nha-ba-nu-15583488-17306933130371503066148.jpg

Nhà bà Nữ bị chỉ trích vì "chửi thề vô tội vạ" - Ảnh: ĐPCC

Không chỉ những năm gần đây phim có cốt truyện nhẹ nhàng, chứa đựng thông điệp nhân văn từng chiếm cảm tình của thế hệ trước hay gây sốt tại các liên hoan phim quốc tế... lại kén người xem.

Xu hướng này không mới. Phim nghệ thuật, nhân văn dường như đang không thể cạnh tranh với những phim ồn ào, nhiều tiếng chửi và ngập tràn drama ở rạp Việt.

Yếu tố nhân văn, nghệ thuật và xu hướng giải trí đơn thuần phải chăng đang mâu thuẫn trong thị hiếu khán giả Việt Nam?

Nghệ thuật hay giải trí kiểu kinh dị hoặc Trấn Thành?

Vừa qua nhiều phim gây sốt thế giới liên tục đổ bộ rạp Việt. Nổi bật trong số đó phải kể đến The wild robot (Robot hoang dã).

robot-hoang-da-read-only-173068658284447797595.jpg

Robot hoang dã đề cao tình mẫu tử thiêng liêng - Ảnh: IMDb

Tác phẩm của DreamWorks công chiếu tại khai mạc Liên hoan phim quốc tế Toronto gây ấn tượng mạnh mẽ. Tờ Deadline gọi đây là viên ngọc quý của điện ảnh hiện đại và mạnh dạn đoán phim sẽ trở thành kinh điển.

Trước khi công chiếu, Robot hoang dã được các tờ báo lớn như The Hollywood Reporter, Vanity Fair... dự báo là ứng cử viên nặng ký tranh giải hạng mục Hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar năm tới.

Ở thị trường quốc tế, Robot hoang dã bỏ túi 233 triệu USD và vẫn đang giữ phong độ ổn định dù đã phát hành một tháng. Ấy vậy mà khi chiếu rạp Việt, phim chỉ thu vỏn vẹn 26 tỉ đồng.

co3213213llage-173026455277868929023.png

Cám và Tee yod: Quỷ ăn tạng là hai phim kinh dị gần nhất gây sốt phòng vé - Ảnh: CGV

Phải chăng khi cuộc sống ngày càng áp lực, dòng phim đời sống và kinh dị đang đáp ứng được nhu cầu xả stress thay vì hướng thiện hay suy ngẫm. Bằng chứng là Tee yod: Quỷ ăn tạng 2, Ma da, Làm giàu với ma, Cám đạt mốc doanh thu trăm tỉ.

Những năm qua, Trấn Thành liên tục có Bố già, Nhà bà NữMai lần lượt gặt hái kỷ lục doanh thu phòng vé, đưa anh đến danh hiệu "đạo diễn ngàn tỉ" nhờ khai thác đề tài gia đình và mâu thuẫn gần gũi với đời sống.

Nhà bà Nữ của Trấn Thành dùng quá nhiều những từ chửi thề kiểu "mẹ mày", "thằng chó", "mày biết mẹ gì mà nói"... liên tục văng ra từ miệng các nhân vật.

Hay phim Mai gắn nhãn 18+, Trấn Thành cũng không ngần ngại đưa vào thoại các từ tục và các cảnh tình dục táo bạo.

nha-ba-nu-read-only-17306865828371924967743.jpg

Nhà bà Nữ ngập tràn drama, lời lẽ chửi thề, ồn ào - Ảnh: ĐPCC

Với phản ứng của dư luận, Trấn Thành chia sẻ: "Nếu ai đó nói phim tôi chửi thề nhiều thì đôi khi người đó thật sự chưa xem một cách thoải mái. Quý vị đi ra đường, đâu đó mình cũng nghe những âm thanh đó mà phải không ạ?

Đó là hơi thở cuộc sống, là văn hóa của con người. Ngày xưa chúng ta từng nói phim có giang hồ mà không một câu chửi thề, không giống giang hồ gì hết trơn".

Mặc cho những tranh cãi bủa vây, phim của Trấn Thành cứ tăng doanh thu vù vù ngoài rạp. 

Mới đây khán giả cũng hào hứng khi Trấn Thành ra mắt dự án Bộ tứ báo thủ cho dịp Tết 2025, poster đầu tiên cho thấy toàn gà bay chó chạy, hứa hẹn cũng sẽ là phim hài náo loạn ngoài rạp.

Rõ ràng khán giả Việt đang tìm kiếm yếu tố "gây sốc" để tăng tính giải trí.

z59816783942467144b9d86a1290eada2745532e555141-1730265001215608918570.jpg

Người dân thường xuyên tiêu thụ nội dung ngắn trên TikTok - Ảnh: T.T.D

Nguyên nhân do đâu?

Thị hiếu khán giả Việt đương đại như trên có thể đến từ nhiều lý do. Nhịp sống và thói quen tiêu thụ nội dung ngắn kiểu "mì ăn liền" như TikTok khiến con người dễ bị cuốn theo những trải nghiệm nhanh, ngắn gọn và dễ tiêu hóa.

Do vậy, để thu hút sự chú ý, không ít đạo diễn, nhà sản xuất chọn cách "thỏa hiệp" để làm phim dễ tiếp cận hơn.

Họ tạo ra kịch bản với tình tiết dồn dập, các nhân vật được xây dựng theo khuynh hướng khắc nghiệt hơn, đối đầu nhiều hơn, nhằm cho khán giả trải nghiệm "đủ đô".

Phim thắng giải tại các LHP quốc tế nhưng không thành công doanh thu trong nước cũng dễ hiểu. Bởi các tác phẩm này thường có tính nghệ thuật cao, mang nhiều tầng ý nghĩa, đòi hỏi người xem cần phải tư duy và cảm nhận sâu sắc.

Ngược lại, phim chiếu rạp phục vụ mục tiêu giải trí thuần túy hơn. Không có nghĩa là khán giả không trân trọng nghệ thuật, nhưng có thể họ không đủ thời gian hoặc không quen thuộc với cách thưởng thức những câu chuyện đòi hỏi suy ngẫm sâu sắc.

colla213213213ge-17297472584611311562977-5-0-581-1100-crop-17297472875421454281576-1730264799774551341542.png

Trấn Thành tung hình ảnh phim Tết Bộ tứ báo thủ, toàn gà bay chó chạy - Ảnh: ĐPCC

Ngoài ra vấn đề có lẽ còn nằm ở cách truyền thông. Những phim có yếu tố giật gân, drama dễ dàng tạo hiệu ứng trên mạng xã hội, nơi người xem có thể bàn luận, tranh cãi và thậm chí "truyền miệng" miễn phí cho phim.

Sự lan tỏa này tạo sức hút lớn hơn cho các phim giải trí so với phim nghệ thuật, vốn thường chỉ truyền tải bằng cảm xúc tinh tế, không dễ tóm gọn trong những dòng tin ngắn hay các bài đăng giật gân.

Và việc cân bằng giữa yếu tố thương mại và giá trị nghệ thuật vẫn là thách thức lớn với điện ảnh Việt Nam và thế giới nói chung.

May vẫn có những dấu hiệu lạc quan khi một bộ phận khán giả trẻ dần bày tỏ quan tâm tới phim nghệ thuật và phim độc lập.

Những Liên hoan phim quốc tế hay các buổi chiếu dành riêng cho phim nghệ thuật vẫn thu hút số khán giả nhất định, cho thấy tiềm năng phát triển và cơ hội thay đổi thị hiếu trong tương lai.

Không chỉ phim quốc tế, kể cả phim Việt đoạt giải ở các Liên hoan phim vẫn rơi vào tình cảnh thất thu ở phòng vé Việt. Muôn vị nhân gian của Trần Anh Hùng, Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân thắng giải ở Liên hoan phim Cannes nhưng chỉ thu được 3 tỉ đồng và 1,4 tỉ đồng.

Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên thắng giải tại Liên hoan phim Ba Châu Lục, nhận đề cử tại Liên hoan phim Tokyo, chỉ thu hơn 4 tỉ đồng khi chiếu thương mại trong nước.

Sắp tới đây, Cu li không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân hay Mưa trên cánh bướm của Dương Diệu Linh đoạt giải ở Liên hoan phim Berlin, Venice nhưng ra rạp Việt thì doanh thu cũng khó nói là lạc quan.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022