nsut-bui-cong-duy-la-nghe-si-violin-dang-cap-quoc-te-va-hang-dau-viet-nam-1-16930166354751957869895.jpg

Bùi Công Duy là nghệ sĩ violin được biết đến trên thế giới, đồng thời đào tạo được nhiều học trò tài năng - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Bùi Công Duy - phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - chia sẻ khi trả lời câu hỏi về môi trường phát triển âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay của Tuổi Trẻ Online, tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 22-11 thông tin về hai cuộc thi âm nhạc do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức.

20 năm trước Singapore mời các giáo sư âm nhạc của Việt Nam sang giảng dạy

"Được học nhạc ở Việt Nam là thiên đường" không phải nhận định riêng của Bùi Công Duy qua trải nghiệm ở cả vai trò người học và người dạy nhạc, cả trong nước và quốc tế.

Nghệ sĩ cho biết học trò người Singapore thỉnh thoảng vẫn bay sang Việt Nam học nhạc với anh đã "tị" với các bạn Việt Nam vì được học nhạc cùng nhiều thầy cô giỏi với chi phí rất rẻ so với các nước trong khu vực.

Theo Bùi Công Duy, đây là một điểm thuận lợi lớn cho âm nhạc cổ điển Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó cũng có những hạn chế.

Đó là Việt Nam chưa có "hành lang xanh" cho sự phát triển đột phá trong âm nhạc cổ điển và đào tạo âm nhạc cổ điển như một số nước trong khu vực đã làm được.

"20 năm trước Singapore mời các giáo sư của Việt Nam sang giảng dạy. Nhưng bây giờ thì âm nhạc cổ điển của nước này đã có sự phát triển đột biến, nhờ họ biết tận dụng người tài, có những cơ chế mời được các chuyên gia đúng lúc để tiến nhanh hơn, rút ngắn khoảng cách với khu vực và quốc tế", Bùi Công Duy nói.

Ngoài ra, các nghệ sĩ âm nhạc cổ điển Việt Nam hiện nay cũng gặp khó khăn chung đó là sự cạnh tranh rất lớn bởi âm nhạc cổ điển trở thành di sản chung của nhân loại nên càng ngày càng hình thành chuẩn mực rất cao cho các nghệ sĩ.

Về chuyện thời gian qua những nghệ sĩ nhạc cổ điển tài năng của Việt Nam sau thời gian du học hầu hết đã chọn làm việc ở nước ngoài, Bùi Công Duy cho rằng điều này cũng không quá bất thường bởi âm nhạc cổ điển hiện nay đã là di sản chung của nhân loại chứ không còn của riêng các nước châu Âu như trước.

Bởi vậy, mỗi nghệ sĩ cảm thấy khu vực nào phù hợp với khả năng của mình thì sẽ chọn nơi ấy phát triển sự nghiệp và đều đóng góp vào di sản chung của nhân loại.

Ngoài ra, với Việt Nam, ở góc độ tích cực thì các nghệ sĩ đang làm việc ở nước ngoài cũng có đóng góp cho phát triển đào tạo âm nhạc cổ điển ở Việt Nam bằng việc kết nối đưa các chuyên gia, nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam giảng dạy, biểu diễn giao lưu và đưa nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn.

Gần 200 thí sinh dự thi hai cuộc thi âm nhạc

Thông tin về hai cuộc thi âm nhạc do Cục Nghệ thuật biểu diễn và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức từ 26-11 đến 1-12 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết số lượng thí sinh dự thi năm nay ít hơn cuộc thi năm 2019.

Nhưng ban tổ chức đánh giá con số 107 thí sinh dự cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2023 và 60 thí sinh tham gia Cuộc thi hát thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch và hợp xướng toàn quốc 2023 đã là con số đáng mừng vì ba năm COVID-19 ảnh hưởng rất lớn tới nghệ thuật biểu diễn cũng như đào tạo âm nhạc.

Ngoài ra, ban tổ chức đặt hy vọng vào chất lượng các thí sinh dự thi năm nay, mong tìm được những tài năng âm nhạc mới, như truyền thống của hai cuộc thi này được tổ chức từ 1990.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022