1-17473705277411130237429.jpg

Anh trai say hi là một trong những sản phẩm giải trí nội địa đáng chú ý trong vài năm trở lại đây - Ảnh: NSX

Động thái cho thấy Nhà nước đang quan tâm và công nhận sự đóng góp của khu vực này vào sự phát triển chung của đất nước. Đây là lần đầu tiên có một đề án ở tầm vĩ mô liên quan đến "công nghiệp giải trí".

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào đầu tháng 5 Thủ tướng nêu: "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng đề án phát triển công nghiệp giải trí. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035".

Đề án lần này không đơn thuần là phản ứng trước nhu cầu thực tiễn, mà còn thể hiện tư duy chủ động, tầm nhìn dài hạn của Chính phủ trong việc đặt giải trí vào đúng vị trí chiến lược - như một ngành công nghiệp mũi nhọn của thời đại kinh tế tri thức, gắn với bản sắc văn hóa và sức mạnh mềm quốc gia.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn

Chưa có công nghiệp giải trí hoàn chỉnh

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội - chia sẻ với Tuổi Trẻ, Việt Nam "hiện đã có các yếu tố cấu thành nhưng chưa hình thành một ngành công nghiệp giải trí hoàn chỉnh".

Ông ví dụ một số sản phẩm giải trí nội địa thu hút hàng triệu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước cho thấy tiềm năng rất lớn của ngành giải trí Việt Nam: phim Nhà bà Nữ, Mai, Lật mặt 7, game Flappy Bird hay các chương trình như Rap Việt, Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Chị đẹp đạp gió...

"Song các sản phẩm này phần lớn phát triển một cách tự phát, chưa được hỗ trợ đầy đủ về chính sách, nguồn lực, đào tạo nhân lực hay kết nối chuỗi giá trị để hình thành nên một ngành công nghiệp đúng nghĩa", ông nói.

Có 25 năm làm truyền hình, đạo diễn Vũ Thành Vinh - CEO Công ty truyền thông Khang - nhận định công nghiệp giải trí Việt Nam đã manh nha từ lâu nhưng ở mức độ nào cần xác định rõ và quy hoạch theo lộ trình phát triển.

Ông chia sẻ :"Lâu nay khái niệm "giải trí" bị giới hạn là mang lại niềm vui, hạnh phúc, tái tạo sức lao động... Gần đây trong nhiều cuộc họp mà tôi dự, người ta luôn đề cập đến các con số mục tiêu mình thu lại qua các chương trình giải trí".

Đạo diễn Việt Tú cho rằng "nếu duy trì được đà này và đi đúng hướng, Việt Nam mới chỉ đang trên đường hình thành một nền công nghiệp giải trí". "Hiện thị trường giải trí của chúng ta nhỏ, chủ yếu trong phạm vi nội địa chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài", anh đánh giá.

"Cần một hệ sinh thái đủ mạnh để nâng tầm và phát triển bền vững", ông Bùi Hoài Sơn phát biểu.

Để là một ngành công nghiệp, giải trí phải có quy mô, quy trình, số lượng và đo lường theo tiêu chí thực sự khoa học. Chúng ta không thể nói một cách cảm tính được.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh
2-1747370635202503661482.jpg

Flappy Bird - game Việt từng “hớp hồn thế giới” - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Công nghiệp giải trí là gì?

Theo ông Bùi Hoài Sơn, "công nghiệp văn hóa" là một khái niệm rộng, bao trùm toàn bộ các lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm/dịch vụ mang giá trị văn hóa, sáng tạo.

Còn "công nghiệp giải trí" là một bộ phận của công nghiệp văn hóa, tập trung vào những lĩnh vực có tính chất giải trí cao như âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, game, show diễn, sự kiện, nền tảng nội dung số...

Mục tiêu chính của công nghiệp giải trí là tạo ra trải nghiệm cảm xúc, thu hút người xem, người nghe, người chơi bằng những yếu tố như vui vẻ, kịch tính, cảm động, bất ngờ, sáng tạo...

See tình của Hoàng Thuỳ Linh là một trong những sản phẩm âm nhạc ra được thế giới  

"Nếu công nghiệp văn hóa thiên về bản sắc, giá trị tinh thần và chiều sâu văn hóa, thì công nghiệp giải trí thiên về thu hút, phổ cập và tiêu dùng đại chúng. Công nghiệp văn hóa là cái nền, còn công nghiệp giải trí là mũi nhọn khai thác các giá trị đó một cách hấp dẫn, hiện đại, phù hợp với thị hiếu của công chúng đương đại", ông Sơn nêu.

Theo ông Sơn, việc phân biệt này giúp chúng ta định vị rõ hơn vai trò và cách thức phát triển của từng lĩnh vực. 

Với Việt Nam hiện nay, đầu tư cho công nghiệp giải trí chính là một hướng đi nhanh và hiệu quả để công nghiệp văn hóa thực sự bứt phá, trở thành động lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời đại số.

3-174737145751592444023.jpg4-174737140243734403279.jpg6-1747371411808452914857.jpg5-17473714172153640653.jpg

Từ trái qua, từ trên xuống: Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, đạo diễn Việt Tú, Vũ Thành Vinh, nhà sáng lập Nguyễn Tiến Huy - Ảnh: NVCC

Thời điểm vàng

Ông Bùi Hoài Sơn bày tỏ đề án về công nghiệp giải trí được đặt ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt: Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

"Để đạt được mục tiêu đó, bên cạnh các trụ cột kinh tế truyền thống cần khai thác hiệu quả hơn các ngành có giá trị gia tăng cao, giàu tính sáng tạo, trong đó công nghiệp giải trí là một ngành nổi bật", ông nói.

Ông Sơn chia sẻ thêm bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền kinh tế sáng tạo, nơi giá trị của ý tưởng, cảm xúc và trải nghiệm trở thành hàng hóa chủ lực. 

Các quốc gia phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Anh đã chứng minh rằng công nghiệp giải trí không chỉ tạo ra doanh thu khổng lồ mà còn là công cụ quyền lực mềm hiệu quả để định hình hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Sự thành công của K-pop, Hollywood hay các lễ hội âm nhạc và nền tảng giải trí số toàn cầu là minh chứng rõ rệt cho điều đó.

Đây cũng là thời điểm mà những thay đổi về công nghệ - đặc biệt là sự phổ biến của các nền tảng số và mạng xã hội - đã làm thay đổi căn bản cách người dân, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận, tiêu thụ và tạo ra sản phẩm giải trí.

"Nếu không có chiến lược quốc gia rõ ràng, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội vàng để nâng tầm ngành giải trí thành một mũi nhọn kinh tế - văn hóa mới. Việc Chính phủ đặt vấn đề phát triển công nghiệp giải trí vào thời điểm này là một bước đi chiến lược và cấp thiết", đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nhận định.

mai-01-17473717144911158422239.jpg

Mai của Trấn Thành là một trong những phim thắng phòng vé thời gian qua - Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Việt Tú nói động thái này thể hiện Chính phủ đã nhìn thấy tầm quan trọng của nền công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trong sự phát triển chung của đất nước. 

"Tầm quan trọng ở đây không chỉ đơn thuần nằm ở những chỉ số đo đếm được về mặt kinh tế mà cả tầm ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam tới thị trường toàn cầu", anh nói.

Theo anh Việt Tú, Việt Nam có một nền công nghiệp văn hóa, giải trí phát triển chậm hơn nhiều so với khu vực và quốc tế. Đề án này rất quan trọng với thị trường văn hóa, giải trí, "ra đời đúng thời điểm mà chúng ta có đủ nguồn lực trên mọi phương diện để hiện thực hóa nó".

Ông Nguyễn Tiến Huy - cựu CEO và nhà sáng lập của Hiker Games, công ty được coi là "huyền thoại của làng game Việt Nam" với mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế với game có độ khó cao và làm sản phẩm để đời gắn với lịch sử Việt Nam - bày tỏ:

"Tôi có sự kỳ vọng nhất định đề án của Chính phủ sẽ thực sự giúp ngành công nghiệp giải trí nói chung và ngành game nói riêng phát triển. Tôi hy vọng đề án này có thể giúp tạo ra những tiểu thuyết, truyện tranh, bộ phim và tựa game Việt Nam xuất sắc, thành công cả về mặt thương mại và thành tựu nghệ thuật".

Hàn Quốc: khi giải trí không chỉ là giải trí

"Hallyuwood" là thuật ngữ chỉ nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc, với từ Hallyu ghép với chữ "wood" trong Hollywood.

Theo Behalf Korea, ngành công nghiệp nội dung Hàn Quốc (K-Content, bao gồm K-pop, K-drama, phim điện ảnh, trò chơi điện tử và webtoon) dẫn đầu công nghiệp văn hóa với trị giá 79 tỉ USD vào năm 2023, dự kiến tăng lên 86,4 tỉ USD vào năm 2026.

Những con số đáng kinh ngạc này cho thấy giải trí không chỉ là giải trí mà còn là động lực kinh tế quan trọng.

Một báo cáo của Allied Market Research cho thấy chỉ riêng thị trường tổ chức sự kiện K-pop (bao gồm các concert - hoạt động xương sống và mang lại doanh thu lớn nhất của K-pop, fan meeting, fansign, biểu diễn khác...) dự kiến đạt doanh thu 20 tỉ USD vào năm 2031.

"Ngành hàng hóa K-pop" bao gồm album, lightstick, quần áo và các món đồ lưu niệm có hình ảnh thần tượng hoặc liên quan đến thần tượng đã trở thành thị trường trị giá hàng tỉ USD.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022