hng-nh-lan-h-mai-hoa-trong-phim-i-ct201609211531024973640-1729137567482668917199.jpg

Bộ 3 diễn viên: Hồng Ánh, Lan Hà, Mai Hoa trong phim Đời cát - Ảnh: ĐPCC

Đời cát chuyển thể từ truyện ngắn Ba người trên sân ga của nhà văn Hữu Phương và được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhào nặn trên màn ảnh.

Khi phim ra mắt công chúng năm 1999, tác phẩm nhận nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn trong nước và quốc tế, trở thành điểm sáng của dòng phim cách mạng Việt Nam.

Đời cát giữ nguyên sức hút

25 năm sau, khi chiếu lại Đời cát tại hội trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phim vẫn nhận được sự quan tâm lớn. 

Dẫu những thước phim, về mặt kỹ thuật, đã có phần cũ kỹ, nhòe mờ so với các dự án điện ảnh hiện tại, nhưng về mặt câu chuyện và ý nghĩa truyền tải, Đời cát còn vẹn nguyên giá trị.

Không xoáy sâu vào sự khốc liệt của chiến trường bom đạn, phim tập trung khắc họa cuộc sống đau thương của những con người phải chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, với những tổn thương và mất mát khó có thể khỏa lấp.

3-ku-hong-anh-9-1729137976522414982329.jpg

Hồng Ánh (trái) vào vai người vợ thứ thương chồng trong Đời cát - Ảnh: ĐPCC

Các mảnh ghép trong phim đều có sự kết nối với nhau. Đó là Thoa, người vợ hy sinh tuổi thanh xuân, kiên cường bám trụ trong bom đạn để chờ chồng trở về. 

Đó là Tâm, chịu thương chịu khó, chấp nhận chia sẻ tình yêu để đổi lấy hạnh phúc cho ba người.

Là Cảnh, người buộc phải xa lìa quê hương khi đất nước chia cắt, đứng giữa đôi bờ lý trí và con tim khi cùng lúc có hai người vợ. 

Hay Huy và Hảo, hai nạn nhân trực tiếp của chiến tranh, mất đi đôi chân, mất đi tuổi trẻ, mất đi cả những người thân trong gia đình.

Điều khiến Đời cát trở thành một bộ phim Việt Nam nhưng có sức tác động đến khán giả quốc tế nằm ở việc phim không tập trung lên án chiến tranh, mà cố gắng hướng đến việc chữa lành, băng bó vết thương cho những mảnh đời nhỏ bé sau khi cuộc chiến khốc liệt qua đi. 

Dù khó khăn để hòa nhập với xã hội mới, song ta vẫn thấy trong ánh mắt họ lấp lánh những hy vọng.

Bộ phim cũng không "gặm nhấm" những nỗi đau không thể cứu vãn, mà khai thác khía cạnh "con người" của những nhân vật đang khao khát hạnh phúc, khao khát sự bình yên.

Tác phẩm cho thấy tầm quan trọng của tình cảm con người, sự kết nối và bao dung vượt lên trên những ích kỷ, nhỏ nhen tầm thường. Đây chính là giá trị hiện thực và khả năng tác động đến xã hội, tạo nên sự thành công lâu bền của Đời cát.

anh-17291382535801601524801.jpg

Các khách mời là những chuyên gia điện ảnh đầu ngành chia sẻ tại buổi tọa đàm sau chiếu phim - Ảnh: BTC

Điện ảnh khơi gợi những hạt cát lấp lánh về cuộc đời con người

Trong buổi giao lưu sau đó với chủ đề "Người phụ nữ Việt Nam trong phim thời hậu chiến", đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: "Khi chiến tranh xảy ra, những người bị tác động và phải chịu đựng những nỗi đau bi thảm nhất chắc chắn là những người phụ nữ.

Trên bình diện những người phụ nữ chiến đấu trực tiếp với bom đạn, ta có thể thấy rất nhiều cái tên nữ anh hùng đã lưu danh. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng từ truyện ngắn của nhà văn Hữu Phương lại nằm ở sự bình dị của những con người cũng rất đời thường.

Đằng sau sự va đập về con người, chiến tranh, cái chết và sự sống, có khi là những nỗi đau dai dẳng và sâu thẳm ẩn giấu bên trong. Tôi muốn khai thác những góc độ đó của một người, đặc biệt là những người phụ nữ sau chiến tranh".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022