Với năm 2022, điện ảnh Việt chịu cú sốc lớn khi phần lớn các dự án mới ra mắt đều chịu thất bại nặng nề về doanh thu. Nhiều bộ phim khiến công chúng lẫn giới chuyên môn ngỡ ngàng vì không bán được vé và phải chấp nhận cảnh thua lỗ nặng.
Ngoài việc thị trường phần nào bị bó hẹp do tác động của dịch COVID-19, còn một lý do nữa khiến không ít phim Việt lâm vào cảnh thua lỗ là nội dung kém hấp dẫn, lỗi thời hoặc chất lượng chỉ ở mức webdrama nhưng lại mang ra rạp bán vé thu tiền.
Huyền sử vua Đinh
Bộ phim lịch sử Huyền sử vua Đinh đã rút khỏi rạp sau khoảng 10 ngày ra mắt. Lúc dừng chiếu, Huyền sử vua Đinh chỉ có doanh thu 43 triệu đồng (theo thống kê của Box Office Vietnam), đây là con số gây choáng cho công chúng lẫn giới truyền thông vì từ trước đến nay, chưa có dự án điện ảnh nào rơi vào tình trạng thua lỗ nặng như thế này.
"Huyền sử vua Đinh" rút khỏi rạp chỉ sau 10 ngày ra mắt. Ảnh: ĐPCC
Huyền sử vua Đinh có nội dung xoay quanh hành trình Đinh Bộ Lĩnh dập tắt mâu thuẫn gia tộc cho đến lúc dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành vua Đinh Tiên Hoàng. Phim do Anthony Võ làm đạo diễn, diễn viên Anh Tài đóng vai chính.
Dù có nhiều cố gắng song Huyền sử vua Đinh vẫn bị chê vì kịch bản nhiều sạn, hình ảnh thiếu chỉn chu. Cách đạo diễn dẫn dắt câu chuyện thiếu hấp dẫn, tính cách nhân vật không được xây dựng rõ ràng, vậy nên khi xem phim khán giả khó cảm được ý nghĩa phim muốn lồng ghép vào.
Nói về việc Huyền sử vua Đinh bị chê vì chất lượng thấp, diễn viên chính Anh Tài cũng cho biết ban đầu bộ phim vốn là webdrama, dự kiến chiếu miễn phí trên mạng. Tuy nhiên, sau đó ekip sản xuất đã quyết định nâng bản webdrama lên thành phim chiếu rạp. Phần nữa, vì phải cạnh tranh với nhiều bộ phim mạnh nên Huyền sử vua Đinh mới phải chịu cảnh có doanh thu "thảm họa".
Virus cuồng loạn
Theo thống kê của hệ thống phòng vé độc lập Box Office Vietnam, doanh thu mà Virus cuồng loạn thu về chỉ vỏn vẹn 157 triệu đồng. Phim khai thác đề tài về zombie, do Nguyễn Trần Nhất Duy làm đạo diễn. Virus cuồng loạn lấy bối cảnh tại địa điểm núi đồi xa xôi, kể câu chuyện về một ekip làm phim đang thực hiện dự án liên quan đến xác sống tại một khu nghỉ dưỡng.
"Virus cuồng loạn" khai thác câu chuyện về xác sống. Ảnh: ĐPCC
Bất ngờ, họ lại gặp phải zombie thật. Chúng bắt đầu tấn công khiến đại dịch lan rộng, buộc những người sống sót phải tìm cách tập hợp, tìm đường tới sân bay để nhận trợ giúp. Giống như nhiều phim thất bại doanh thu khác, Virus cuồng loạn cũng vấp phải lỗi là có kịch bản sơ sài, thiếu logic. Cách đạo diễn lý giải cho nguồn cơn xác sống xuất hiện trong phim là do vệ sinh an toàn thực phẩm, vì ăn thức ăn độc hại nên mọi người mới bị ngộ độc.
Chưa hết, phần cắt dựng, biên tập cho phim cũng được xử lý khá sơ sài, cẩu thả. Cảnh phim này chưa kịp hiểu hết nội dung, khán giả đã phải xem cảnh kế tiếp. Ở phần kết phim, dòng thông điệp về an toàn vệ sinh thực phẩm bất ngờ xuất hiện, cứ thế khép lại câu chuyện trong sự chưng hửng của người xem.
Cù lao xác sống
Giống với Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống cũng khai thác đề tài zombie. Theo thống kê của Box Office Vietnam, phim thu về gần 13 tỷ đồng. Dẫu vậy, nội dung của Cù lao xác sống không được đánh giá cao, phim bị chỉ trích nhiều vì gán ghép tình tiết vô lý, mang LGBT ra pha trò nhạt nhẽo để câu khán giả tới rạp.
"Cù lao xác sống" bị chê bai vì nội dung kém hấp dẫn, có nhiều tình tiết vô lý. Ảnh: ĐPCC
Cù lao xác sống ra mắt vào đúng dịp lễ 2/9. Thời điểm này, Cù lao xác sống có nhiều lợi thế vì là phim Việt duy nhất phát hành ngay ngày Quốc Khánh. Phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên quen mặt như Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, La Thành, Trần Phong, Lê Lộc. Do được quảng bá là phim Việt đầu tiên khai thác đề tài zombie nên từ trước khi chính thức khởi chiếu, Cù lao xác sống đã nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả.
Đáng tiếc, đạo diễn Nguyễn Thành Nam đã thất bại hoàn toàn trong việc mang đến cho khán giả trải nghiệm về 1 phim kinh dị "đáng đồng tiền bát gạo". Đang rượt đuổi với zombie vô cùng căng thẳng, các nhân vật bỗng dừng lại để hát vọng cổ. Hay như tình tiết dù các nhân vật còn lại có vật vã tìm đường thoát khỏi zombie đến đâu thì ở bộ phim vẫn có 1 nhóm xã hội đen ung dung hoạt động, dường như miễn nhiễm với mọi thứ.
Kẻ thứ ba
Kẻ thứ ba do Lý Nhã Kỳ đầu tư sản xuất và đóng chính chỉ thu về 1 tỷ đồng dù vốn bỏ ra lên đến 33 tỷ đồng. Kịch bản của Kẻ thứ ba không hẳn là quá dở, chỉ có điều phim mắc sạn quá lớn ở khâu diễn xuất, đất diễn tập trung cho Lý Nhã Kỳ nhưng nữ diễn viên lại diễn không tới.
"Kẻ thứ ba" do Lý Nhã Kỳ đóng chính. Ảnh: ĐPCC
Chính Lý Nhã Kỳ cũng tự nhận xét bản thân chỉ có 3 điểm diễn xuất, phần thoại hơi cứng, thiếu cảm xúc là khuyết điểm lớn khiến Lý Nhã Kỳ bị khán giả chê bai. Ngoài ra, thêm một lý do nữa khiến bộ phim nhận về doanh thu thảm hại là suất chiếu không tốt do phải cạnh tranh với bom tấn nước ngoài.
Trước tình trạng phim chiếu nhưng không bán được nhiều vé, Lý Nhã Kỳ viết tâm thư gửi đến các rạp chiếu phim rằng: "Tâm thư trong tâm tư. Đang bệnh ngồi dậy không nổi, tối nay Kỳ định lết đi cinetour cùng ekip và gặp gỡ khán giả. Nhưng khi nhìn các suất chiếu trên các rạp muốn tụt đường huyết luôn. Không lẽ 8h sáng khán giả dậy đi coi phim, 11h đêm khán giả ngủ trong rạp chờ xem phim".
"Cuộc đời Kỳ chưa bao giờ khổ hơn khúc này. Các hệ thống rạp ơi, Kỳ chỉ muốn phim được tiếp cận với khán giả nhiều hơn, vì dù sao sau buổi ra mắt phim "Kẻ thứ 3" hôm qua, bộ phim vẫn được đánh giá tốt và hay mà. Mong các rạp sắp xếp nhiều suất chiếu mà có thời gian phù hợp để khán giả Việt yêu phim Việt có thể xem".
Ngoài những bộ phim trên, trong năm qua điện ảnh Việt cũng chứng kiến nhiều màn ra mắt không thành công của các dự án như Người tình, Duyên ma, Qua bển làm chi, Mến gái miền Tây. Dù đầu tư sản xuất lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng số tiền bán vé mà những dự án này thu về là không cao. Hy vọng với năm 2023 này, điện ảnh Việt sẽ thoát khỏi tình trạng ảm đạm để bứt phá với doanh thu khá khẩm hơn.