Vở nhạc kịch Alice in Wonderland vừa khép lại với hai đêm công chiếu 3 - 4/10 vừa qua nhưng đã kịp mở ra một tương lai đầy triển vọng cho nền nhạc kịch nước nhà. Ở đó, những người trẻ đam mê nghệ thuật có thể tìm thấy chính mình trong từng vai trò của một vở diễn.

Những cảm xúc nguyên bản và tinh khôi đến từ khán giả minh chứng cho sự thành công của vở diễn Alice in Wonderland chuyển thể từ câu chuyện thần tiên không bao giờ cũ của tác giả Lewis Carroll viết năm 1865. Hơn cả một bữa tiệc đầy sắc màu nghệ thuật, vở diễn là tiền đề trong việc đưa nhạc kịch vào trường học, để mỗi em nhỏ khám phá và hoàn thiện chính mình.

Chia sẻ về điều thôi thúc thực hiện dự án và trở thành cố vấn nghệ thuật cho vở nhạc kịch này, NSƯT Đặng Châu Anh cho biết bản thân chị là một nhà giáo dục nghệ thuật, giáo dục âm nhạc và luôn đau đáu đến bộ môn hợp xướng, đặc biệt là nhạc kịch.

"Nhạc kịch là bộ môn nghệ thuật tổng hòa rất nhiều yếu tố, rất nhiều bộ môn nghệ thuật trong đó. Nếu triển khai ở các hệ thống giáo dục phổ thông thì mỗi bạn trẻ sẽ tìm thấy mình trong mỗi vở nhạc kịch. Tôi nghĩ rằng bộ môn này rất thú vị và là một sân chơi rất hay cho giới trẻ, có tính định hướng về thẩm mỹ, tính giáo dục rất cao. Đây còn là bữa tiệc nghệ thuật kích thích mọi giác quan, khán giả chắc chắn sẽ rất sung sướng khi vừa được theo dõi một cốt truyện vừa được lắng nghe âm nhạc vừa được thưởng thức những màn kết hợp âm thanh - ánh sáng rất tuyệt vời trên sân khấu. Nhạc kịch chính là tiếng nói của hiện tại và tương lai" - NSƯT Đặng Châu Anh bày tỏ.

screenshot2-1665127274481511541761.png

Lê Diệu My, NSƯT Đặng Châu Anh và Anh Thư trò chuyện cùng MC Thái Trang

Với vở diễn Alice in wonderland, hơn 100 diễn viên đã thực sự được tỏa sáng và rất thỏa mãn trên sân khấu với đam mê nghệ thuật của mình. Họ đã đưa xứ sở thần tiên đến với đời thực. Góp phần làm nên thành công của Alice in wonderland phải kể đến nữ đạo diễn trẻ Lê Diệu My. Cô cảm thấy tự hào với các diễn viên đã làm nên thành công cho vở nhạc kịch lần này. Bởi trong số các diễn viên, có những người là nghiệp dư, chưa bao giờ hát, nhảy hay diễn trên sân khấu. Sau bao tháng ngày tập luyện, họ đã hòa quyện với nhau và cùng "bùng nổ" trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Nửa năm chuẩn bị, 3 tháng tập luyện, sân khấu nhạc kịch này đặc biệt này là những lần đầu tiên của hầu hết các diễn viên không chuyên đến từ Việt Nam và Australia. Nhỏ nhất mới 14 tuổi, lớn nhất là ngoài 30. Có diễn viên dù đã là mẹ nhưng câu chuyện về xứ sở diệu kỳ vẫn đưa họ về sâu thẳm nơi tình yêu âm nhạc bắt đầu. Nhạc kịch đã xóa mờ khoảng cách lứa tuổi, kéo gần không gian để các diễn viên trở thành một và cũng làm ngắn hơn quãng đường của một cô bé không chuyên như Anh Thư đến với nhân vật chính Alice.

alice1-16648721074271104857356-16651273847331418114195.jpg

Anh Thư (ở giữa) đảm nhận vai chính Alice trong vở nhạc kịch

Anh Thư tiết lộ, khi casting chỉ dám chọn một vai nhỏ trong vở nhạc kịch nhưng lại may mắn được lựa chọn trở thành nhân vật chính là Alice. "Em cảm thấy rất hạnh phúc nhưng kèm với đó là một sự lo lắng và áp lực rất lớn. Trong 3 tháng vừa qua, em phải trau dồi thêm tiếng Anh, học kịch bản, học diễn xuất, học hát và tập vũ đạo. Đó là một quá trình em phải nỗ lực nhiều để đạt được kết quả như bây giờ" - Anh Thư chia sẻ.

Thành công của Alice in wonderland cũng giúp một cô gái trẻ như Diệu My có thêm trải nghiệm với bộ môn nghệ thuật này. Diệu My cho rằng, khi các bạn trẻ có tài năng, niềm đam mê và nhiệt huyết sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhạc kịch ở Việt Nam.

NSƯT Đặng Châu Anh cũng tự tin vào tương lai của nhạc kịch nước nhà: "Với những gì Alice in wonderland đem lại, cho đến thời điểm này, tôi rất tự tin chúng ta có thể triển khai những dự án nhạc kịch theo cách như thế này tới rộng khắp các trường phổ thông hoặc ở bất cứ nhà văn hóa nào. Chúng ta sẽ có thể có những sân chơi nghệ thuật trong tương lai".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022