z4180653434876_30bdfbc8213b32facd5d25fe24fb07ab.jpg

"Và các quý cô, đừng để bất kỳ ai nói mình hết thời”.

Nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh nói trong lúc cầm trên tay tượng vàng Oscar danh giá cho hạng mục Nữ chính xuất sắc hôm 13/3.

Trước đó, khi chiến thắng ở lễ trao giải Quả cầu vàng hồi tháng 1, Tử Quỳnh cũng nhắc đến thông điệp tương tự: "Tôi tròn 60 tuổi năm ngoái. Phụ nữ ơi, các bạn đều hiểu khi ngày tháng lớn hơn, cơ hội cho chúng ta dường như nhỏ lại”.

Điều mà nữ diễn viên đề cập không chỉ nằm gọn trong lĩnh vực điện ảnh – giải trí mà cô tham gia, mà nói lên vấn đề nữ giới dễ đối mặt ở mọi ngành nghề nói chung: nạn nhân của chủ nghĩa tuổi tác.

"Hết thời"

Chủ nghĩa tuổi tác lần đầu được bác sĩ tâm thần và lão khoa Robert Butler đưa ra vào năm 1969. Trong đó, khả năng của người lao động được cho là tỷ lệ nghịch với số tuổi đời, tức là càng già, họ càng làm việc kém hiệu quả hơn.

Paul Rupert, Giám đốc điều hành của Respectful Exits, một nhóm vận động kêu gọi quyền lợi cho nhân viên lớn tuổi, cho biết phân biệt tuổi tác xuất phát từ chỗ cách xã hội nhìn nhận những lao động ở tuổi trung niên trở lên.

“Khi bước sang tuổi 40, bạn bị coi là cỗ máy cũ kỹ. Khi bạn tiến đến tuổi 55 hoặc 60, bạn bị coi là không còn giá trị sử dụng nữa. Đó là quan điểm phổ biến trong bộ phận nhân sự. Họ không đánh giá đúng về những ai có thể tiếp tục tăng giá trị cho doanh nghiệp. Thay vào đó, họ coi rằng đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ trở nên vô dụng", Rupert nói.

lcimg_7b33a3f9_6162_47bb_a4fd_9709e7cb9a36_1678678324245901859829_crop_1678678893315809220067_1_.jpeg

Dương Tử Quỳnh làm nên lịch sử ở giải thưởng Oscar 2023. Ảnh: Hollywood Reporter.

Tetyana Shippee, nhà Xã hội học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Minnesota, cho biết phần lớn phụ nữ bị phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc và đây trở thành một trong những hình thức phân biệt đối xử được xã hội chấp nhận nhiều nhất.

“Những người trẻ tuổi cho rằng người lớn như tôi không biết sử dụng công nghệ. Và mặc dù tuổi tác không được thảo luận khi tuyển dụng, tôi từng nghe phía doanh nghiệp nói rằng không muốn tuyển một người đã đứng tuổi vì muốn 'nhân viên sôi nổi và hấp dẫn'. Trên các lĩnh vực khác nhau, tôi cũng đã nghe những bình luận về việc muốn tuyển những người trẻ sẽ 'gắn bó lâu dài'", bà Shippee kể lại.

Theo nghiên cứu của AARP (Hiệp hội người về hưu ở Mỹ), trong khi 90% người lao động lớn tuổi nói rằng phân biệt tuổi tác là phổ biến, thì chỉ có 3% chính thức khiếu nại với người giám sát hoặc bộ phận nhân sự.

Đối với phụ nữ trung niên, sự lo ngại, muốn tránh rắc rối kéo dài khiến họ thận trọng trong việc chỉ ra những thành kiến ​​​​có hại. "Họ cảm thấy mình khó được ai lắng nghe, chưa kể sẽ có những hậu quả khác, ví dụ như buộc nghỉ việc", Marcus nói.

Trong trường hợp đó, việc tìm kiếm một công việc mới trong độ tuổi đó thường nhận lại là những cái lắc đầu. Theo thống kê của AARP, 6% người lao động lớn tuổi nói rằng phân biệt tuổi tác là một trở ngại khi tìm một công việc khác và 90% kiếm được ít hơn so với vị trí trước đây.

Định kiến kép

Chủ nghĩa ​​tuổi tác ảnh hưởng đến cả nam và nữ giới, song nữ giới càng dễ trở thành đối tượng của định kiến và phải đối mặt với nhiều rào cản hơn khi họ già đi, bên cạnh sự phân biệt giới tính. Nói cách khác, giới tính đóng vai trò chủ yếu trong cách nhìn nhận những người đang trải qua quá trình lão hóa.

Bonnie Marcus, chuyên gia tư vấn sự nghiệp, cho biết chủ nghĩa tuổi tác thường diễn ra một cách kín đáo.

"Khi phụ nữ có dấu hiệu lão hóa rõ rệt, họ bị coi là kém năng lực và ít cầu thị hơn. Họ chắc chắn cảm thấy bị cô lập khi chuyên môn vẫn vững, nhưng không nhiều người coi trọng nó nữa", Marcus phân tích.

z4180662014582_deadddf4ff21fa7b951aba13c8dffdd1.jpg

Định kiến về giới và tuổi tác khiến sự nghiệp của phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên gặp nhiều thách thức hơn. Tranh: BBC.

Cho dù bị loại khỏi các dự án, bị thay thế bởi đồng nghiệp trẻ hơn hay không được cung cấp cơ hội phát triển nghề nghiệp, tác động của nó lên sự nghiệp của phụ nữ vẫn nghiêm trọng.

"Nhiều phụ nữ trên 45 tuổi mà tôi đã kết nối về chủ đề này rất tức giận. Sau nhiều thập kỷ làm việc chăm chỉ và thành tích đáng nể, sau mọi nỗ lực cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, họ đang trở nên 'vô hình' ở môi trường làm việc", tác giả Ajeta Sinha bày tỏ trong bài viết đăng tải trên LinkedIn vào năm ngoái.

Cụ thể, phụ nữ lớn tuổi dễ bị bỏ qua trong việc thăng tiến và bị buộc phải làm những công việc có kỹ năng và mức lương thấp hơn so với khả năng của họ. Chưa hết, điều này có thể gây khó khăn cho phụ nữ lớn tuổi trong việc hỗ trợ bản thân và gia đình, đồng thời có thể dẫn đến tình trạng mất ổn định tài chính trong giai đoạn cuối của cuộc đời.

Jennifer Reynolds, Giám đốc điều hành của Toronto Finance International (Canada), cho biết: “Phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động càng lâu thì càng khó thực sự quay trở lại. Mỗi tháng hoặc mỗi năm bạn không đi làm càng góp phần làm tăng khoảng cách tiền lương giữa những người khác".

Ngoài ra, những trải nghiệm phân biệt đối xử đó còn gây tổn hại cho sức khỏe tâm thần của nữ giới, cụ thể là gây stress và căng thẳng.

z4181083852418_2f51d6d9d06131df6dffd159d612d70b.jpg

"Hết thời", "không còn trẻ trung", "năng lực kém đi" là những suy nghĩ thường thấy của số đông lên các nhân sự trên 45 tuổi. Ảnh: iStock.

"Gừng càng già càng cay"

Thực tế, định kiến ​​về người lao động lớn tuổi không có căn cứ chính xác. Hiệu suất công việc thường được cải thiện theo độ tuổi và những người lớn tuổi được đánh giá cao về lòng trung thành, độ tin cậy, kỹ năng lãnh đạo và tổ chức cũng như khả năng giải quyết vấn đề.

“Những người lao động lớn tuổi có rất nhiều thứ để cống hiến, nhưng lại thiếu đi sự công nhận. Phân biệt tuổi tác gây thiệt hại không chỉ cho cá nhân và gia đình họ mà còn cho toàn bộ nền kinh tế. Tuổi thọ trung bình của mọi người đang kéo dài ra và rất nhiều kỹ năng đang bị bỏ qua", Yvette Peaa, phó chủ tịch tại Văn phòng Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập của AARP, nói.

Điều đáng nói, theo các cuộc thăm dò, phụ nữ dưới 50 tuổi cũng có nhiều khả năng bị phân biệt đối xử vì tuổi tác.

Shippee cho biết nghiên cứu của riêng cô cho thấy một đường cong hình chữ U khi nói đến sự phân biệt tuổi tác của phụ nữ.

“Từ 18 đến 30 tuổi, phụ nữ báo cáo bị phân biệt tuổi tác do còn quá trẻ. Từ giữa độ tuổi 30 đến giữa độ tuổi 40 là khoảng thời gian an toàn. Sau đó, phân biệt tuổi tác bắt đầu tăng trở lại sau 50 tuổi và đặc biệt cao sau 55 tuổi trở lên".

Bonnie Marcus đánh giá khi các tổ chức tìm cách xây dựng và tuyển dụng lại, tập trung vào sự đa dạng và hòa nhập, giải quyết vấn đề phân biệt tuổi tác là một phần quan trọng để hỗ trợ phụ nữ ở mọi lứa tuổi.

Đào tạo các nhà quản lý, nhân viên và khuyến khích giao tiếp cởi mở đều là những công cụ quan trọng để chống lại định kiến.

“Những người trong bộ phận nhân sự chịu trách nhiệm tuyển dụng, thăng chức, đãi ngộ và sa thải nhân viên cần phải xem xét kỹ lưỡng, kỹ càng xem thành kiến ​​của chính họ về sự già đi, bởi hầu hết chúng ta đều có suy nghĩ đó. Các tổ chức cũng cần giúp phụ nữ có những cuộc trò chuyện, trao đổi thẳng thắn khi bị đưa ra nhận xét phân biệt tuổi tác hoặc giới tính”.

Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại

Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022