê thêm dài. Công nhân đã đến và bắt đầu tháo dỡ một phần của trung tâm hội nghị. Các đại biểu phải lựa chọn hoặc về nước mà không đạt thỏa thuận tài chính và quay lại vào COP tiếp theo khi ông Donald Trump ở cương vị Tổng thống Mỹ, hoặc chấp thuận các đề xuất được đưa ra.

25152e40-cd4d-45e5-8d19-e2d599-4041-1656-1732785093.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UO9ncuxrDswEJlK3erAVew

Các nhà hoạt động biểu tình yêu cầu nhóm nước giàu cấp tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển, 16/11/2024. Ảnh: AFP

Nửa đêm, mọi người tập trung tại phòng họp toàn thể. Chủ tịch COP29 Babayev bắt đầu phát biểu rồi sau đó đột ngột kết thúc phiên họp. Các đại biểu chôn chân tại hội trường. Rõ ràng là đã tiến rất sát một thỏa thuận, nhưng vẫn chưa đạt được.

Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ ba và nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, vừa ủng hộ năng lượng tái tạo vừa sử dụng nhiều than đá. Quốc gia này muốn được hưởng lợi từ tài chính khí hậu để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, kỳ vọng các nước phát triển trả nhiều hơn mức đã đề xuất.

Trong khi nhà đàm phán chính của Azerbaijan cho rằng Ấn Độ chỉ yêu cầu một tuyên bố từ khán đài chứ không phản đối, The Guardian cho biết phía Ấn Độ cáo buộc Azerbaijan "dàn dựng" các cuộc đàm phán và chỉ trích kết quả là "sự nhạo báng công lý". Một số người trong cuộc suy đoán Ấn Độ có lẽ không có ý ngăn cản thỏa thuận, song cũng thể hiện sự không hài lòng của họ.

Thỏa thuận tài chính khí hậu 300 tỷ USD được chốt trong sự hỗn loạn. Ngay khi các nước phát triển bắt đầu ăn mừng vì đã đạt được một thỏa thuận tài chính, COP29 có bước ngoặt cuối cùng - thỏa thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch bị bác bỏ, hoãn lại đến năm sau.

5 giờ sáng, COP29 kết thúc. Nước chủ nhà phát thông cáo gọi cột mốc tài chính khí hậu 300 tỷ USD là thành quả 48 giờ đàm phán chuyên sâu của Chủ tịch COP29 để nâng thêm 50 tỷ USD so với dự thảo cũ. Hầu hết các bên đều không hài lòng. Các nước giàu đã vuột mất thỏa thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, còn các nước nghèo có được một thỏa thuận tài chính được mô tả là thất bại.

"Các nước phải trả tiền hoặc nhân loại phải trả giá. Tài chính khí hậu không phải là từ thiện mà là một khoản đầu tư", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói.

Một số thỏa thuận quan trọng sẽ phải đợi đến năm sau với COP30 diễn ra tại Belém, Brazil, khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng.

Bảo Bảo (Theo The Guardian)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022