LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) với khẩu hiệu "Điện ảnh: Sáng tạo - Cất cánh" sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 11/11 tới đây. Đây là sự kiện văn hóa nghệ thuật, tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo nổi bật, độc đáo của quốc tế và Việt Nam.
Dự kiến sẽ có 117 bộ phim từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự; sẽ có khoảng 800 đại biểu trong nước và quốc tế, cùng 100 tình nguyện viên tham gia.
Từ 117 phim khắp thế giới
Theo ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng BTC HANIFF VII) thì hội đồng sơ tuyển phim đã làm việc từ tháng 3/2024, đã tuyển chọn từ hơn 500 phim dài và phim ngắn gửi đến.
Tính đến ngày 29/10, đã chọn được tổng số phim tham dự vào các chương trình của HANIFF VII là 117 phim (bao gồm 65 phim nước ngoài và 52 phim Việt Nam). Chương trình phim dài dự thi gồm 11 phim (10 phim từ các nền điện ảnh trên thế giới và 1 phim Việt Nam, là phim Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) và được chọn chiếu khai mạc liên hoan.
Poster chính thức của LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Ảnh: BTC
Chương trình phim ngắn dự thi gồm 19 phim, trong đó có 11 phim ngắn bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình có độ dài dưới 60 phút từ các nền điện ảnh trên thế giới; 8 phim ngắn Việt Nam.
Chương trình toàn cảnh điện ảnh thế giới gồm 39 phim, trong đó có 24 phim dài và 15 phim ngắn từ các nền điện ảnh trên thế giới. Chương trình tiêu điểm điện ảnh một quốc gia: "Điện ảnh Đức" gồm 6 phim...
Năm nay, ngoài Trung tâm Chiếu phim quốc gia, phim sẽ được chiếu tại một số rạp của CGV, BHD… Điểm mới tại HANIFF VII còn là việc tăng cường các sự kiện tương tác với công chúng. Hai đêm giao lưu phim (cineshow) dự kiến tổ chức tại phố đi bộ sẽ là không gian mở, thu hút công chúng cùng xem phim và giao lưu, gặp gỡ các đoàn phim, các nghệ sĩ điện ảnh.
Cũng theo ông Vi Kiến Thành, hạng mục phim dự thi được tuyển chọn từ tất cả các nền điện ảnh trên thế giới, với điều kiện các phim chưa từng dự thi tại một LHP quốc tế nào ở châu Á đối với phim truyện.
Cảnh trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình”. Ảnh: ĐPCC
Trong khuôn khổ HANIFF VII có Chợ dự án được tổ chức từ ngày 8 đến 10/11 tại khách sạn Daewoo Hà Nội. Có 8 dự án tham gia, trong đó có 4 dự án phim nước ngoài thuộc các nước Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bangladesh, 4 dự án phim Việt Nam.
Hai cuộc hội thảo được tổ chức với chủ đề Tiêu điểm điện ảnh Đức vào ngày 8/11 và Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học vào ngày 9/11.
Triển lãm Các di sản của Việt Nam được UNESCOcông nhận - Trải nghiệm qua các thước phim điện ảnh do Viện Phim Việt Nam phối hợp tổ chức sẽ khai mạc vào lúc 11h ngày 7/11, kéo dài tới 11/11 tại khách sạn Daewoo Hà Nội.
Trailer giới thiệu LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VII:
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII - HANIFF VII. Nguồn: BTC
Đến điểm nhấn phim Việt Nam
Ban tổ chức HANIFF VII cho biết, cùng với dấu ấn đậm nét bên cạnh "đại tiệc" phim là các sự kiện quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ông Vi Kiến Thành chia sẻ: Ngày xưa có một chuyện tình của Trịnh Đình Lê Minh là phim Việt Nam duy nhất tham gia "đường đua" phim dài dự thi tại HANIFF VII năm nay.
Ngọc Xuân - nữ chính phim "Ngày xưa có một chuyện tình”. Ảnh: ĐPCC
Đây là bộ phim đang được khán giả chào đón, như mở ra loạt phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào dịp cuối năm 2024. Sau hơn 1 tuần khởi chiếu, tuy không đạt doanh thu "khủng" như các phim chuyển thể trước đó, nhưng phim nhận phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn bởi được đánh giá dung dị, đong đầy cảm xúc, phần hình ảnh đầy tính hoài niệm. Nhiều khán giả cho rằng Ngày xưa có một chuyện tình tương đối nổi bật so với mặt bằng phim Việt Nam trong năm 2024.
Bên cạnh đó, HANIFF VII còn có 8 phim ngắn dự thi của Việt Nam, gồm Cây ổi thiên đường, Đi về phía mặt trời, Giấc mơ làm du lịch của người bản địa Tây Nguyên, Linh ảnh, Nguồn cội, Người ơi đừng khóc cuối đường, Nụ cười, Tẹo.
Chương trình phim Việt Nam đương đại gồm 34 phim, trong đó có 12 phim ngắn (tài liệu, hoạt hình), 22 phim truyện. Chương trình phim về Hà Nội, kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm 9 phim Việt Nam, trong đó có 4 phim truyện, 1 phim tài liệu và 4 phim hoạt hình.
Chương trình phim Việt Nam đương đại, từ những phim đoạt giải quốc tế như Bên trong vỏ kén vàng cho đến những phim từng "làm mưa làm gió" rạp chiếu như Mai, Nhà bà Nữ... hoặc những phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất như Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ...
Các phim Việt Nam chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm có 9 phim, trong đó có 4 phim truyện là Em bé Hà Nội, Truyện cổ tích cho tuổi 17, Hà Nội mùa Đông năm 46, Long Thành cầm giả ca; 1 phim tài liệu là Hà Nội trong mắt ai; 4 phim hoạt hình là Sự tích đền Voi Phục, Truyền thuyết gươm thần, Nữ tướng Mê Linh, Sự tích đền Bạch Mã.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) diễn ra từ ngày 7 đến 11/11. Lễ khai mạc vào tối 7/11 tại Nhà hát Hồ Gươm. Chương trình thảm đỏ tại khuôn viên phía trước Nhà hát Hồ Gươm sẽ là nơi quy tụ những gương mặt điện ảnh, các đoàn làm phim trong nước và quốc tế… Lễ bế mạc và trao giải vào tối 11/11 sẽ vinh danh các nghệ sĩ, tác phẩm điện ảnh xuất sắc ở các hạng mục dự thi.