Chương trình "Ngày trở về" năm nay kỷ niệm tròn 10 năm chương trình phát sóng - Video: VTV
Những lời tâm sự xúc động này là của chị Emma Phạm Thị Chín, một người Việt hiện đang sinh sống tại Australia, từng chia sẻ với chương trình Gala Ngày trở về 2018.
Những nốt trầm xao xuyến
Là một trong nhiều đứa trẻ bị đưa ra nước ngoài trong Chiến dịch không vận trẻ em Babylift diễn ra trước sự kiện 30-4-1975, Emma "là một trong những nhân vật có cuộc đời cay đắng nhất" mà những người làm Gala Ngày trở về từng gặp.
Là một đứa trẻ bị khiếm thị, tuổi thơ của Emma phải trôi dạt qua hàng chục gia đình nhận nuôi và không hề được yêu thương.
Êkip Ngày trở về ghi hình chị Emma Phạm Thị Chín tại Australia - Ảnh: VTV
Ký ức về mùi vị và âm thanh của trại mồ côi ở Việt Nam chính là những ký ức tươi đẹp nhất của Emma, là ký ức chị níu giữ và vịn vào trong suốt cuộc đời mình.
Emma chỉ là một trong số rất nhiều người Việt đang sinh sống tại nước ngoài có một cuộc đời đầy thăng trầm. Còn biết bao nhiêu số phận người Việt khác, mà trong khuôn khổ một chương trình truyền hình, suốt 10 năm qua Ngày trở về đã kể lại để người Việt trong nước hiểu hơn cuộc sống của đồng bào mình ở nước ngoài.
Bác sĩ David Dương Bảo Long sang Mỹ từ nhỏ đã từng xấu hổ vì màu da của mình nhưng sau đó nhờ một cơ duyên anh đã trở về và không ngừng đóng góp cho Việt Nam nhiều năm nay - Ảnh: VTV
Trong chương trình Ngày trở về: Mẹ ơi con là người Việt Nam, kỷ niệm tròn 10 năm Ngày trở về phát sóng, sẽ có nhiều nốt trầm, nhiều dấu lặng khiến khán giả xúc động.
Đó là những người già Việt Nam sống ở trại dưỡng lão ở nước ngoài nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về Việt Nam. Đó là những cô dâu người Việt sống tại Đài Loan luôn tìm cách giữ tiếng Việt cho con. Và những đứa con dẫu trưởng thành vẫn đi tìm người mẹ Việt của mình, chỉ mong một lần trong đời được gọi hai tiếng Mẹ ơi!
Những người Việt để lại dấu chân
Ngày trở về là chương trình của Ban Truyền hình đối ngoại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam), phản ánh cuộc sống của người Việt Nam tại nước ngoài, mối gắn kết bền chắc của người Việt với quê hương.
Những hình ảnh khó quên của Gala Ngày trở về suốt 10 năm qua - Clip: VTV
Suốt chín năm qua, chương trình đã kể không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động, tự hào về người Việt, về tinh thần Việt Nam. Bước vào năm thứ 10, Ngày trở về đã cất công mời về trường quay ba nhân vật rất đặc biệt.
Đó là nhà phát minh, doanh nhân Trần Ngọc Phúc, người đã phát minh ra chiếc máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO). Trước khi có chiếc máy này, tỉ lệ trẻ sinh non ở Nhật tử vong là 90%. Nhờ chiếc máy HFO của ông Phúc, số trẻ sinh non được cứu sống lên tới 97%.
Doanh nhân, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc hiện đang sinh sống tại Nhật Bản. Nhờ những đóng góp của ông cho Nhật Bản, năm 2012 Nhật Hoàng Akihito đã tới thăm công ty của ông - Ảnh: VTV
Lần về Việt Nam ông Phúc sẽ mang đến trường quay phát minh mới: máy thở JFLO dành cho những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Chiếc máy này là máy thở không xâm lấn có chức năng gia ẩm nhỏ nhất thế giới, nhẹ hơn máy thở bình thường 10 lần.
Nhân vật thứ hai là "Việt kiều té giếng" TS Nguyễn Thanh Mỹ. Người đàn ông này sau khi gây dựng một sự nghiệp thành công tại Canada, đã về Việt Nam khởi nghiệp ở tuổi 60.
Cá nhân tôi cũng giống nhiều người Việt Nam khác, khi mình sống ở nước ngoài, mình luôn nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam, làm điều gì tốt hơn cho đất nước.
TS Nguyễn Thanh Mỹ
TS Nguyễn Thanh Mỹ đã phát triển hệ thống giám sát sâu rầy, quan trắc nước thông minh. Ông dự kiến sẽ phát triển 1.000 trạm giám sát trên cả nước.
Hệ thống giám sát này sẽ báo về máy điện thoại di động cho nông dân tỉ lệ sâu rầy trên đồng ruộng, nên phun thuốc trừ sâu thời điểm nào, liều lượng bao nhiêu. Nhờ hệ thống này có thể giảm thiểu thuốc trừ sâu cho đồng ruộng.
Từ trái qua: Phó trưởng phòng TIếng Anh của VTV4 Lê Hoàng Linh, nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, TS Nguyễn Thanh Mỹ, TS Lê Tùng Linh - Ảnh: VTV
Nhân vật thứ ba là TS Lê Tùng Linh, người đã chế tạo sản phẩm lót giầy Bonbouton từ vật liệu Graphene. Chiếc lót giầy cảm biến này có thể cảm nhận được những thay đổi ở chân của người bị tiểu đường và sớm đưa thông tin cảnh báo để bệnh nhân tránh bị hoại tử chân.
Sản phẩm này đã nhận được khoản đầu tư một triệu USD Mỹ của Quỹ đầu tư khoa học quốc gia của Mỹ (National Science Foundation) và chiến thắng giải thưởng toàn cầu về thiết bị mang trên người đột phá năm 2017.
Cho đến cuối cùng, tôi vẫn nghĩ tôi là người Việt Nam, điều đó luôn nằm trong máu tôi. Nếu không có kỷ niệm về Việt Nam, tôi sẽ không đủ mạnh mẽ được như bây giờ để sống ở nước ngoài.
TS Lê Tùng Linh
Gala Ngày trở về: Mẹ ơi con là người Việt Nam! phát sóng lúc 01h ngày 25-1 (mùng 1 tết) trên VTV4 và 20h05 ngày 27-1 (mùng 3 tết) trên kênh VTV1.
"Với chúng tôi hành trình đi kể hết những câu chuyện về người Việt xa xứ giống như một cuộc chặng đường khám phá bản thân mình, để những suy tư, triết lý của họ thấm sâu hơn vào trong tâm khảm, để có dịp soi chiếu lại chân giá trị của người Việt Nam mà họ đã thức tỉnh cho mình, để rồi chợt nhận ra trong niềm thương yêu vỡ òa: Mẹ ơi, con tự hào là một người Việt Nam.
Hành trình đó vẫn sẽ tiếp tục vì chúng tôi hiểu rằng ở ngoài kia còn biết bao câu chuyện xứng đáng để kể, biết bao số phận làm mình rưng rưng, biết bao bài học mình phải trân trọng và vô vàn những cung bậc của giá trị Việt mình cần phải gìn giữ, để ở bất cứ nơi chân trời góc bể nào, người Việt xem và đọc được cũng luôn tìm được một mảnh tâm hồn mình ở trong đó", biên tập viên Lê Hoàng Linh chia sẻ trong ấn phẩm đặc biệt kỉ niệm 10 năm Gala Ngày trở về - cuốn sách Ngày trở về: Mẹ ơi con là người Việt Nam!
TTO - Người Việt chỉ cần cù, chịu thương chịu khó, hay người Việt còn có tinh thần mạo hiểm, dám giong buồm đón gió ra khơi? Trong quá trình tìm kiếm câu trả lời, êkíp "Ngày trở về 2018" đã tìm thấy nhiều bất ngờ.