Tiết học văn đặc biệt ở tập 4 trong phim The midnight romance in Hagwon gợi nhiều suy ngẫm - Ảnh chụp màn hình
The midnight romance in Hagwon (Đêm lãng mạn ở Hagwon) nối sóng ngay sau phim Queen of tears (Nữ hoàng nước mắt), do FPT Play mua bản quyền và phát song song với Hàn Quốc vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, hiện đang phát 6/16 tập.
Phim có sự tham gia của Jung Ryeo Won và Wi Ha Joon, do đạo diễn Ahn Pan Seok - phim Chị đẹp mua cơm ngon cho tôi, cầm trịch.
Tiết ngữ văn "ngạt thở"
Phim lấy bối cảnh ở phường Daechi, xoay quanh cuộc đua "giành giật" học sinh của những lò dạy thêm tư nhân.
Trong đó nổi lên hai trung tâm "một chín, một mười" là Daechi Chase và Chanyoung với cuộc so kè của hai giáo viên ngôi sao là Seo Hye Jin (Jung Ryeo Won đóng) và đối thủ "ma nữ tóc trắng" Choi Hyeing Seon (Seo Jeong Yeon). Địa vị, danh dự lẫn lòng tự trọng của họ tỉ lệ với số học trò họ dẫn dắt.
Để lôi kéo học sinh, Daechi Chase và Chanyoung đưa ra những cách thức chiêu dụ khác nhau.
Trong lúc Daechi Chase "mừng ra mặt" với kế hoạch "Thầy trò xuất kích", tổ chức lớp học thử miễn phí, Chanyoung "đáp trả" bằng một hội thảo tư vấn cho phụ huynh, thay đổi lịch học khiến các em không thể đến lớp học của trung tâm đối thủ.
Một lớp học bên này sẵn sàng mọi thứ, song học sinh lại ùn ùn kéo đến lớp học phía bên kia.
Một bên đắc thắng, một bên thất vọng tràn trề. Phim căng thẳng, hồi hộp, có phần nghẹt thở.
Và rồi trong không khí đó, Lee Si Woo - một học sinh gương mẫu, học tập tốt, từng nhận được học bổng của trung tâm Chanyoung - xuất hiện và "thụ hưởng" một tiết ngữ văn đặc biệt nhất trong đời cậu.
Sự xuất hiện bất ngờ của Si Woo vào phút chót tại trung tâm Daechi như "giải nén" không khí nín thở trước đó.
Đồng thời cũng gợi lại bao cảm xúc dấu yêu ngày cũ của Seo Hye Jin - một cô giáo dạy văn đầy ắp cảm xúc và sáng tạo nhưng dần bị mài mòn một cách thực dụng theo quy cách chấm điểm thi của giáo dục Hàn Quốc.
Cũng như "ma nữ" Choi Hyeing Seon, mục đích của Seo Hye Jin dạy văn nhằm "giúp càng nhiều học sinh vào đại học càng tốt".
Trước đó, cô nói với thầy Lee Jun Ho (Wi Ha Joon) rằng những thứ không liên quan đến luyện/giải đề đều bị cho là "vô bổ", "vô ích". Nhưng tiết học đặc biệt đó, Hye Jin trở về với một cô giáo Hye Jin "có phần cảm tính" ngày xưa.
Thay vì giảng cứng nhắc về tác giả Park Wan Seo, cô nói với cậu học trò duy nhất trong lớp "bỏ bút xuống và đừng ghi chép gì cả".
Cô bắt đầu nói về những câu chuyện ngoài văn bản, không chỉ tác phẩm Máy ảnh và đôi ủng trong sách giáo khoa và đề thi, mà nhắc cả Cây, Dạo chơi mùa đông, Vì những chú chim đã chết, Cánh bướm ảo giác… - những tác phẩm mà học trò của cô sẽ gặp sau này.
The Midnight Romance in Hagwon | Official Trailer
Văn học là chiếc cầu đến với nhân bản, là mình
Trong phần "tra khảo" của giám đốc Choi Hyeing Seon về tiết học miễn phí, Lee Si Woo thú nhận "đó là một buổi học thú vị".
Cậu nói hai thầy cô của Daechi Chase đã cho cậu cái cảm giác học văn "cứ từ từ như thể làm quen với một người bạn mới" và "thế giới ngoài văn bản rộng lớn hơn nhiều".
Lee Si Woo dẫu không thích văn nhưng vẫn có điểm số khá cao nhờ nắm vững ngữ pháp và học thuộc lòng.
Có điều Si Woo vẫn luôn lo lắng vì có những bạn học giỏi văn do thật sự yêu thích môn học này.
Hơn nữa trang đầu tiên của sách giáo khoa có ghi rằng "mục đích của học văn là để sống như một con người". Lee Si Woo tự vấn luẩn quẩn bởi điều đó.
Cậu nói với "ma nữ tóc trắng" rằng cậu không thích văn vì nó giống một môn học mơ hồ.
"Nhưng sau buổi học hôm qua, em đã hiểu tại sao em ghét môn học này. Giống cảm giác khi em bước vào năm học mới, phải dò xét xem sẽ ăn trưa với ai", Si Woo nói.
Cũng giống như cuộc gặp đầu tiên với một tác phẩm hay một nhân vật trong đó, cậu phải nhanh chóng đoán được suy nghĩ và quan điểm của họ. Điều đó thật khó khăn làm sao.
Ngoài "cuộc chiến" lò học thêm tư nhân, phim cũng tái hiện chuyện tình của Lee Jun Ho và Seo Hye Jin
Vì vậy khi gặp một bài văn mới, Lee Si Woo thường bối rối và phải dựa vào cảm tính. Chính tiết học đặc biệt đó cho cậu hiểu, nếu tiếp cận từ từ, môn văn thú vị hơn nhiều. Cậu đã bắt đầu nghĩ đến việc thử viết một bài phê bình văn học.
Tiết văn trong phim gợi nhắc về mục đích của việc học môn văn mà ta đã từng thấm tháp từ những ngày còn nhỏ nhưng lớn lên lại ráo lạnh, dửng dưng với nó. Văn học là chiếc cầu để ta đến với những gì nhân bản nhất, là mình nhất.
Đó là lý do vì sao phim - có thể gây phản ứng khi hạ thấp, bóp méo hệ thống giáo dục công lập của Hàn Quốc, có cả những hạt sạn không đáng có trong cốt truyện… - nhưng chỉ với một tiết văn đáng nhớ đó, sẽ có những người thứ tha hết thảy.
Đó thực sự là một tiết học dành cho bất cứ ai ngồi trên ghế nhà trường ở thời đại này.