Ấn tượng ở nội dung kể, cách kể; cách đặt tên nhân vật độc đáo. Ấn tượng ở ngôn ngữ nhân vật rất sống động với những phát ngôn dày đặc khẩu ngữ, thành ngữ, tục ngữ, tiếng lóng cùng sự xuất hiện nhiều thuật ngữ đặc thù nghề nghiệp mà tác giả có sự hiểu biết tường tận, rành rẽ. Bên cạnh đó, còn là ấn tượng về nỗi sợ "bút máu, chữ máu" cùng nỗi ám ảnh về những cây bút có năng lực mà tha hóa.

32479500724283239973445861244928507252316509n-1673315606605123333567.jpg

PGS.TS, nhà văn Hoàng Kim Ngọc

Ấn tượng về hệ thống nhân vật và ngôn ngữ hội thoại

"Sóng độc" có một hệ thống nhân vật với những cái tên mà tự chúng đã ngầm chia ra hai tuyến đối lập (tử tế và xấu xa): Bạc phò, Mùi già, Vũ láu, Hoàn toác, Lê Sở Kha (gợi đến tên gã Sở Khanh trong Truyện Kiều); (nhà báo) Phạm Quang Thiện, (Tỉnh ủy viên) Văn Đức, v.v… Đây là cách đặt tên theo lối cải danh, cổ điển kiểu "Tấm, Cám" nhưng cũng vì thế mà tự cái tên đã nói được một phần diện mạo, hình thức bề ngoài, tính tình, phẩm cách của người sở hữu.

Lò Văn Bạc có biệt danh là Bạc phò. Từ "phò" gợi nhớ đến một hạng người làm cái nghề không mấy lương thiện. Qua lời của Hoàn toác thì Bạc phò là "cháu nội Chí Phèo", "thằng mồm chó vó ngựa", "tổ trưởng chay. Nó đếch ngán ai. Mồm nó to bằng mấy loa phường" (35). Mùi già xấu cả hình thức đến tính cách. Đôi mắt cô ta được miêu tả là "cửa sổ tâm hồn toàn lòng trắng, lúc nào cũng đảo như rang lạc" (20), "giọng nói oang oang như lệnh vỡ", khuôn mặt "trái xoan nằm ngang" (21). Đó là người đàn bà chuyên môn kém, giỏi dựng chuyện, điêu trác, phao tin đồn nhanh hơn cả dịch bệnh, hay rút lõi phong bì tiền mà các cơ sở bồi dưỡng cho các phóng viên. Nhân vật Lê Hoàn thì được gọi là Hoàn toác. Anh ta đã giải thích biệt danh của mình là bởi "anh em đùa đặt cho, do tính tôi vui vẻ tếu táo ạ" (37). Nhưng thực chất con người này xếp vào hàng láu cá, ranh ma, lật mặt, gió chiều nào che chiều ấy. Phó giám đốc Đỗ Thiết dưới mắt nhìn nhận, đánh giá của Văn Đức - Giám đốc Đài Bắc Hà thì cậu ta "về nghiệp vụ thì cũng tàm tạm, ưa hoạt động bề nổi. Không có tính trường trận, căn cơ. Thiếu tầm bao quát, tư duy không mạch lạc, chỉ đạo ngẫu hứng…. làm nhiều việc tùy tiện. Thích làm thủ lĩnh hơn thủ trưởng. Giờ đây lại sinh ra bia bọt rượu chè. Có việc cần, quân sĩ phải mang tài liệu ra tận quán bia xin chữ kí. Tệ hơn là thích ai thì bất chấp nguyên tắc, chống lưng, ưu ái lộ liễu. Ghét ai thì tìm mọi cách triệt hạ, làm cho người ta ra bã vẫn chưa tha." (29). Còn cái tên Lê Sở Kha (có âm thanh gợi nhớ đến Sở Khanh – một nhân vật xấu xa trong Truyện Kiều) đã cho thấy hắn là một Phó Chánh thanh tra biến chất, ăn tiền để "Xoay trái thành phải, chuyển bại thành thắng, đổi trắng thay đen. Người trong nghề gọi hắn là phù thủy…" (tr.332)

Thế mạnh của Trần Gia Thái là ở việc xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Nhân vật nào trong "Sóng độc" cũng hoạt ngôn lợi khẩu, vốn từ phong phú (âu cũng là đặc điểm nổi trội của những người làm báo). Tôi rất ấn tượng về một hệ thống ngôn từ dày đặc thuật ngữ của ngành phát thanh, truyền hình; nhiều thành ngữ, tục ngữ và những cụm từ khẩu ngữ, tiếng lóng mới xuất hiện khiến cho các cuộc hội thoại trở nên sinh động, đặc thù. Những từ ngữ đó, tôi đã thống kê được một con số rất ấn tượng: 255 đơn vị (trong đó có 45 từ ngữ chuyên môn, 42 tục ngữ: 118 thành ngữ, 50 cách nói khẩu ngữ và tiếng lóng). (Tự truyện "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị cũng có một số lượng thành ngữ, tục ngữ lớn nhưng tiếng lóng và khẩu ngữ thì ít hơn).

Tiểu thuyết "Sóng độc" có rất nhiều đoạn hội thoại dài đến vài ba trang liền nhưng hầu như không có lời dẫn chuyện; bằng cách đó, người đọc có thể nghe được nhiều bè giọng, những tiếng nói đa thanh, những cách nhìn khác nhau về cùng một sự việc, một vấn đề. Nhân vật trong tác phẩm nói năng rất tự nhiên (nhưng không hồn nhiên, bởi nó đã được thanh lọc, trau chuốt qua ngòi bút của nhà văn). Những lời chửi thề, yếu tố tục của khẩu ngữ không bị lạm dụng, nó được đưa vào đúng lúc, đúng chỗ, đúng liều lượng, đủ cho người đọc thấy sự sinh động và chân thực nhằm mục đích khắc họa rõ tính cách nhân vật. Vì nội dung truyện đề cập đến cuộc đua tranh quyền lực quyết liệt nên nhóm các thành ngữ, khẩu ngữ dùng để chỉ những thủ đoạn, hành động đấu đá, tận diệt nhau một cách tàn khốc được dùng rất nhiều: thò thụt mai rùa (tr. 334); ném đá giấu tay (tr. 334); nhá mặt trở cờ (tr. 190); quân sư quạt điện (tr. 406); cạn tàu ráo máng (tr. 398); chơi trực diện, đánh vỗ mặt (tr. 269); lên thớt băm nhừ nướng chả (tr. 266); đánh một đòn chết tươi con nòng nọc (tr. 268); hết đường về quê mẹ (tr. 222); chết sặc gạch (tr. 405); ăn đòn hội chợ (tr. 408); đòn gia truyền (tr. 405); đòn sâu võ hiểm (tr. 253); dọc mùng bóp muối (tr. 254); đánh rắn giập đầu (tr. 267); nhổ cỏ tận gốc (tr. 267); đuổi cùng giết tận (tr. 267); nhớ dai thù lâu (tr. 253); thân tàn ma dại (tr. 222); thừa sống thiếu chết (tr. 336); thân bại danh liệt (tr. 336, 349); thôi rồi lượm ơi (tr. 264); buốt hết cả thủ (tr. 265); khóc ra tiếng Mán (tr. 77); chờ được vạ thì má nhiễm trùng (tr. 336);..

Điểm nhìn của người kể chuyện trong tiểu thuyết luôn di chuyển, có lúc là điểm nhìn bên ngoài nhưng có lúc lại là điểm nhìn toàn tri (biết tuốt nhân vật nghĩ gì). Tôi thích những đoạn văn có sự di chuyển linh hoạt điểm nhìn, lời người kể chuyện và lời nhân vật được lồng vào nhau tạo nên sự phức điệu, đa thanh và tâm lí nhân vật được bộc lộ rõ nét. Ví dụ: "Đỗ Thiết giật mình. Ôi mình vẫy như trong phim, của nợ, cái thói quen vẫy tay tiễn khách. Lố thật. Nhưng biết đâu mình sắp được tiễn Hùng Dũng thật. Ước gì cái vẫy tay của ta là cuối cùng và chiếc xe kia chẳng bao giờ quay lại Nghĩ đến đây Đỗ Thiết lại thở phào khoan khoái thưởng cho mình một nụ cười. Thiết nháy mắt đưa tay ra hiệu cho Bạc Phò về phòng mình" (tr. 232)

Ấn tượng của tiểu thuyết còn ở chỗ giọng người kể chuyện không bị đều đều tẻ nhạt bởi vì các câu văn ngắn, dài luôn xen kẽ rất linh hoạt. Có câu đặc biệt, ngắn chỉ có 2 chữ: "Giữa trưa." (tr. 17), có câu dài tới 66 âm tiết nhưng đọc không mệt bởi có nhiều dấu phẩy, với nhiều so sánh, nhiều định ngữ mở rộng khiến độc giả dễ dàng nhận thấy vốn từ ngữ của người viết thật phong phú: "Thời buổi tin đồn hấp dẫn hơn tin báo, tin rỉ tai hút hơn tin loa đài, người ta bàn tán thị phi về ai đó, nếu bình thường hàng năm trời chưa chắc đã lan tỏa hết cơ quan, nhưng tin đó qua Mùi già, nó như diều gặp gió, rồng thêm cánh, sông khơi dòng, suối mở nguồn, nhanh hơn cả dịch bệnh." (tr. 20).

Viết về cái ác nhưng nhìn chung, giọng văn của Trần Gia Thái bao dung, đại lượng, không hằn học, cay cú. Anh đã để cho nhân vật Quang Thiện thấm nhuần tư tưởng Phật giáo từ người bà nội khi nói với Nguyễn An rằng: "Em đòi công bằng chứ em không đi trả thù. Dùng cái ác trị cái ác cũng là gây ác." (tr. 349).

Ở một số trang, giọng văn của tác giả có pha chút giễu nhại kín đáo. Chẳng hạn, đoạn tả sự bức xúc trong lời phát biểu của Bí thư tỉnh ủy khi ông lo lắng sợ bọn lề trái suy diễn tên sách "Đa nghề, đa nguồn, đa dạng" thành "đa nguyên đa đảng" (tr.182); đoạn kể "ty lương thực về kiểm tra, thấy Đài Bắc Hà 300 cán bộ phóng viên mà có 250 người là lái xe và quay phim" (tr. 227) (vì tiêu chuẩn gạo thời bao cấp của lái xe và quay phim cao hơn phóng viên); đoạn miêu tả cuộc họp Hội nghị viên chức cần nghiêm túc nhưng những người phát biểu ý kiến lại luôn lỡ lời, quen mồm gọi Lò Văn Bạc là Bạc Phò (cái tên như ghim ngay vào trí nhớ của người đọc). Chẳng hạn: "Ý kiến Bạc phò, xin lỗi, ý kiến của Lò Văn Bạc xin để sang một cuộc họp khác…" (tr. 284). Hoặc: "Tôi ủng hộ anh Bạc phò, à quên, anh Lò Văn Bạc…" (tr. 285).

Ấn tượng về những nỗi sợ "bút máu", "chữ máu"

Qua "Sóng độc", người đọc cũng hiểu thêm được những nỗi sợ của bút máu, chữ máu (những từ mà Trần Gia Thái sáng tạo). Nó là thứ vũ khí lợi hại có thể "giết người không dao, giết người bằng chữ" (tr. 295).

Chúng ta chắc không quên cái án văn chương "cây táo ông Lành" đã khiến nhà thơ Hoàng Cát bị "treo bút" hàng chục năm trời. Nếu tác phẩm bị quy là "văn chương ám chỉ" hoặc "nhạy cảm chính trị" thì thật đáng sợ. Tác giả coi như đã bị "sao quả tạ chiếu" để rồi "thân bại danh liệt" mà khi được minh oan thì đã quá muộn. Sự kém cỏi trong thẩm định văn chương một thời của những cây bút phê bình cũng như sự ấu trĩ, quy chụp, suy diễn hết sức thô bạo của những người được coi là "giữ lưới" kiểm duyệt đã thực sự là nỗi bất an ám ảnh các nhà văn, nhà báo.

Có lẽ cũng vì lo sợ tác phẩm của mình bị quy kết là thứ "văn chương ám chỉ, thù oán cá nhân" nên Trần Gia Thái đã rào đón rất kĩ ngay từ trang mở đầu: "xin vui lòng đừng hỏi ai là ai và cũng đừng suy diễn theo logic riêng". Bởi tất cả các nhân vật ấy đều "bước ra từ nguồn cội và đồng hành trên con đường mang tên: Sáng tạo!".

Trong tiểu thuyết Sóng độc cũng có chi tiết cuốn sách "Đa nghề, đa nguồn, đa dạng" bị cấm phát hành vì một lí do cũng rất lạ lùng, tức cười. Cái lí do đó đã khiến Bí thư Tỉnh ủy lo sợ "kêu trời trong cuộc họp Thường vụ" (tr. 181), ông cho đó là vụ việc "không chỉ đau lòng, xấu hổ mà còn rất nguy hiểm, tệ hại. Có đồng chí trên Trung ương cảnh báo tôi rằng, anh phải cẩn thận đề phòng người ta đem dịch ra tiếng Anh, phát hành ngoài nước là anh đi đời. Tôi nghe mà rụng rời chân tay. Tên tiếng Việt, danh từ riêng không dịch chữ, không có dấu: "Đa nghề đa nguồn đa dạng", phiên sang là: "Da nghe da nguon da dang". Bọn lề trái sẽ đọc lái ra là đa nguyên đa đảng? Các đồng chí đã thấy nguy hiểm chưa? Chết người chưa, bút máu, chữ máu là thế đấy, cho nên dứt khoát phải… nghiêm! (tr. 182)

Việc thu hồi cuốn sách đã khiến dư luận xôn xao, túm năm tụm ba để bàn thảo tranh luận mọi lúc mọi nơi. Những tiếng nói đa thanh vang lên trong đoạn hội thoại ở trang 177 đã cho người đọc thấy: khi tác phẩm bị quy là "văn chương ám chỉ" hay "nhạy cảm chính trị" thì coi như tác giả gặp hạn nặng. Cái hạn đó có thể đến bất cứ lúc nào, mà "ở nước mình, thượng vàng hạ cám, cái gì chẳng quy là chính trị được. Đã chính trị thì phải nhạy cảm rồi…". Vì thế, trong tiểu thuyết Sóng độc mới có chi tiết Bạc Phò bàn mưu với Đỗ Thiết hại Quang Thiện: Em nghĩ đánh vào lỗi phát sóng, duyệt chương trình sơ hở để lọt lên sóng lỗi chính trị hoặc thuần phong mỹ tục là mới dễ kết liễu (tr. 268). Và tên Hoàn toác đã chơi xỏ Quang Thiện khi hắn đã cho lồng nhạc Tàu vào một bản tin thời sự đúng vào phiên trực của anh.

Nỗi sợ này còn được nhiều nhà văn khác đề cập đến trong tác phẩm của mình.

Chẳng hạn, Đỗ Trọng Khơi ngay ở đoạn mở đầu của truyện ngắn "Câu chuyện văn chương" cũng phải viết một cách rào đón: Chuyện kể có thực có ảo. Nếu đọc xin bạn bạn đọc đừng suy diễn, không đọc kĩ càng không nên suy diễn. (…) Được thế, tôi mới đủ vững tâm trò chuyện…" (tr. 215). Nỗi sợ bị quy chụp mắc lỗi chính trị đã được tác giả thể hiện qua lời nói của nhân vật Ức Trai (hòa lẫn với lời người kể chuyện) trong đoạn văn sau: "Là người tính trong thì tâm sáng, tính đục thì tâm tà. Nhưng sự chính tà trong nghệ thuật thì khó phân biệt lắm. Ví như nàng Đoàn Thị Điểm diễn nôm câu: Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn… là nói đúng về lẽ chiến tranh xưa nay (…) Thế nhưng lẽ đời thế tục xu thời nó dễ quy là thơ có tà tâm ám chỉ, là trách cứ cao xanh…" (tr. 246). Và trong một truyện khác, nhân vật của Đỗ Trọng Khơi đã hỏi: "Có giải pháp nào loại trừ bọn người xấu đang tận dụng vũ khí văn hóa để hành sự không?"

Hơn chục năm trước, trong một lần trò chuyện với nhà văn Nguyễn Việt Hà về tác phẩm Khải huyền muộn , tôi được biết: lúc đầu anh định đặt tên cho ông quan lớn (bạn thân với bố của nhân vật Vũ) là cụ Đỗ nhưng người biên tập bắt đổi tên vì sợ bị quy là ám chỉ Đỗ Mười. Anh bèn đổi tên nhân vật thành "cụ Nguyễn" nhưng vẫn bị người biên tập bắt thay và thậm chí còn đề nghị anh cắt 15 trang nói về ông quan lớn này. Sau đó, nhà văn lại tiếp tục loay hoay sửa tên thành "cụ Đặng" nhưng vẫn sợ bị cho là ám chỉ cụ Trường Chinh. Nguyễn Việt Hà bảo đấy là điều khổ sở của người cầm bút và anh đã để cho nhân vật của mình thốt lên: "... nhiều người sắc sảo khác, họ hay hiểu văn chương là xỏ xiên ám chỉ. Hiểu thô bạo thật…"; "Nếu nhân vật của Bạch, cỡ dưới thứ trưởng, thì có thể xấu tốt gì đấy vẫn dám viết hết tay... Nhưng cứ viết về cỡ như ông bạn của Bạch thử xem, không hiểu từ đâu ra bao nhiêu là ngần ngại… (tr. 201). Phải chăng, chính sự ngần ngại ấy đã khiến cho chân dung các nhân vật quan chức to trong tác phẩm của nhiều nhà văn "đều không tới". Hình như đó cũng là lí do mà nhà văn Sương Nguyệt Minh băn khoăn khi "vẫn chưa cắt nghĩa được vì sao các quan chức trong tiểu thuyết Sóng độc toàn là những người cao cả thiện lương mà không có một nhân vật xấu ác" (?).

Bên cạnh nỗi sợ "mắc lỗi chính trị", "Sóng độc" còn cho người đọc thấy nỗi sợ về lòng người hiểm độc và cái ác diễn ra trong giới cầm bút.

Đó là những thủ đoạn tinh vi hèn hạ của những nhà báo biến chất, lợi dụng chữ nghĩa để ám hại người vì những mục đích cá nhân. Chúng có kĩ nghệ viết đơn thư nặc danh, phao tin, đồn thổi, phát sóng độc rất bài bản, có nghề: "thông tin phải có thật có giả, thực thực hư hư lẫn lộn gây hỏa mù…" (tr. 313). Chúng biết lợi dụng quyền lực báo chí để tạo sóng dư luận, "la lối cho át giọng", "dùng võ to mồm", 'cả vú lấp miệng em", để người bị hại "chờ được vạ thì má nhiễm trùng". Đọc "Sóng độc", chúng ta kinh sợ những kẻ có quyền duyệt đăng bài ở tòa soạn đã ăn tiền, tiếp tay cho kẻ xấu dùng sức mạnh báo chí để nhằm tạo ra những dư luận bất lợi cho người bị hại.

Chi tiết Đỗ Thiết nghĩ cách sửa lại tít báo "Học giả, bằng thật" do Bạc phò đặt thành "Học lờ mờ, vơ chức vụ bự' để "đánh" Quang Thiện đã cho thấy việc rút tít câu view, đánh lừa người đọc đang là một thực trạng đáng báo động, vi phạm đạo đức của nghề báo. Việc hắn giải thích cho đồng bọn vì sao phải đổi tít báo (tr. 313) đã khiến chúng ta rùng mình lo sợ khi biết sức mạnh của báo chí nếu rơi vào tay những phóng viên có năng lực nhưng biến chất thì thật nguy hiểm.

Đọc tiểu thuyết "Sóng độc", cá nhân tôi nhận thấy: cho dù cấu trúc truyện vẫn theo lối truyền thống và hệ thống nhân vật vẫn phân tuyến theo kiểu cổ tích thì tác phẩm vẫn có thể đem lại sự hấp dẫn cho độc giả hiện đại. Quan trọng không phải ở kiểu viết, nó nằm ở cách viết, cách nói, cách tiếp cận và biểu đạt. Tác phẩm hay là khi cầm lên, ta có thể đọc một mạch mà không chán. "Sóng độc" là tiểu thuyết như vậy. Sức lôi cuốn không nhất thiết phải đến từ cấu trúc tân kì mà có thể đến từ những ấn tượng như đề tài mới mẻ, giọng kể linh hoạt, nhân vật độc đáo, ngôn ngữ đa thanh… hoặc những ám ảnh về nỗi đời, nỗi người mà ta tri nhận được…

Tôi rất thích các nhân vật trong "Sóng độc". Họ từ đời thường sôi động bước vào văn chương nhưng đã được mài rũa để đạt đến hình tượng nghệ thuật, vừa đậm cá tính, vừa sâu sắc điển hình, với chiều kích rộng. Nếu ai đó suy diễn cho đây là thứ văn ám chỉ, thù oán cá nhân và cứ quả quyết khẳng định nhân vật này là ông A, nhân vật kia là ông B… ở ngoài đời hoặc nếu có người "thon thót giật mình" thì điều ấy đã chứng tỏ rằng: nhà văn Trần Gia Thái thực sự thành công khi xây dựng nhân vật.

Hà Nội, tháng 10, 2022

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022