
Cúp tuần trở thành nỗi ám ảnh của các thần tượng vì phải hát encore - Ảnh: HYBE
Chiến thắng hạng nhất trên show âm nhạc cuối tuần từng là giấc mơ của mọi thần tượng K-pop. Đó là biểu tượng cho thành công, sự yêu mến của người hâm mộ và sự công nhận từ ngành giải trí.
Tuy nhiên, thời gian gần đây những chiếc cúp hằng tuần trở thành áp lực nặng nề đè lên các idol. Thay vì là để ăn mừng với người hâm mộ, sân khấu encore sau chiến thắng lại bị biến thành một "phòng thi" công khai để đánh giá năng lực hát live của họ.
Hàng loạt idol K-pop bị chỉ trích vì sân khấu encore
"Chiến thắng hằng tuần luôn là ước mơ của tôi nhưng sự thật thì việc đạt hạng nhất trên show âm nhạc cũng là điều khiến tôi sợ hãi" - một idol K-pop nói với kênh YNT.
Theo YNT, nếu như trước đây sân khấu encore của show âm nhạc chủ yếu mang tính chất phục vụ người hâm mộ khi các nghệ sĩ hóa trang, đổi phần hát cho nhau để tạo nên các khoảnh khắc vui vẻ thì giờ đây mọi thứ dần thay đổi.

Le Sserafim bị "ném đá" vì hát thều thào ở màn encore Easy - Ảnh: Naver
Với sự phát triển của TikTok, YouTube, các video encore nhanh chóng lan truyền ngay sau khi kết thúc chương trình. Những video bỏ nhạc nền (MR removed), clip cắt lỗi vỡ giọng tràn ngập khắp nơi, chỉ một khoảnh khắc lệch tông cũng có thể kết luận là nghệ sĩ mất năng lực.
Le Sserafim là trường hợp điển hình của hiện tượng này. Vào tháng 3-2024, nhóm nhạc nữ nhà HYBE có màn trở lại bùng nổ với ca khúc Easy.
Thành công của Easy giúp Le Sserafim nhận 5 cúp âm nhạc trong một tuần, trở thành nhóm nhạc K-pop đầu tiên "all-kill" cúp tuần trong năm 2024.
Song, phần encore của nhóm nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích của công chúng. Xuyên suốt màn trình diễn, cả 5 thành viên liên tục hụt hơi, hát nhỏ, bỏ nhiều đoạn lên cao. Trong đó, thành viên Sakura bị đánh giá là tệ nhất khi lộ ra giọng hát run rẩy, lệch tông.

ILLIT cũng không tránh khỏi làn sóng chỉ trích dù gây bão với Magnetic - Ảnh: HYBE
ILLIT cũng không tránh khỏi làn sóng chỉ trích vì hát live kém. Sân khấu encore cho Magnetic tại The Show trở thành "trò cười" cho cộng đồng fan K-pop vì giọng hát không ổn định và sự thiếu tự tin của các thành viên. Sau màn trình diễn này, nhiều người nhận xét ILLIT là thần tượng không biết hát.
Trước Le Sserafim, ILLIT, Momo (Twice) cũng từng có chuỗi encore thảm họa từ More & More đến I Can't Stop Me. Đáng nói, vào thời điểm I Can't Stop Me phát hành, Momo đã ra mắt được 5 năm. Điều này khiến khán giả mỉa mai rằng nữ thần tượng hát thậm chí không bằng tân binh.

Momo bị mỉa mai không bằng tân binh vì hát encore thảm họa - Ảnh: JYP Entertainment
Đánh giá khả năng thần tượng qua encore là phiến diện?
Về hiện tượng này, nhà phê bình văn hóa đại chúng Park Song Ah chỉ ra rằng sự thay đổi trong văn hóa fandom và cách tiêu thụ nội dung truyền thông chính là nguyên nhân.
"Fan ghi lại và tiêu thụ mọi khoảnh khắc của idol. Trước đây, sân khấu encore thiên về tính chất phục vụ fan, còn hiện nay nó đã được mở rộng thành một loại nội dung mới, đòi hỏi sự hoàn hảo đến từng chi tiết" - bà cho biết.
Sự thay đổi trong kỳ vọng của fan về sân khấu encore không chỉ dừng lại ở tranh cãi về thực lực. Đặc biệt đối với những idol mới ra mắt, sân khấu encore có thể là yếu tố quyết định việc họ có thể tiếp tục hoạt động trong ngành hay không.

Đối với những idol mới ra mắt, sân khấu encore có thể là yếu tố quyết định việc họ có thể tiếp tục hoạt động trong ngành - Ảnh: Dispatch
Theo bà Park Song Ah, thị trường K-pop khắc nghiệt đến mức chỉ cần vài sân khấu là có thể định đoạt được việc sống của nhóm nhạc vì một lỗi nhỏ cũng có thể trở thành rủi ro lớn cho cả thương hiệu.
Đối với phía công ty quản lý, đây cũng là điều không mấy tích cực. Một nhân viên thuộc công ty giải trí cho biết vấn đề liệu idol có hát ổn không trở thành nỗi lo thường trực.
"Khi kỳ vọng dành cho idol giỏi chuyên môn ngày càng tăng, yêu cầu về khả năng hát cũng cao hơn. Tuy nhiên, trong K-pop - nơi biểu diễn và concept là trọng tâm - thì việc đánh giá toàn bộ nghệ sĩ chỉ dựa trên một sân khấu encore là quá phiến diện" - người này nói thêm.

TXT từng phải lên tiếng xin lỗi vì hát live kém - Ảnh: HYBE
Nhà phê bình văn hóa đại chúng Park Song Ah cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của K-pop hiện nay, các thần tượng mới nếu không thể ra mắt với hình ảnh hoàn chỉnh ngay từ đầu thì rất khó để tồn tại lâu dài.
Các nhà đầu tư hiện nay có xu hướng ưu ái những nhóm nhạc ít rủi ro, có khả năng hoàn vốn nhanh và hoạt động ổn định. Chính vì vậy, mức độ hoàn thiện trên sân khấu - từ kỹ năng biểu diễn, hát live đến thần thái đang dần trở thành một loại "tài sản" quan trọng quyết định tương lai của nghệ sĩ.
Dù vậy, không ít người trong ngành giải trí cho rằng việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào sân khấu encore là điều không nên.
"Khi một album mà nghệ sĩ đã dành cả năm trời để chuẩn bị được công nhận và giành hạng nhất, lẽ ra họ phải được tận hưởng khoảnh khắc ấy cùng người hâm mộ. Đó mới là phần thưởng xứng đáng sau khi nhận cúp tuần" - một người trong ngành cho biết.