GĐXH - Còn nhớ năm 2017 - tròn 1 năm ngày mất của NSƯT Út Bạch Lan, gia đình bà tiết lộ đã từ chối làm hồ sơ xin truy tặng NSND vì cho rằng hai chữ 'sầu nữ' gắn với bà đã danh hiệu lớn nhất mà nhân dân trao tặng.
NSƯT Vũ Linh (1958 - 2023) là một trong những nghệ sĩ cải lương tài năng của Việt Nam nhưng cho đến cuối đời ông vẫn không làm đơn xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND). Nhiều người cho rằng, xét về thâm niên hoạt động và những cống hiến, NSƯT Vũ Linh hoàn toàn xứng đáng nằm trong danh sách đặc cách xét duyệt danh hiệu NSND chung với các nghệ sĩ thế hệ vàng như nghệ sĩ Hùng Minh, Thanh Nguyệt, Thanh Điền,…
Nhưng để được xét tặng danh hiệu, các nghệ sĩ cần phải làm hồ sơ, trong đó ghi rõ lý lịch bản thân, vai diễn, những thành tích, sự cống hiến của mình với nghệ thuật… Đó là điều bắt buộc theo quy định của Nhà nước mà tất cả các nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu đều phải thực hiện.
Đáng chú ý, mới đây nhất, trong đợt xét duyệt danh hiệu NSƯT/NSND lần thứ 10, khi nghệ sĩ Vũ Linh tiếp tục không có tên trong danh sách xét duyệt.
Chia sẻ với Gia đình&Xã hội, Hồng Loan - con gái ruột của NSƯT Vũ Linh cho hay: "Cũng không biết vì sao nhưng sinh thời tôi có nghe ba nói là suốt những năm tháng hoạt động nghệ thuật ba đã nhận được tình thương của khán giả là quý nhất rồi. Còn danh hiệu nghệ sĩ của nhân dân cũng là khán giả đã cho ba, ba quý tấm chân tình đó. Ba không còn tiếc nuối gì cả".
Khi được hỏi về việc nhiều nghệ sĩ sau khi qua đời được nhà nước đặc cách, truy tặng danh hiệu NSND, thì theo Hồng Loan bày tỏ: "Nếu nhà nước truy tặng danh hiệu cho ba thì gia đình chúng tôi xin nhận, chứ không yêu cầu hay xin cho gì cả. Vì sinh thời ba đã mong muốn như thế rồi nên chúng tôi không mong cầu hơn".
Cũng theo Hồng Loan tâm sự, đợt xét hồ sơ NSND những năm trước và ngay cả trong năm nay cô không nhận được thông tin gì cả vì cô không ở cùng với ba. "Từ 2 năm nay cho đến tận mới đây, mẹ con cô Sáu (mẹ con Hồng Phượng - PV) vẫn còn ở với ba, ở nhà của ba nên mọi thông tin bên đó nắm hết, tôi không rõ. Chỉ có đến hiện tại, mọi thông tin liên quan đến ba tôi đều nắm hết chứ không còn thông qua mẹ con Hồng Phượng nữa. Tuy nhiên, thực tế là tôi không nhận được thông báo gì liên quan đến danh hiệu của ba. Mà thú thật, ba tôi và gia đình cũng không quan trọng điều đó.
Như đã nói ở trên, tôi cũng muốn như ba, nếu cô chú khán giả yêu thương ba, chỉ cần tình thương chứ không quan trọng danh hiệu. Nếu có trao thì nhận chứ không xin cho gì cả", Hồng Loan bày tỏ.
Hồng Loan - con gái cố nghệ sĩ Vũ Linh cho biết sinh thời ba không mong cầu danh hiệu mà chỉ mong nhận được yêu thương của khán giả và luôn trân quý điều đó
Trước đó, vào năm 2021, khi khán giả thắc mắc một người nghệ sĩ khi cống hiến lâu năm đều mong muốn có một danh hiệu nhất định, xứng đáng. Tuy nhiên, thời điểm đó, cá nhân NSƯT Vũ Linh không đứng ra làm đơn để xin lên cấp bậc NSND.
Khi đó, theo Hồng Phượng - cháu gái nghệ sĩ cho biết: "Cậu nói rằng cậu không làm điều đó vì sau khi được Nghệ sĩ ưu tú, cậu chỉ mong khán giả yêu thương như những gì trước giờ mọi đã dành cho mình. Còn về danh hiệu thì cậu cũng không quan trọng lắm".
Cháu gái nghệ sĩ Vũ Linh cho biết bản thân cũng thấy quan điểm này là đúng nên cô rất tôn trọng ý kiến của cậu ruột. Nữ ca sĩ tiết lộ thêm: "Gia đình tôi có suy nghĩ giống nhau như vậy đó". Riêng Hồng Phượng cũng cảm thấy tự hào khi những cống hiến của giọng ca Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài được mọi người đón nhận và yêu mến. Bằng chứng là khán giả vẫn gọi nam nghệ sĩ với danh xưng "ông hoàng cải lương Hồ Quảng".
Cố nghệ sĩ Vũ Linh thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương Việt Nam. Năm 13 tuổi, gia đình cho ông theo học hát ở trường Văn Phát, sau chuyển qua học ca cổ với thầy Văn Vĩ. Năm 1972, ông theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ lưu diễn các tỉnh. Một thời gian sau, ông về hát cho gánh Hoa Anh Đào Kim Chưởng, được nghệ sĩ Diệu Hiền, Trương Ánh Loan nhận làm đệ tử. Sau này, ông còn thọ giáo nghệ sĩ Minh Tơ, Thanh Tòng để hoàn thiện thêm về nghệ thuật ca diễn tuồng cổ.
Năm 1981, ông trở về thành phố, lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long. Đến năm 1988, ông cộng tác với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang 2. Từ đây, Vũ Linh thực sự bước lên đài vinh quang sau hơn 15 năm bôn ba đoàn tỉnh.
Thập niên 1990, Vũ Linh kết hợp với Tài Linh, trở thành đôi nghệ sĩ "thanh mai - trúc mã", được đông đảo khán giả ngưỡng mộ vì lời ca lẫn diễn xuất hòa quyện. Họ cùng nhau ghi dấu trong các vở Xử án Bàng Quý Phi (Tống Nhơn Tôn và Bàng Qúy Phi), Trảm Trịnh Ân (Triệu Khuông Dẫn và Hàn Tố Mai), Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ (Tiết Ứng Luông và Thần Nữ), Thái Tử Đan giả gái (Thái Tử Đan và Vũ Tuyết Nương).