Đón mùa Xuân và Tết Giáp Thìn, ca sĩ Mỹ Tâm ra mắt MV animation mang tên Cố hương. MV được giới thiệu ngày 22/1/2024 trên kênh YouTube My Tam với 2,41 triệu người đăng ký. Tính đến tối 29/1, tức là sau 1 tuần phát hành, MV Cố hương thu hút được gần 300 nghìn lượt xem, 8,4 nghìn lượt thích và 570 bình luận.
Không ồn ào như nhiều sản phẩm âm nhạc "mùa" Tết 2024 này nhưng Cố hương mang những giá trị riêng rất đáng để thưởng thức.
Trong cổ có kim
Đấy là ý nghĩ vui vui của tôi khi tiếp cận sản phẩm mới mang tên Cố hương của Mỹ Tâm. Không hiểu có phải do tôi hơi cổ lỗ hay không nhưng khi nhìn vào cái tên, lập tức những suy nghĩ hiện lên trong tôi đây là bài hát cũ, nói những chuyện cũ, theo phong cách cũ…
Trên bình diện chung của nhạc đại chúng dành cho giới trẻ giai đoạn hiện nay, cái tên ca khúc có vẻkhông hấp dẫn lắm. Nhưng bởi vì Cố hương là sản phẩm của Mỹ Tâm, là sáng tác của Vũ Quốc Việt nên tôi vẫn muốn thử xem trong đó có gì.
Hình ảnh hoạt hình trong MV “Cố hương” tràn ngập không khí Tết
Trong cái tưởng như cũ ấy lại chứa đựng nhiều điều mới. Trước tiên là MV được thể hiện theo phong cách hoạt hình, tạo nên nét riêng giữa "bạt ngàn" các sản phẩm âm nhạc Tết - Xuân 2024.
Nhà sản xuất âm nhạc củaCố hươnglà DTAP, một tên tuổi quen thuộc với các sản phẩm âm nhạc đại chúng. Hòa âm phối khí là Tùng Cedrus, thành viên của DTAP. Chỉ cần nhìn những cái tên này ta đã thấy âm nhạc của Cố hươngchắc chắn sẽ thuộc về tai nghe và thẩm mỹ nghe nhạc đương thời.
Cố hương mang thông điệp "trở về". Đó là câu chuyện dành cho những đứa con vì "miếng cơm manh áo", vì cuộc sống mưu sinh, vì tương lai của gia đình mà phải đi xa nhà. Và dù có đi xa đến đâu thì cứ khi Tết đến Xuân về, tất cả sẽ lại trở về, sum vầy bên gia đình, cùng nhau đón một cái Tết thật đủ đầy, ấm áp.
Với thông điệp ấy, tưởng chừng như tính chất âm nhạc Cố hương sẽ thiên về trữ tình, "đánh" vào tâm lý của rất nhiều khán giả là những người đi làm ăn xa, hay không ở chung cùng đấng sinh thành. Ấy thế nhưng, thông qua bản hòa âm và cách thể hiện của ca sĩ chủ nhân MV, Cố hương lại mang âm hưởng rộn ràng. Và như thế, nó cũng là một sự pha trộn giữa hoài niệm và thực tại.
MV Animation “Cố hương” của Mỹ Tâm
Phần hòa âm được khai thác theo dòng âm nhạc điện tử, vốn phổ biến trong âm nhạc dành cho giới trẻ hiện nay. Nhạc sĩ đảm nhận phần hòa âm đã khai thác đậm nét những âm thanh thể hiện tiếng nhạc cụ dân tộc từ đàn tranh đến nhạc cụ gõ truyền thống. Chính điều này cũng thể hiện sự đan xen giữa cổ với kim.
"Nhạc sĩ đảm nhận phần hòa âm "Cố hương" đã khai thác đậm nét những âm thanh thể hiện tiếng nhạc cụ dân tộc, từ đàn tranh đến nhạc cụ gõ truyền thống" - nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Lối sáng tác đương thời
Cố hương có giai điệu khá bắt tai. Trong khi, bố cục của ca khúc cũng theo lối chuẩn mực, gọn gàng với 2 phần chính là phần mở đầu và đoạn điệp khúc - tức là cao trào của tác phẩm.
Điểm khiến tôi cảm thấy thích thú ở ca khúc này chính là ca từ, dù không biết chính xác đây là ca khúc mới toanh hay đã có từ trước của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt. Khả năngCố hươngmới được sáng tác trong thời gian gần đây, hoặc lâu nhất là trên dưới 5 năm thôi.
Sở dĩ như vậy là bởi trong ca từ, tác giả đã rất chú trọng đến cách gieo vần giữa các câu văn, tạo một sự liên kết về âm vần, khiến cho ca khúc trở nên dễ nhớ. Điều này được thể hiện trong toàn bộ ca khúc. Cho nên có thể coi đây là 1 trong những thủ pháp chính được áp dụng trong quá trình sáng tác Cố hương.
"Trên đường về quê hương/ Nặng trĩu hành lý với niềm nhớ thương/ Làn mây cố hương vấn vương bên đường/ Đời tha hương có khi lạc hướng". Cách gieo vần ở mỗi cuối tiết nhạc, tương ứng với một đoạn ca từ ngắn ở đây là vần ương và giữa các từ, nhất là lần 1 và 2, lần 3 và 4 có sự liên kết với nhau về mặt ý nghĩa.
MV thể hiện cảnh những chuyến xe đò trong niềm vui ngày trở về
Ở phần ca từ tiếp theo, cách gieo vần được chia nhỏ hơn. Chẳng hạn thay vì gieo vần liên tiếp 4 lần thì ở đây chỉ 2 lần. Lần một là vần a, cụ thể: "Bao năm được gì ở chốn xa/ Được đó mất đó, thắng thua chỉ là". Lần hai là vần e, cụ thể: "Buồn có vui có nhớ cha thương mẹ/ Dù là ai cũng mong được về quê"
Mạch chuyện tiếp tục được kể, thủ pháp gieo vần trong ca từ tiếp tục được triển khai: "Có những ngày nhớ quê vô cùng/ Ước một lần chúng ta tương phùng/ Gặp đồng hương gặp lại người thương/ Mừng vui ta ôm nhau mắt vương lệ nhòa"…
Có thể nói, gieo vần là một đặc trưng đã có từ hàng trăm năm trong sáng tác thơ ca, âm nhạc của dân tộc ta. Tuy nhiên, nó phần lớn chỉ được hiện hữu trong các tác phẩm sáng tác theo lối truyền thống dân tộc. Tức là nó thuộc về truyền thống.
Mặt khác, gieo vần cũng là một đặc trưng của lối sáng tác rất mới trong âm nhạc của giới trẻ hiện nay. Đặc biệt là trong nguyên tắc sáng tác nhạc rap, cách gieo vần là yêu cầu tối quan trọng. Các rapper chỉ được công nhận là thuộc về thế giới của rap khi bước qua yêu cầu tối thiểu đồng thời cũng là tối quan trọng, đó là biết cách gieo vần.
Cũng vì thế, lối gieo vần gần như chỉ xuất hiện trong âm nhạc đại chúng thời gian gần đây, khi dòng nhạc underground thức giấc và trỗi dậy. Nó hầu như không phải là một dấu ấn trong sáng tác của các nhạc sĩ dòng nhạc trẻ thế hệ đầu 8x, 7x.
Điều này cho thấy, trong các sáng tác của mình, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt cũng có những sự chuyển động nhất định và sự chuyển động này hướng nhạc sĩ đi về phía khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, những công chúng nghe nhạc của giai đoạn hiện nay.
Truyền cảm hứng tích cực
"Có người thành công/ Có người về không/ Có người buồn trông…" là câu hát khiến nhiều khán giả của Mỹ Tâm cảm thấy nao lòng.
TK @hungthuylinhnguyen5846 để lại bình luận: "Đoạn chuyển giữa bài hát có 3 câu thật nghẹn ngào và giai điệu nhiều tình cảm: Có người thành công/ Có người về không/ Có người buồn trông. Chân thật và nhiều tình thương". "Em cám ơn chị Mỹ Tâm. Nghe (Cố hương) thật sản khoái và đúng tâm trạng" - TK @vothingochuyen2612 để lại bình luận và cho biết thêm: "Em là một cô gái đang vượt qua bức tường an toàn, đi xây ước mơ".
"Nghe đoạn rạo rực háo hức về quê, đoạn gặp người thân xúc động dâng trào, đoạn niềm tin tươi sáng mãnh liệt"- TK @nghiemxuanhuynh395 bình luận. TK @Hongquyen1902 cũng chất chứa tâm sự: "Những ngày cuối năm, với những cảm xúc hỗn độn, những mệt mỏi chất chứa mà nghe được những ca từ chữa lành, giọng hát cảm xúc của chị cũng thấy nhẹ nhàng hơn. Chỉ mong bản thân sẽ thật mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn… Cũng sắp được về quê rồi. Cố lên". TK @thongvo7360 ngắn gọn: "Đang tuột mood (cảm xúc), nghe bài này xong tích cực lại".
Đôi khi chỉ cần những điều nho nhỏ như thế thôi, như một niềm an ủi, động viên, như một chỗ dựa, như một ngọn lửa tiếp thêm vào một ngọn lửa khác, giúp nó bùng lên to hơn… Như thế, một ca khúc đã hoàn thành sứ mệnh làm đẹp cho đời của mình. Ca sĩ và tác giả, những người mang đến những ngọn lửa nhỏ, những thông điệp đẹp tươi đã hoàn thành trọng trách của mình với công chúng trong tác phẩm ấy.
Ê-kíp MV"Cốhương"- Mỹ Tâm
Đơn vị sản xuất: MT Entertainment
Sáng tác: Vũ Quốc Việt
Sản xuất âm nhạc: DTAP
Hòa âm phối khí: Tùng Cedrus (DTAP)
Mix - Master: Kidz Nguyễn – SDOG
Phòng thu: Out Of Space Dtudio
Đơn vị thực hiện MV: Suzu Studio
Đạo diễn: Lưu Nguyễn Tiến Đạt
Biên kịch: Lê Ngọc
Sản xuất: Mỹ Yên
Kịch bản phân cảnh: Lưu Nguyễn Tiến Đạt
Thiết kế nhân vât: La Nhân
Thiết kế bối cảnh: Lưu Nguyễn Tiến Đạt, TinDull
Họa sĩ hỗ trợ: Ngọc Sương, Trúc Lê
Diễn hoạt: Mỹ Yên, Như Đăng
Cố vấn kỹ thuật: Hiền Lâm, Đào Nguyên Hạnh
Điểm: 8,6