z6759770728435d82a3c203b1f41682d862ccdd18561fc-1751341984417686562760.jpg

Bốn phim thuộc Làn sóng mới Hàn Quốc: Timeless Bottomless Bad Movie (Jang Sun Woo, 1997), Peppermint Candy (Lee Chang Dong, 1999), On the Occassion of Remembering the Turning Gate (Hong Sang Soo, 2002), Oldboy (Park Chan Wook, 2003)

Bà Ngô Thị Bích Hạnh - phó chủ tịch BHD, chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - kể những năm 1990, khi tham dự một sự kiện điện ảnh quốc tế, gian hàng của điện ảnh Hàn Quốc rất nhỏ, ở góc khuất. 

Vì không mua được phim Mỹ nên BHD "đành" phải mua một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc. 

Tuy nhiên từ đó đến nay điện ảnh Hàn liên tục khiến điện ảnh thế giới "ngả mũ" vì sự phát triển của họ. Trong đó ba thập niên từ 1980 tới những năm 2000 đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển nhảy vọt đó.

Dẫn dắt và điều phối phiên thảo luận hội thảo về điện ảnh Hàn Quốc diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (tới hết ngày 5-7) tại Đà Nẵng, đạo diễn Phan Đăng Di đặt vấn đề: "Tại sao ở giai đoạn đó điện ảnh Hàn Quốc lại bùng nổ như vậy?".

trp5778-17513375144911880654367.jpg

Đạo diễn Phan Đăng Di - Ảnh: BTC

"Hang ổ của quỷ", "chẳng có gì cả"

Đạo diễn Park Kwang Su, chủ tịch Liên hoan phim Busan (BIFF), kể ông bước vào điện ảnh từ đầu những năm 1980. 

"Vốn xuất thân từ hội họa và mới tiếp cận điện ảnh nên tôi không biết quá nhiều điều. Chỉ là nhiều người khi đó nói điện ảnh Hàn Quốc là một nơi rất tệ hại, như 'hang ổ của quỷ'. Không ai muốn bước chân vào đó cả, ít nhất là những người quanh tôi", ông nhớ lại.

Còn ông Kim Dong Ho, nguyên chủ tịch BIFF, chia sẻ khoảng 40 năm trước, ông cùng đạo diễn Park yêu điện ảnh, bắt đầu làm phim nghiệp dư và cùng sinh hoạt trong một câu lạc bộ điện ảnh của Trường đại học Quốc gia Seoul.

"Thời đó mỗi lần gặp nhau những người trẻ chúng tôi thường hỏi: Sao Hàn Quốc không có liên hoan phim? Sao không có phim hay? 

Sao không có hệ thống hỗ trợ cho phim độc lập hoặc phim phim thương mại? Sao không có bảo tàng điện ảnh? Nói chung chúng tôi cảm thấy đất nước mình chẳng có gì cả", ông Kim nhớ lại. 

Theo ông, điện ảnh Hàn Quốc lúc bấy giờ "vừa lỗi thời, vừa bất hợp lý, chất lượng lại rất thấp, đến mức chúng tôi nghĩ đó không phải là nơi để mình làm việc".

Thế nhưng cuối thập niên 1980, điện ảnh Hàn Quốc chứng kiến sự trỗi dậy của một thế hệ nhà làm phim trẻ, nhiệt huyết và đầy tham vọng, làm nên thời kỳ Làn sóng mới Hàn Quốc (Korean New Wave). 

Có thể kể đến như Park Kwang Su (phim Chilsu and Mansu, 1988), Jang Sun Woo (The Age of Success, 1988)... 

Họ bắt đầu tạo ra những bộ phim mới mẻ, chất lượng và mang tính cách mạng, bất chấp sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của chính phủ thời bấy giờ, đặt nền móng cho sự đổi mới. Giai đoạn từ năm 1996 trở đi đánh dấu một bước ngoặt lớn khi chế độ kiểm duyệt được bãi bỏ.

Loạt đạo diễn tài năng xuất hiện, dẫn dắt điện ảnh Hàn Quốc: Kim Ki Duk, Hong Sang Soo, Bong Joon Ho, Lee Chang Dong... 

Cũng năm 1996, BIFF ra đời, trở thành cầu nối giúp các tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Hàn Quốc tiếp cận khán giả và giới phê bình quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của điện ảnh nước này trên bản đồ thế giới.

edit-trp5787-1751337677697720153878.jpegtrp5806-1751337612394330826119.jpgtrp5820-17513376160382025419645.jpg

Từ trên xuống, trái qua: ông Kim Dong Ho, ông Park Kwang Su và bà Park Hee Seong - Ảnh: BTC

Sự vận động của những người yêu điện ảnh trong sáng

Qua lời kể của ông Park Kwang Su có thể thấy đã có một quá trình "vận động" âm thầm mà mạnh mẽ từ chính những người trẻ tuổi, mê điện ảnh trong sáng và thuần khiết giai đoạn đó.

z6759512945403b9984cf621a1760de8f304d9a1160172-17513405205691241983516.jpg

Phim Chilsu and Mansu (1988) của đạo diễn Park Kwang Su

Họ lập các câu lạc bộ điện ảnh ở các trường đại học để đưa điện ảnh đến gần với công chúng. 

"Đến khoảng năm 1988, hầu như các trường đại học trên cả nước đều có câu lạc bộ điện ảnh", ông kể.

Ông Park nói thêm năm 1986, Luật Điện ảnh được sửa đổi. Trước đây chỉ có 20 công ty điện ảnh được cấp phép sản xuất phim, giờ được mở rộng cho tất cả mọi người. 

Điều đó dẫn đến sự gia tăng số lượng của các công ty sản xuất.

Đi cùng là sự "thay máu" nhân sự trong ngành điện ảnh. Chỉ một vài đạo diễn như Im Kwon Taek hay Lee Jang Ho vẫn tiếp tục làm việc; còn lại những nhân lực cũ hầu như không được các công ty điện ảnh mới sử dụng.

Ông Kim Dong Ho chia sẻ đầu những năm 2000 khi điện ảnh Hàn Quốc được một số giải tại các liên hoan phim quốc tế cũng như thành công thương mại lớn, ông hay nhận được câu hỏi: Làm thế nào điện ảnh Hàn Quốc có thể phát triển mạnh mẽ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy?

Đằng sau câu hỏi đó dường như có một định kiến sự thành công của điện ảnh Hàn phải xuất phát từ một nguyên nhân lớn lao nào đó như chính phủ hỗ trợ một khoản ngân sách khổng lồ, toàn dân Hàn Quốc đều đi xem phim hoặc các nhà làm phim đặc biệt tài năng.

"Nhưng tôi nghĩ không thể giải thích sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc chỉ bằng một nguyên nhân duy nhất", ông bày tỏ. 

Theo ông, sự hỗ trợ của chính phủ, quan tâm của xã hội và sự góp mặt của nhiều người tài năng trong ngành công nghiệp điện ảnh - những điều này diễn ra gần như đồng thời vào những năm 1990 đến đầu những năm 2000.

z67597042229128947c08b5366203be1a05d9d662c5aa5-17513403527551219913854.jpg

Tình yêu chỉ có ý nghĩa khi bạn có thể bán nó trong The Age of Success (1988), một trong những tác phẩm quan trọng của điện ảnh Hàn Quốc - Ảnh: kobis.or.kr.

Chính sách "cánh tay nối dài"

Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng sự vận động của Chính phủ Hàn Quốc cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh Hàn. 

Trong đó nổi lên vai trò của Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Điện ảnh Hàn Quốc, trước đó là Tổng công ty Điện ảnh Hàn Quốc tồn tại từ năm 1974.

Năm 1999, tổ chức này trải qua một sự thay đổi lớn khi được tái cơ cấu với chín thành viên, chủ yếu gồm những người làm trong ngành điện ảnh và các chuyên gia. 

Cách thức hoạt động là đối thoại nhiều với những người làm phim trong khu vực dân sự, lắng nghe ý kiến và đưa ra những quyết sách quan trọng.

TS Park Hee Seong - Phòng chính sách, Nghiên cứu và Phát triển, KOFIC - nói "đây là một bước chuyển lớn, từ hệ thống do chính phủ chủ đạo sang hệ thống do khu vực dân sự dẫn dắt.

z675984202869121f8e5ede6b22440c9b729d15bc04ff5-17513423316911264103220.jpg

KOFIC thực hiện sách ảnh The Actor is Present, tôn vinh 200 diễn viên tiêu biểu của điện ảnh Hàn Quốc

Bà Park nói thêm lúc đó Tổng thống Kim Dae Jung đã áp dụng "chính sách cánh tay nối dài" đối với điện ảnh, tức là hỗ trợ nhưng không can thiệp. Thời gian đó KOFIC cũng tiến hành hai mô hình nhằm huy động vốn đáng chú ý.

Một là quỹ đầu tư chuyên biệt cho điện ảnh thông qua hoạt động gây quỹ. Việc đó không hề dễ dàng nên KOFIC đã đóng vai trò cung cấp "vốn mồi" (seed money) kéo theo sự góp sức của các quỹ dân sự khác, tạo thành một nguồn vốn lớn hơn. Từ đó quỹ này được sử dụng để đầu tư vào các dự án phim. 

Các phim Memories of Murder, The Host hay Mother… đều nhận được một phần lớn tài trợ từ quỹ này.

9616716811812270722287886537400035120775168n-1751342947380838725605.jpg

Phim Mother (2009)

Thứ hai là hệ thống mạng lưới thông tin các rạp toàn quốc do KOFIC vận hành. Hệ thống này thu thập doanh thu phòng vé gần như theo thời gian thực, bao phủ gần 100% các rạp chiếu.

Nhờ đó những nhà đầu tư có thể nhanh chóng biết được lợi nhuận tiềm năng từ khoản đầu tư vào một bộ phim cụ thể. Điều này đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư đổ vào ngành điện ảnh.

Ngoài ra, KOFIC còn hỗ trợ những hoạt động mà khu vực tư nhân khó thực hiện như Học viện Điện ảnh hay hỗ trợ các liên hoan phim của Hàn Quốc ra nước ngoài.

Cuối tháng 6, nhật báo Mỹ The New York Times công bố top 100 phim hay nhất thế kỷ 21 do 500 đạo diễn, diễn viên, người có ảnh hưởng trong ngành điện ảnh ở Hollywood và trên toàn thế giới bình chọn.

stillfromparasite4x3-1751428707655368317556.jpg

Theo The New York Times, Parasite là phim hay nhất thế kỷ 21

Dẫn đầu danh sách này là kiệt tác Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho, phim "ẵm" cả hai giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes năm 2019 và Phim hay nhất tại Oscar năm 2020 cùng nhiều giải thưởng lớn khác khắp thế giới.

Trong bài bình luận sau đó về danh sách phim hay nhất thế kỷ, báo The New York Times của Mỹ nhận định Parasite đại diện cho một thời đại với rất nhiều thay đổi ở cả Hollywood lẫn trên toàn thế giới.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022