Trang phục cho các diễn viên trong phim "Lụa" khá chỉn chu - Ảnh: ĐPCC
Lụa (đạo diễn Trần Đức Long, đang phát sóng trên HTV7) là một trong những bộ phim đầu tư nhiều về hình ảnh.
Trong đó, trang phục cho các diễn viên rất chỉn chu. Các nhân vật nam thường xuyên mặc vest lịch lãm, đặc biệt phần lớn trang phục của nữ chính Khánh Thư (Oanh Kiều đóng) có chất liệu lụa, thêu tay tỉ mỉ.
Thậm chí, ở những tập đầu, trong vai một nhân viên lao công, Thư mặc đồ cũng rất đẹp, thời trang. Chính sự chỉn chu này khiến khán giả ngờ vực: "Nhân vật đẹp quá đôi khi lại không thấy thật so với cuộc sống".
Có những điều tưởng vô lý sẽ trở thành hợp lý
Nhà thiết kế Hữu Là La, người tài trợ trang phục cho nhân vật nữ chính phim Lụa, cho rằng: "Lụa là phim thời trang, vì vậy yếu tố thời trang phải đặt lên hàng đầu".
Chị lý giải: "Trong phim Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc, cô nữ chính trong phim dù cuộc sống không phải giàu có gì nhưng mặc đồ rất đẹp.
Hay trong phim Hạ cánh nơi anh, nhân vật nữ khi mắc kẹt ở Triều Tiên mua quần áo ở khu chợ trời nhưng các trang phục của cô ấy toàn hàng hiệu.
Hai phim này đều rất thu hút khán giả. Vì vậy, tôi nghĩ trang phục trong phim làm tốt sẽ tôn diễn viên lên nhiều... Có những điều tưởng vô lý sẽ trở thành hợp lý với phim thời trang".
"Ngọn nến hoàng cung" có nhà thiết kế Trịnh Thế Bảo thiết kết trang phục riêng phim. Có khoảng 2000 bộ trang phục được sử dụng - Ảnh: TFS
Nhà sản xuất Hãng phim TFS cho biết Lụa đã được chú trọng về thời trang cho các nhân vật ngay từ khâu chuẩn bị.
Trang phục phải là vải lụa thuần Việt và được thêu tay cho nhân vật chính. Vai Khánh Thư này có đến 50-60 bộ đồ được chuẩn bị.
Có ba nhà thiết kế lo thời trang cho phim, 20 stylist tham gia đóng vai quần chúng.
Còn xem phim Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, phát sóng trên VTV3), người xem xúc động với câu chuyện phim nhưng cho rằng nhân vật sống trong nghèo khó mà quần áo láng mượt, mới toanh... trông không thực tế lắm.
Nguyên nhân có lẽ do một phần các diễn viên hóa trang quá khắc khổ, đen đúa nên khi khoác lên trang phục đẹp lại bị đối chọi nhau.
Ở những tập đầu, trang phục nữ diễn viên chính trong phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" được nhận xét là quá mới - Ảnh: ĐPCC
Cả Lụa và Cuộc đời vẫn đẹp sao là phim truyền hình khai thác cuộc sống đương đại nên vấn đề trang phục không phải quá khó khăn. Với phim có yếu tố xưa hoặc lịch sử, vấn đề phục trang cho phim dễ xảy ra sai sót.
Phim lấy bối cảnh xưa mà chất liệu vải quá mới, thiết kế trang phục hiện đại cũng gây "xốn mắt", thậm chí gây bức xúc khi quần áo nhìn hao hao như phục trang trong phim nước bạn...
Trong phim Hương vị tình thân nữ nhân vật chính Nam bị chê mặc đồ xấu - Ảnh: ĐPCC
Đẹp nhưng phải gần với cuộc sống
Có thể thấy trang phục trong phim giữ một vai trò quan trọng để tạo nên phong thái, địa vị của từng nhân vật. Từ đó, người xem hiểu hơn về tính cách, cuộc sống của họ.
Một số đạo diễn cho biết chuyện phục trang là vấn đề tế nhị của phim truyền hình Việt.
Với những phim có ngân sách nhà nước sản xuất, đoàn phim có hẳn nhóm lo về thiết kế trang phục; còn đối với "phim thị trường" như hiện nay, diễn viên chính phải lo luôn phần trang phục.
Vì vậy, diễn viên nào đủ điều kiện thì sắm quần áo mới; những diễn viên khó khăn hơn thì họ thuê hoặc dùng lại quần áo đã từng mặc trong các phim trước đó.
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền đưa ra quan điểm: "Tôi có làm việc với một số nhà sản xuất phim nước ngoài, họ cho rằng làm phim truyện khác với làm phim tài liệu, trang phục vẫn có thể làm cách điệu lên một chút nhưng đừng quá sai. Điều quan trọng là đoàn phim phải trao đổi kỹ với diễn viên và quán xuyến để tạo đồng bộ, hài hòa trang phục cho tất cả nhân vật trong một bộ phim".
Trang phục xưa trong phim "Vòng xoáy tình thù" - Ảnh: ĐPCC
Từng thiết kế trang phục cho phim truyền hình U6 & U7 và Acapella, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận định:
"Thiết kế phục trang cho phim có nhiều điểm lưu ý: dựa vào bối cảnh, thời gian câu chuyện diễn ra để từ đó chọn kiểu dáng; tính cách của nhân vật sẽ được thể hiện qua cách ăn mặc - kiểu dáng, chất liệu, màu sắc khác nhau của phục trang; nghề nghiệp của nhân vật cũng là yếu tố quyết định cho việc chọn lựa trang phục sao cho phù hợp".
Ông cũng cho rằng phục trang cho phim ảnh đòi hỏi tính chân thật, đặc biệt là những phim về lịch sử và nhân vật có thật.