Kịch bản đi vào lối mòn, không có tính đột phá, thoại thiếu tự nhiên- đó là những điều dễ gặp nhất khi xem phim Việt Nam. Và  thực tế ấy phản ánh rõ sự thiếu vắng của các biên kịch giỏi trong thị trường phim hiện nay.

Cũng cần nhắc lại, biên kịch là người đầu tiên "thai nghén" ý tưởng và kể câu chuyện trên mặt giấy. Dựa vào đó mà đội ngũ sản xuất mới có thể tạo dựng nên những thước phim sống động trên màn ảnh. Từ đó, có thể thấy, vai trò của biên kịch vô cùng quan trọng - khi kịch bản không chỉ là nền móng mà đây còn là bước đi quyết định cho sự thành bại của bộ phim.

Bấp bênh như nghề biên kịch

Dù vậy, so với các vị trí khác trong đoàn phim thì nhuận bút dành cho biên kịch ở nước ta còn tương đối thấp. Điển hình như biên kịch phim truyện, số tiền mà họ nhận được chỉ dao động ở mức 2,25 - 2,75% trên tổng kinh phí sản xuất (căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình biểu diễn khác). Từ nhiều năm nay, con số này vẫn chưa có sự thay đổi - trong khi một biên kịch có thể theo sát một dự án từ 3 đến 5 năm, thậm chí là 10 năm.

Tương tự, ở lĩnh vực phim truyền hình, kịch bản thường được viết bởi nhóm biên kịch. Chia ra, số tiền mà một biên kịch nhận được sẽ còn ít hơn gấp nhiều lần. Và nếu tính về thời gian lẫn công sức thì mức thu nhập như hiện tại được cho là chưa tương xứng với những gì mà người biên kịch đã bỏ ra.

Ngoài ra, theo người trong nghề, một số nhà sản xuất còn tìm cách để buộc biên kịch giảm mức thù lao. Khi đó, biên kịch thường bị yêu cầu sửa lại kịch bản nhiều lần. Nếu từ chối, biên kịch có thể sẽ không nhận được nhuận bút và tệ hơn là bị loại khỏi dự án. Riêng những biên kịch trẻ, họ đến với nghề ban đầu bằng nhiệt huyết và đam mê. Khi đó, để đưa được "đứa con tinh thần" của mình lọt vào "mắt xanh" của nhà sản xuất, họ có thể chấp nhận hạ giá kịch bản. Tuy nhiên, điều này cũng không thể kéo dài mãi.

Thái Hòa (vai Thoại) không cứu được phim “Cái giá của hạnh phúc” thoát khỏi thua lỗ. Vấn đề là do kịch bản?

Nhìn ra các nước khác, ở một quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh phát triển như Hàn Quốc, quan niệm được phổ biến là: "Writer is the king!" (tạm dịch: Biên kịch là vua). Theo đó, biên kịch sẽ là người định đoạt tương lai của bộ phim, nên 50% số tiền sản xuất sẽ thuộc về khâu kịch bản, 30% dành cho diễn viên và các khoản chi còn lại chiếm 20%. Do vậy mà ở Hàn Quốc, khoản thù lao dành cho những "biên kịch vàng" có thể tương đương các diễn viên ngôi sao.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho nghề biên kịch tại Việt Nam trở nên bấp bênh như thế?

"Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất đối với biên kịch là một kịch bản được làm thành phim. Bộ phim khi ra mắt cần phải tồn tại được trong thực tế càng lâu càng tốt. Khi có được lượng khán giả và doanh thu nhất định, điều này sẽ thu hút được sự chú ý của truyền thông và giới phê bình" - chuyên viên truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước chia sẻ  - "Lúc này, họ sẽ bắt đầu mổ xẻ các khía cạnh liên quan bộ phim, một trong số đó là kịch bản. Nếu bộ phim thành công, kịch bản làm tốt thì biên kịch mới có cơ hội được ghi nhận".

Tuy nhiên, ở nước ta, biên kịch vẫn còn là một khâu khá yếu, khi số lượng biên kịch giỏi hiện nay khá ít, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu thực tế. Nhìn lại, suốt vài tháng sau Tết Giáp Thìn 2024, phim Việt vẫn ra rạp đều đặn nhưng liên tục nhận về những "cú ngã ngựa tại phòng vé". Thậm chí, ngay cả một "ngôi sao màn ảnh" như Thái Hòa cũng không thể giúp cho bộ phim mà anh tham gia gần đây là Cái giá của hạnh phúc thoát khỏi thua lỗ.

Riêng về Cái giá của hạnh phúc, tuy được nhận xét là tác phẩm có sự đầu tư, chỉn chu nhưng cú twist (điểm ngoặt) cuối phim lại vô tình kéo lùi tất cả. Bên cạnh đó, việc thiếu tính logic trong kịch bản và câu chuyện khai thác còn nông cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của phim tại thị trường nội địa. Điều này đồng thời xảy ra với Quý cô thừa kế 2, Đóa hoa mong manhB4S - Trước giờ yêu, những bộ phim cùng ra mắt vào giai đoạn đầu năm 2024. Và thực tế này cho thấy, chính lỗ hổng ở khâu kịch bản là một trong những tác nhân lớn nhất khiến cho phim Việt Nam trong khoảng thời gian dài không có sản phẩm nào thu hút khán giả.

"Nạn đói" kịch bản chất lượng kéo dài buộc nhiều đạo diễn đành phải kiêm luôn vị trí của biên kịch, tự viết kịch bản cho phim của mình.

"Bắt bệnh" cho kịch bản

Phần lớn các biên kịch của nước ta hiện nay đều đến từ những ngành nghề khác nhau, đam mê điện ảnh rồi bắt đầu rẽ hướng sang. Đó là những nhà báo, nhà văn với kỹ năng viết và sáng tác tốt. Nhưng vì không được đào tạo chính quy, chưa có kinh nghiệm xây dựng kịch bản nên trong giai đoạn đầu, các biên kịch thuộc nhóm này sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn ở khâu chỉnh sửa.

Số còn lại là những biên kịch trẻ bước ra từ các lớp, trung tâm đào tạo biên kịch ngắn hạn. So với trước đây, lứa biên kịch này được huấn luyện bài bản hơn về kỹ thuật viết. Họ có tinh thần của người trẻ, tư duy mới mẻ và hiện đại. Tuy nhiều về số lượng nhưng đa phần các kịch bản của nhóm này đều bị đánh giá là không đặc sắc, thiếu đột phá và chiều sâu. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu hụt về vốn sống, chưa có trải nghiệm.

bk-17216908893561743817721.jpg

Nghề biên kịch luôn đòi hỏi rất nhiều đặc thù. Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bởi thế, không lạ khi trong nhiều trường hợp, giới viết kịch bản vẫn đang bộc lộ rõ những khuyết điểm của mình. Một trong số đó phải kể đến như lời thoại - điểm yếu lớn của điện ảnh Việt Nam. Bị nhận xét là dài dòng, không tự nhiên, thoại trong phim thường lại mang âm hưởng của kịch hơn là đời sống, vì không giống với những gì diễn ra ngoài đời. Không dừng lại đó, việc lặp lại những mô-típ cũ, thiếu sáng tạo về nội dung cũng đang là vấn đề mà biên kịch mắc phải, khiến nhiều nhà sản xuất e dè trước những sản phẩm nội địa.

Và khi "nạn đói" kịch bản chất lượng kéo dài buộc nhiều đạo diễn đành phải kiêm luôn vị trí của biên kịch, tự viết kịch bản cho phim của mình. Nhưng số lượng ấy lại không nhiều. Thành công trong số đó có một vài cái tên nổi bật như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với Cuốc xe đêm (2000), Tro tàn rực rỡ (2022) hay đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đồng thời là biên kịch của Dòng máu anh hùng (2007), Tèo em (2013).

Nhìn ra thế giới, người làm phim phải là người đoán được xu hướng, thậm chí là trở thành người tạo nên xu hướng. Và hơn ai hết, biên kịch với tư cách là người kể chuyện thì càng nên ra sức tìm cách để khơi dậy được sự thích thú của khán giả trước khi cảm xúc của họ chạm đáy.

Giống như, vào thời điểm những năm 2000, hầu hết các bộ phim tình cảm Hàn đều đi theo mô-típ quen thuộc là nhân vật chính sẽ bị ung thư hay nàng Lọ Lem gặp được hoàng tử. Qua thời gian, nhận thấy không thể dậm chân mãi một chỗ, trước khi khán giả cảm thấy nhàm chán, các biên kịch Hàn đã nhanh chóng chuyển hướng khai thác câu chuyện bằng việc thêm vào nhiều hơn những yếu tố hài hước, xây dựng hình tượng nữ chính độc lập, không còn phải phụ thuộc vào người đàn ông bên cạnh và đặc biệt là những kết thúc bất hạnh vì ung thư cũng dần hạn chế. Điều này đã giúp cho phim Hàn không chỉ nở rộ trong nước mà còn tạo tiếng vang ngay cả trên thị trường quốc tế. Đến hiện tại, yếu tố chữa lành và đề tài sinh tồn đang trở thành điểm thu hút khán giả như Chuyến tàu sinh tử (2016), Đảo địa ngục (2017), Thử thách thần chết (2017), Ngày em đẹp nhất (2018)...

Điều ấy cho thấy, chính nhà biên kịch phải luôn đổi mới không ngừng để làm thế nào tạo nên sự độc đáo cho bộ phim của mình, cũng như nắm bắt nhanh chóng thị hiếu của khán giả.

Như nhiều nhận xét, kịch bản tốt là kịch bản đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ thuật. Còn kịch bản hay thì phải gợi được cảm xúc cho người đọc - mà trước hết là ê-kíp sản xuất, những người đầu tiên tiếp cận câu chuyện. Sẽ không có đạo diễn hay nhà sản xuất nào lại từ chối một kịch bản hay nếu biên kịch thể hiện được điều ấy bằng tư duy và những trải nghiệm của mình.

Giải pháp "remake"

Việc không có kịch bản hay buộc lòng các nhà sản xuất phải "trám" lỗ hổng bằng việc tìm mua những kịch bản nước ngoài để remake (làm lại). Nhưng dù sao thì đây cũng chỉ là biện pháp "chữa cháy" tạm thời. Điểm mạnh của phim remake chính là sở hữu một cốt truyện có sẵn. Tuy nhiên, công việc của biên kịch lúc này chỉ là "xào nấu" sao cho "hợp khẩu vị" người Việt Nam, do vậy vị thế của biên kịch giảm đi đáng kể.

(Còn tiếp)

Nghề biên kịch ở Việt Nam (kỳ 1): Gian nan đường vào nghề biên kịch

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022