Tập 12 Người kể chuyện tình là cuộc hạnh ngộ của Thái Châu và cha đẻ Bài thánh ca buồn. Sau khi nghe Châu Ngọc Hiếu trình diễn ca khúc này, Thái Châu gửi lời cảm ơn chương trình đã mang bài hát lên sân khấu và giúp anh có cơ hội gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Vũ. Nam danh ca rời ghế nóng, tiến tới bắt tay đồng nghiệp vì nhiều năm không gặp. Ông xúc động: “Em hân hạnh là người đầu tiên hát ca khúc tuyệt vời này. Em còn nhớ đã thu ca khúc ở phòng cô Sáu Việt Nam. Bài hát như một động cơ nhiều mã lực, giúp em có thêm đôi cánh bay cao, bay thật xa trên bầu trời âm nhạc, được tất cả khán giả yêu thích. Một lần nữa qua Người kể chuyện tình, em xin cảm ơn anh”. Thái Châu rơi nước mắt cảm ơn phần dàn dựng hoạt cảnh tình yêu của Châu Ngọc Hiếu và Duyên Quỳnh, khiến ông nhớ về những kỷ niệm tuyệt vời với người bạn gái những năm trung học.
Đối với người nhạc sĩ, mỗi ca khúc đều có một số phận nhưng gần 50 năm bài hát ra đời, cha đẻ của Bài thánh ca buồn vẫn còn nguyên sự phấn khích. Ông nói: “Tôi không nghĩ ca khúc này lại được nhiều khán giả yêu mến đến vậy. Khi viết ca khúc, đơn giản tôi đang hoài niệm quãng thời trai trẻ của mình, cái thời mà tôi chỉ dám ngắm nhìn người tôi mến, không dám mở lời làm quen”. Nguyễn Vũ sáng tác ca khúc này vào năm 1972 và được hãng đĩa Sơn Ca mua độc quyền. Danh ca Thái Châu là người đầu tiên thể hiện ca khúc với giọng hát khoan thai, lắng đọng. Bài hát được nhiều người yêu mến và bản thân Thái Châu cũng trở nên nổi tiếng hơn.
thaichaugaplainhacsinguyenvu71_oyzd.jpg

Thái Châu rung rưng nước mắt khi hạnh ngộ nhạc sĩ 76 tuổi viết Bài thánh ca buồn

Ảnh: BTC

Trong chương trình, nhạc sĩ Nguyễn Vũ tiết lộ không yêu cầu gì hơn các thí sinh hát đúng lời các ca khúc. Ông chia sẻ hầu như tất cả ca sĩ đều hát sai hoặc vô tình đổi ca từ trong Bài thánh ca buồn. Nam nhạc sĩ cho biết phần ca từ thường bị sai khi ca sĩ trình bày như sau: “Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ cũng như bản in đổi thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”. Ông giải thích thêm: “Áo trắng thay màu có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể ở đây từ chiếc áo nữ sinh thay qua màu áo cưới”.
Ngoài ra, ca khúc còn có đoạn hát khi nghe có vẻ rất hợp lý đó là: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”. Thật ra đây là đoạn ca từ bị ca sĩ hát nhầm nhiều nhất. Nguyên gốc trong bài hát được nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết: “Rồi những đêm thế trần đón Noel”. Ông lý giải: “Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel trở thành một lễ hội chung của mọi người. Đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội”. Đồng thời, nhạc sĩ Nguyễn Vũ chia sẻ thêm: “Tôi rất mong các ca sĩ và mọi người hát đúng nguyên theo tinh thần bài hát và ca từ của tôi”.
Thưởng thức các phần trình diễn trong đêm thi thứ 12, nhạc sĩ 76 tuổi ấn tượng khi ca sĩ trẻ Châu Ngọc Hiếu thể hiện đúng 100% bản nguyên gốc Bài thánh ca buồn. Ông nói: “Thái Châu là ca sĩ đầu tiên hát ca khúc đúng lời. Khi Thái Châu thu đĩa, tôi rất hài lòng bản thu đó. Tại đây, tôi được trực tiếp nghe Châu Ngọc Hiếu hát, tôi khẳng định em là ca sĩ thứ hai hát đúng 100% bản nguyên gốc của tôi”. Ngoài tiết mục của Châu Ngọc Hiếu, tập 12 Người kể chuyện tình còn hé mở những câu chuyện làm nền cho những tác phẩm thuở thiếu thời của Nguyễn Vũ cùng phần tranh tài gay cấn của hai ca sĩ Đỗ Tùng Lâm với Lời cuối cho em và Bảo Đăng với Kỷ niệm xa bay. Chương trình lên sóng ngày 27.8 trên THVL1.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022