Thực ra đây là câu chuyện mà nhạc sĩ Khắc Hưng kể trong một ca khúc có cái tên khá cộc và độc: Cay, ra mắt hôm 14/4/2025 trên kênh YouTube cá nhân của nam nhạc sĩ với 52 nghìn người theo dõi. MV Cay có sự tham gia của ca sĩ, nhạc sĩ Jimmii Nguyễn, tới hôm qua, 19/5, MV thu hút được hơn 10,3 triệu lượt xem, 90 nghìn lượt thích và hơn 8.000 bình luận; đồng thời, đứng ở vị trí thứ 11 trong danh mục âm nhạc thịnh hành.

Trong ca từ của ca khúc có sử dụng từ "đá". Theo chia sẻ của Jimmii Nguyễn thì anh từng đề xuất với tác giả ca khúc Khắc Hưng về việc thay từ "đá". Lý do nên thay vì nghe nó trần trụi và theo anh thì ngay cả các nhạc sĩ bậc tiền bối xưa cũng tránh từ này.

Thực ra, đứng từ quan điểm của Jimmii Nguyễn, người viết nghĩ không chỉ từ "đá", ngay cả từ "cay" cũng vậy.

"Đá" và "cay"

Điều Jimmii Nguyễn lăn tăn không phải không có lý, với những nghệ sĩ hoạt động âm nhạc ở trong nước từ thập niên đầu thế kỷ 21 trở về trước chắc cũng sẽ có chung suy nghĩ như vậy. Một phần nguyên nhân là bởi ở giai đoạn đó, khả năng rất cao là sẽ bị yêu cầu phải đổi lời khi qua khâu thẩm định. Song, nguyên nhân chính vẫn là quan điểm thẩm mỹ mang dấu ấn thế hệ.

Nhưng hoạt động âm nhạc bây giờ khác, nhất là khi ra mắt sản phẩm mới trên môi trường mạng. Trong khi khán giả hiện nay cũng dễ đón nhận những ca từ có sự khác biệt so với bình diện chung hơn. Từ "đá" hay từ "cay", suy cho cùng vẫn là những từ hàm chứa cá tính cho tác phẩm cũng không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Hình ảnh hai nghệ sĩ Khắc Hưng (phải) và Jimmii Nguyễn trong MV "Cay"

Theo chia sẻ, ý của Jimmii Nguyễn nếu đổi thì từ "đá" chuyển thành từ "bỏ", nghe dịu hơn nhưng sau khi nghe lại bản thu nháp thấy vẫn phải giữ nguyên từ "đá" mới đúng tâm trạng nhân vật trong bài hát.

Cay là một nỗi đau trong tình yêu, là lời tự sự của một người đàn ông sau khi bị người yêu "đá". Khắc Hưng chia sẻ "cay" ở đây vừa là nỗi buồn sâu thẳm sau chia tay, vừa là sự hài hước hóa góc nhìn cuộc đời khi mình bị phản bội. Ca từ trong bài Cay không đơn thuần là những lời than vãn mà còn chứa đựng sự châm biếm, khiến người nghe vừa cảm thấy đồng cảm, vừa có thể bật cười trước cách thể hiện độc đáo.

Ca khúc bắt đầu bằng tiếng hát của Khắc Hưng, giống như lời tự sự, giai điệu vừa phải, bình ổn cứ nhẹ nhàng tuôn ra nhưng trong lời ca lại ẩn chứa cả một bầu trời tâm trạng: "Mưa ơi rơi làm chi/ Mưa đừng trêu tôi nữa để tôi một mình"; rồi tự nhận thấy: "Biết yêu là hoang đường/ Mà sao như mù phương hướng"; và rồi "Cứ đâm đầu lao vào/ Rồi đâm ngay vào tường"; để rồi ngộ ra "Ngỡ yêu được đúng người/ Mà người thay anh bằng người mới"; và "Giờ mới hay tình yêu với em như trò chơi".

MV "Cay":

Sau đoạn đầu này, khi bắt vào điệp khúc cùng sự xuất hiện của giọng hát Jimmii Nguyễn, giai điệu vút lên nghe khá bắt tai và cũng rất hợp với cái kiểu hát nhấm nhẳng đặc trưng của nam nghệ sĩ này. Nội dung ca từ thì tiếp tục mở rộng tâm trạng của chàng trai lúc này: "Ngày vui đã tan/ Tình ta cũng tan tành/ Mình anh giữa đêm/ Ngoài đường phố mưa lạnh". Câu hát tiếp theo vẫn mạch tâm trạng đấy nhưng có phần suy tư: "Nhìn khói thuốc bay/ Lòng sao thấy khô cằn", cảm nhận được "Vị thuốc lá cay" nhưng "mà không thấy cay bằng… ngày em đá anh"!

Nhạc sến "chill chill"

"Về âm nhạc, Cay mang màu sắc âm nhạc điện tử có hơi hướng hoài cổ. Ca khúc được ví như mối giao duyên giữa bolero và hip-hop, điều này tạo nên sự đan xen giữa hoài cổ và hiện đại, một màu sắc rất mới nhưng vẫn có xu hướng gần gũi với người nghe" - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.

Người viết tạm gọi tinh thần chung của bài Cay là như thế, sến ở đây là sến xẩm, mùi mẫn, thể hiện tâm trạng của người trẻ có trắc trở trong tình yêu, dẫu thế nó không bi lụy như kiểu nhạc sến thời xưa mà khoác lên mình giai điệu cũng như âm hưởng khá đơn giản, nhẹ nhàng và gợi cảm giác "chill chill" của nhạc thư giãn hơn là nhạc tâm trạng.

Về âm nhạc, Cay mang màu sắc âm nhạc điện tử có hơi hướng hoài cổ. Ca khúc được ví như mối giao duyên giữa bolero và hip-hop, điều này tạo nên sự đan xen giữa hoài cổ và hiện đại, một màu sắc rất mới nhưng vẫn có xu hướng gần gũi với người nghe. Vốn sở trường ballad và R&B nên việc khai thác màu sắc âm nhạc cho Cay như vậy cũng tạo nên sự chú ý từ công chúng về nét mới mẻ trong âm nhạc của Khắc Hưng.

Dấu ấn của âm nhạc thời đại còn có thể thấy thông qua cách thể hiện cũng như cách mix với màu sắc âm thanh đặc trưng của âm nhạc dành cho giới trẻ hiện nay, trong đó giọng hát có sự can thiệp và xử lý của kỹ thuật âm thanh. Sự can thiệp này khiến cho tiếng hát của ca sĩ đôi khi không rõ chữ, nhất là một vài từ ở cuối mỗi tiết nhạc ở đoạn nhạc đầu tiên do Khắc Hưng hát. Nhưng đây không phải hạn chế mà dường như là một chủ ý để tạo nên không gian âm nhạc phù hợp với ý tưởng của ca khúc, tạo nên cảm giác có chút gì đó hơi bất cần của một chàng trai trẻ.

Giọng hát của Khắc Hưng và Jimmii Nguyễn trong Cay đều tâm trạng và phù hợp với nội dung ca từ. Thậm chí, sự kết hợp của chính 2 nam nhạc sĩ, ca sĩ nổi danh của làng nhạc Việt với 2 phong cách âm nhạc khác nhau, 2 thế hệ khác nhau tưởng chừng khó hòa hợp lại có sự hài hòa đến bất ngờ. Dường như, Khắc Hưng sáng tác ca khúc này là dành cho Jimmii Nguyễn. Ngay cả cách hòa âm ca khúc này cũng hướng người nghe tới suy nghĩ là để dành cho chính phong cách thể hiện mang đặc trưng riêng của Jimmii Nguyễn.

Phần MV do đạo diễn Nhu Đặng đảm nhiệm. Nhu Đặng chính là đạo diễn MV Bắc Bling khuấy động âm nhạc đại chúng Việt Nam vừa qua, cũng đạo diễn này còn tạo ra những "siêu phẩm" đầy cá tính như: MV Để Mị nói cho mà nghe của Hoàng Thùy Linh và MV Thật bất ngờ của Trúc Nhân… Với Cay, Nhu Đặng khai thác tone đen trắng, pha trộn chất liệu hoài cổ điện ảnh và bụi bặm đường phố, tạo nên một MV mang màu sắc hoài niệm và trào phúng.

cay-17476957688941887204050.jpg

Jimmii Nguyễn trong MV "Cay"

Trái ngược và đồng điệu

Cơ duyên kết nối giữa Khắc Hưng và Jimmii Nguyễn đến từ một buổi gặp gỡ tại concert My Soul 1981 của ca sĩ Mỹ Tâm. Khi nghe demo Cay qua Khắc Hưng, Jimmii Nguyễn không chỉ đồng ý mà còn thấy mình trong bài hát. Sự kết hợp giữa 1 trong những gương mặt trẻ nổi bật của làng nhạc đại chúng hiện hiện nay thuộc thế hệ 9x với 1 trong những gương mặt nổi danh của thập niên 1990 tưởng trái ngược nhưng lại tạo nên sự đồng điệu đến thú vị thể hiện trong Cay.

Hơn nữa, việc kết hợp giữa Khắc Hưng với nghệ sĩ gạo cội Jimmii Nguyễn không chỉ là một bước đi độc đáo mà còn thể hiện sự trân trọng của giới trẻ đối với thế hệ trước, cũng như những giá trị âm nhạc đã góp phần tạo nên nếp nghe trong quá khứ và vẫn còn duy trì tới thời điểm này.

Sự kết hợp này nhận được sự phản hồi tích cực từ phía công chúng. Ngay sau khi ra mắt, Cay đã nhanh chóng đạt vị trí 13 (hiện tại là 11) của danh mục âm nhạc thịnh hành, đồng thời nhận được nhiều bình luận khen ngợi ấn tượng. Ngay trong giới âm nhạc giải trí, nhiều nghệ sĩ cũng đã dành lời khen cho Cay.

Nhìn vào mặt bằng chung, trong bối cảnh âm nhạc đại chúng hiện nay, khi các ca khúc thường chạy theo xu hướng và thị hiếu thì sự xuất hiện của Cay với chất riêng hơi hướng hoài cổ, cứ đủng đỉnh giãi bày một nỗi đau tình, đã cho thấy một tinh thần sáng tạo riêng biệt. Việc kết hợp bolero và hip-hop trong tinh thần mới có thể còn gợi mở hướng đi cho các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, ở đó các thể loại âm nhạc truyền thống và hiện đại có thể giao thoa và bổ sung cho nhau.

Tóm lại, Cay là một ca khúc khá thú vị, cho thấy sự sáng tạo và tinh thần dám thử nghiệm của tác giả Khắc Hưng, đồng thời đánh dấu sự trở lại có nét mới nhưng vẫn không mất đi phong cách đặc trưng của Jimmii Nguyễn.

MV "Cay" - Khắc Hưng, Jimmii Nguyễn

Composer: Khắc Hưng

Music Producer: Khắc Hưng

Mix & Master: Khắc Hưng

Singer: Khắc Hưng, Jimmii Nguyễn

Creative & Script Writer: Nhu Đặng - Ngô Đài Trang

Director: Nhu Đặng

Producer: Hoài Nam

Record label:

Universal Music Vietnam

Điểm 8

XEM THÊM TIN TỨC GIẢI TRÍ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022