Cảnh trong phim Parasite (Ký sinh trùng) - bộ phim Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải Cành cọ vàng, công chiếu tại Việt Nam từ ngày 21-6 - Ảnh: IMDb
Parasite (tên tiếng Việt: Ký sinh trùng) pha trộn tài tình giữa các thể loại với một câu chuyện bi - hài kịch được kiểm soát chặt chẽ và không thể đoán được cùng một cái kết gây bàng hoàng.
Sự tàn khốc của khoảng cách giàu nghèo
Thông qua hình tượng mang tính ẩn dụ về những con ký sinh trùng sống nhờ vào vật chủ, Parasite chạm đến những vấn đề cốt lõi của xã hội Hàn Quốc hiện đại nhưng đồng thời cũng rất gần gũi với khán giả toàn cầu, đó là sự chia rẽ, phân hóa giàu nghèo tàn khốc trong xã hội dẫn đến những khoảng cách không thể xóa nhòa về giai cấp và khiến con người dần dần tha hóa.
PARASITE Trailer (2019) Joon Ho Bong Movie
Bộ phim mở đầu bằng cách giới thiệu trực diện chân dung bốn thành viên trong một gia đình lao động nghèo ở một căn hộ tầng hầm có mặt tiền bằng kính nhìn ra một khu phố đông đúc, nhếch nhác.
Ki Taek (Sang Kang Ho đóng) - chủ của gia đình - là một người đàn ông thất nghiệp. Vợ ông ta - Chung Sook (Chang Hyae Jin) và hai đứa con đang độ tuổi trưởng thành là Ki Woo (Choi Woo Shik) và Ki Jung (Park So Dam) cũng không có nghề nghiệp ổn định.
Bọn họ kiếm sống bằng nghề gấp hộp bánh pizza và dường như không đủ để trang trải cuộc sống.
Một cảnh của Parasite
Ngay từ đầu phim, qua hình ảnh hai anh em Ki Woo phải tìm cách ăn cắp WiFi "chùa" trong căn hộ tầng hầm chật chội, ẩm thấp, ta đã thấy gia đình họ là hình ảnh điển hình cho tình cảnh bấp bênh và thiếu ổn định của những người nghèo trong xã hội.
Nhưng điều đặc biệt là các thành viên trong gia đình có sự gắn kết và hòa thuận với nhau.
May mắn thay, nhờ sự giới thiệu của một người bạn chuẩn bị đi du học, Ki Woo được nhận vào làm gia sư dạy tiếng Anh cho Da Hye - cô con gái mới lớn của Park (Lee Sun Kyun), một doanh nhân công nghệ siêu giàu có.
Choáng ngợp trước gia thế của Park và lợi dụng sự cả tin có phần ngây ngô của người vợ Park là Yeon Kyo (Cho Yeo Jeong), Ki Woo ngụy tạo cho cô em gái của mình là một sinh viên mới du học ở Mỹ trở về để làm gia sư nghệ thuật cho đứa con trai nhỏ có thiên hướng hội họa nhưng tính cách khá kỳ dị.
Một cảnh của Parasite
Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó khi những con "ký sinh trùng" đã bám sâu vào "vật chủ". Câu chuyện tiếp diễn khéo léo với những tình huống ngoài dự đoán dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, kèm theo những tiếng cười giễu nhại trào lộng nhưng vẫn dự báo ngấm ngầm một điều gì đó đáng sợ sắp xảy ra.
Giống như trò chơi roller coaster, Bong Joon Ho đưa khán giả vào một chuyến hành trình của cảm giác.
Ở đó có những toa lộ thiên khiến ai cũng có thể nhìn thấy và có thể bật cười thoải mái, nhưng dần dần ông kéo giật khán giả vào những đường gấp khúc, những cú lộn nhào đáng sợ để rồi cuối cùng tất cả đều phơi bày một cách kinh hoàng trong một bữa tiệc xa hoa, nơi mọi thứ đều không còn có thể cứu vãn được nữa.
Khán giả ở Cannes đã vỗ tay 8 phút khi xem phim này
Không thể bắt chước và không thể trộn lẫn
Khoảng cách giàu nghèo được đạo diễn thể hiện một cách tinh tế qua những hình ảnh đối lập và tương phản dữ dội.
Đó là căn hộ tầng hầm bẩn thỉu của gia đình Ki Taek, nơi bọn họ phải chứng kiến cảnh một kẻ say rượu đái bậy trước nhà; và ngôi biệt thự biệt lập trên đồi của gia đình Park được bao quanh bởi rừng cây cối được tỉa khéo léo và có tầm nhìn tuyệt đẹp lên bầu trời.
Điều này được thể hiện một lần nữa trong cảnh đêm mưa, nơi căn hộ tầng hầm của gia đình Ki Taek chìm ngập trong nước thải, còn ngôi biệt thự trên cao của gia đình Park yên bình và lãng mạn trong màn mưa.
Một cảnh của Parasite
Đó là một ví dụ tuyệt vời của việc gợi lên sự khác biệt giai cấp thông qua không gian và ánh sáng. Hình ảnh tầng hầm, một ẩn dụ được Bong Joon Ho sử dụng xuyên suốt trong nhiều bộ phim của ông, một lần nữa phát huy tính hiệu quả trong Parasite.
Ở đó, ta thấy được nỗi sợ hãi như một căn tính, hệ lụy từ cuộc chiến tranh Nam - Bắc Triều vẫn còn ám ảnh của nhiều người dân Hàn.
Sự phân hóa này còn được thể hiện ở sự đối lập trong suy nghĩ và hành vi của người giàu và kẻ nghèo. Park và vợ mình tuy tỏ ra tử tế và dù cố giấu vẫn để lộ sự kỳ thị và thành kiến, đặc biệt là cách mà họ không chịu nổi thứ mùi lưu cữu trên cơ thể của những người nghèo.
Trong khi đó, gia đình Ki Taek lại cho rằng sự giàu có dễ dàng khiến con người trở nên tử tế. "Nếu tôi giàu, tôi cũng có thể trở thành một người tử tế. Tiền là một chiếc bàn ủi, nó có thể ủi phẳng phiu tất cả những nếp nhăn" - bà vợ của Ki Taek nói trong cơn say khi họ mở tiệc trong lúc gia đình "vật chủ" đi vắng.
Một cảnh của Parasite
Chủ đề phân hóa giàu nghèo, cách những người nghèo tìm cách "ký sinh trùng" vào người giàu từng được thể hiện qua một số tác phẩm như cuốn tiểu thuyết Cọp trắng đoạt giải Man Booker của nhà văn Ấn Aravind Adiga, phim Elena của đạo diễn Nga Andrey Zvyagintsev hay phim La cérémonie của đạo diễn Pháp Claude Chabrol..., nhưng qua tài năng kể chuyện, xây dựng tính cách, tâm lý nhân vật của một đạo diễn mang bản sắc cá nhân rõ nét, Bong Joon Ho đã biến Parasite thành một bộ phim không thể bắt chước và không thể trộn lẫn.
Dàn diễn viên Parasite nhắn gửi khán giả
Đỉnh cao mới trong nghệ thuật kể chuyện
Sau khi tạo dựng được tên tuổi ở tầm quốc tế với các bộ phim thành công vang dội và tạo được một phong cách kể chuyện không thể trộn lẫn như Memories of murder (2003), The Host (2006) hay Mother (2009), đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho thử sức với hai bộ phim mang tầm quốc tế là Snowpiercer (2013) và Okja (2017).
Cho dù vẫn giữ được phong cách cá nhân của mình và vẫn hấp dẫn khán giả đại chúng, hai bộ phim này lại chia rẽ giới phê bình và khiến những khán giả trung thành của ông ở quê nhà khá bối rối.
Năm 2019, Bong quay trở lại Hàn Quốc với Parasite, một bộ phim mang tính bản địa như các tác phẩm thời đầu và đưa ông chạm đến một đỉnh cao mới trong nghệ thuật kể chuyện.
Một số hình ảnh của Parasite:
Parasite
Parasite
Parasite
Parasite
Parasite
Parasite
Parasite
Parasite
TTO - Tác phẩm của điện ảnh Hàn Quốc đã thắng thuyết phục tại Cannes 2019, báo chí đồng loạt dành lời khen tặng cho đạo diễn Bong Joon Ho.