Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 - 2025 đã khép lại với giải Phim châu Á hay nhất thuộc về "Giao dịch miền biên giới" của Kyrgyzstan và Phim Việt Nam hay nhất thuộc về "Chị dâu" của Việt Nam.
Phát biểu Lễ bế mạc Liên hoan phim, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim nhấn mạnh, DANAFF III không chỉ là cuộc trình diễn của hơn 100 bộ phim đến từ nhiều quốc gia trong khu vực, đem đến cho công chúng những tác phẩm điện ảnh xuất sắc mà còn minh chứng cho sức mạnh kết nối diệu kỳ của nghệ thuật thứ bảy. Tại đây, những biên giới, khoảng cách địa lý đã được xóa nhòa bởi tiếng nói chung của sự sáng tạo, lòng nhân ái và khát vọng kể chuyện.
Thành phố Đà Nẵng tự hào khi được trở thành điểm hẹn mới của điện ảnh châu Á - nơi những câu chuyện, những khát vọng và những giá trị nhân văn được sẻ chia và lan tỏa qua ngôn ngữ của hình ảnh và cảm xúc.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim
"Chúng tôi tin tưởng rằng trong hành trình phát triển, Đà Nẵng không chỉ là nơi tổ chức Liên hoan phim mà còn là bối cảnh, là điểm đến là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm điện ảnh châu Á và thế giới" - bà Nguyễn Thị Anh Thi nhấn mạnh thêm.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức, Giám đốc Liên hoan phim - cho biết, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025 đã đạt được hai mục tiêu quan trọng là tôn vinh di sản điện ảnh quý giá và phát hiện, khích lệ, hỗ trợ các tài năng trẻ.
"Những gì diễn ra ở DANAFF III cho thấy sự phát triển cả về quy mô, nội dung chương trình và chất lượng nghề nghiệp. Tổng số phim trình chiếu trong DANAFF III lên đến 106 phim so với 46 phim của DANAFF I 63 phim của DANAFF II; số buổi chiếu phim lên đến 200 so với 100 buổi của mùa trước; một chương trình phim vừa được mở là "Toàn cảnh điện ảnh Châu Á". Và, bên cạnh các hạng mục giải thưởng đã hiện diện ở hai mùa trước là Giải Phim Châu Á dự thi, Giải Phim Việt Nam dự thi, Giải NETPAC và Giải Khán giả cho chương trình "Điện ảnh Việt Nam hôm nay", tại DANAFF III, lần đầu tiên có Giải của các nhà phê bình cho phim Châu Á xuất sắc trong chương trình "Toàn cảnh điện ảnh Châu Á". Đặc biệt, DANAFF III đã công chiếu quốc tế lần đầu 11 bộ phim Châu Á và nhiều phim VN, khẳng định uy tín của LHP khi được các nhà làm phim lựa chọn gửi gắm "đứa con vừa chào đời" của mình" - TS Ngô Phương Lan phát biểu.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức, Giám đốc Liên hoan phim
Tiến sĩ Ngô Phương Lan nhấn mạnh: DANAFF III cũng vinh dự được bà Tổng Giám đốc UNESCO đến dự và công bố DANAFF là "Sự kiện kỷ niệm 20 năm Công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa".
"Đây là sự khích lệ để Ban tổ chức DANAFF vững bước trên hành trình bảo vệ giá trị nhân văn và phát huy sáng tạo đa dạng, hướng đến sự phát triển của điện ảnh trong kỷ nguyên mới" - TS Ngô Phương Lan bày tỏ.
Năm nay quy mô của DANAFF được mở rộng, qua thời gian kéo dài từ 5 ngày so với hai kỳ trước, thành 7 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi, với nhiều chương trình chiếu phim đặc sắc: "Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh", "Tiêu điểm điện ảnh Hàn", "Phim châu Á & Việt Nam toàn cảnh, cùng gần 200 buổi chiếu phim thu hút khán giả yêu điện ảnh tại nhiều cụm rạp.
Ba hội thảo quốc tế chuyên đề về bồi dưỡng tài năng trẻ, học hỏi kinh nghiệm thành công của điện ảnh Hàn và dấu ấn phim chiến tranh Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước đã quy tụ đông đảo thế hệ nhà làm phim danh tiếng trong nước và quốc tế, có đóng góp to lớn cho nền điện ảnh; các nhà phê bình, chuyên gia điện ảnh, nhà nghiên cứu lý luận với góc nhìn chuyên sâu, tạo nên diễn đàn trao đổi sôi nổi và nhiều cảm xúc, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn để xây dựng một nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, hiện đại nhưng giàu bản sắc và ghi dấu ấn với thế giới.

Quang cảnh Lễ bế mạc LHP châu Á Đà Nẵng lần 3 - 2025
Chương trình DANAFF Talents chắp cánh cho tài năng trẻ điện ảnh Việt Nam và châu Á qua lớp diễn xuất "Ươm mầm tài năng" với 52 gương mặt triển vọng, "Vườn ươm dự án" với 14 dự án phim châu Á và Lớp học chuyên sâu "Master Class" cũng đã để lại những dấu ấn đặc biệt với sự hướng dẫn của những chuyên gia hàng đầu của điện ảnh Việt và thế giới.
Quan trọng nhất, hai hạng mục Phim châu Á và Phim Việt Nam dự thi đã tạo nên cuộc tranh tài đặc sắc với nhiều tác phẩm trong và ngoài nước. Năm nay, số lượng phim dự thi cũng tăng, trong đó có nhiều phim lựa chọn DANAFF là nơi công chiếu đầu tiên và ra mắt quốc tế.
Tại Lễ trao giải, Phim châu Á hay nhất thuộc về "Giao dịch miền biên giới" của Kyrgyzstan. "Deal at the Border" (Giao dịch miền biên giới) là bộ phim của đạo diễn Dastan Zhapar Ryskeldi, được lấy cảm hứng từ những ký ức thời thơ ấu có thật của người anh trai - đồng thời là biên kịch kiêm đạo diễn phim, Aktan Ryskeldiev. Phim kể về hành trình của hai người vận chuyển ma túy, Aza và Samat, tái hiện không khí căng thẳng, nguy hiểm của vùng biên giới, đồng thời lồng ghép các yếu tố văn hóa và xã hội của Kyrgyzstan.

Giải Phim châu Á dự thi hay nhất được trao cho bộ phim "Giao dịch miền biên giới"
Ở hạng mục phim Việt Nam dự thi, Chị dâu của đạo diễn Khương Ngọc được gọi tên như một trong những tác phẩm nổi bật nhất mùa giải năm nay với 3 giải thưởng quan trọng tại hạng mục Phim Việt Nam dự thi: Phim Việt Nam hay nhất, Kịch bản xuất sắc, Nữ diễn viên chính xuất sắc, bên cạnh đó là giải đặc biệt do Mạng lưới khuyến khích điện ảnh Châu Á (NETPAC) trao cho một phim Việt Nam nổi bật.

Đạo diễn kiêm diễn viên Khương Ngọc (giữa) không giấu được xúc động khi 4 lần lên sân khấu nhận giải
Là một bộ phim tâm lý - gia đình, Chị dâu ghi điểm nhờ câu chuyện nhiều tầng lớp, diễn xuất tinh tế và cách kể dung dị nhưng cảm xúc. Đạo diễn Khương Ngọc xúc động chia sẻ: "Thực sự chưa bao giờ nghĩ là sau nhiều lần thất bại thì mình lại có cơ hội đứng trên sân khấu nói những lời như hôm nay".

Poster phim "Chị dâu"
Cùng với Chị dâu, nhiều tác phẩm Việt khác cũng gây ấn tượng: Victor Vũ đoạt giải Đạo diễn xuất sắc với Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu, Tuấn Trần nhận giải Nam chính xuất sắc nhờ màn thể hiện xuất sắc trong Làm giàu với ma. Hai bộ phim hoạt hình dài Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết về Kim Ngưu và Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội cũng lần lượt được vinh danh bởi giải thưởng từ Ban giám khảo và khán giả.


Đạo diễn Victor Vũ nhận giải Đạo diễn xuất sắc

Tuấn Trần tự hào nâng cúp Nam chính xuất sắc tại lễ trao giải DANAFF III
Đặc biệt, Mưa trên cánh bướm - phim Việt duy nhất tranh giải ở hạng mục Phim châu Á, được trao Giải đặc biệt của Ban giám khảo.
Các giải thưởng chính tại DANAFF III
Phim Việt Nam dự thi
Phim Việt Nam hay nhất: Chị dâu
Kịch bản xuất sắc: Toto Chan, Kim, Khương Ngọc (Chị dâu)
Diễn viên nữ chính xuất sắc: Việt Hương (Chị dâu)
Diễn viên nam chính xuất sắc: Tuấn Trần (Làm giàu với ma)
Đạo diễn xuất sắc: Victor Vũ (Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu)
Giải đặc biệt BGK: Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết về Kim Ngưu
Phim châu Á dự thi
Phim hay nhất: Giao dịch miền biên giới (Deal at the Border, Cộng hòa Kyrgyzstan)
Kịch bản xuất sắc: Ladan Shirmard, Ebrahim Azizi (Dính chàm / Muddy Foot, Iran)
Diễn viên nữ chính xuất sắc: Nurzhan Beksultanova (Abel, Kazakhstan)
Diễn viên nam chính xuất sắc: Kang-sheng Lee - phim Con mắt người lạ / Stranger Eyes, Singapore - Đài Loan (Trung Quốc)
Đạo diễn xuất sắc: Guan Hu (Hắc Cẩu / Black Dog, Trung Quốc)
Giải đặc biệt BGK: Mưa trên cánh bướm (Don't Cry Butterfly, Việt Nam - Singapore - Philippines - Indonesia)
Các giải khác
Giải phê bình phim Châu Á (chương trình "Toàn cảnh điện ảnh châu Á"): Ngày Chủ Nhật (Sunday, Uzbekistan)
Giải khán giả bình chọn cho phim Việt Nam: Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm lầy lội
Giải NETPAC cho phim Việt Nam xuất sắc: Chị dâu