Vào giữa những năm 1960, The Rolling Stones đã biết cách đi vào tâm trí của thế hệ trẻ khi đứng lên chống lại những điều phi nghĩa. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không biết là đằng sau sức mạnh đồng lòng của nhóm khi đó, có một vết nứt nhỏ đã xuất hiện. Rất may, vết nứt đó đã được trám lại và trở thành tác phẩm kinh điển Paint It Black. Giống như nghệ thuật Kintsugi (*) của Nhật Bản vậy!
Paint It Black là một ca khúc bí ẩn, vừa mơ hồ vừa sâu lắng, vượt qua các lằn ranh văn hóa khi những vấn đề của phương Tây được giải quyết bằng một nhạc cụ phương Đông.
Kiệt tác suýt bị bỏ qua
"Ca khúc đó chẳng đi đến đâu cả" - quản lý kiêm nhà sản xuất của The Rolling Stones, Andrew Loog Oldham, nhớ lại lời mình nói khi nhóm đang nỗ lực hoàn thiện ca khúc mới sáng tác trong phòng thu, Paint It Black. "10 phút nữa thôi" - ông mất kiên nhẫn - "Đã đến lúc phải chuyển sang cái khác".
Đó là tuần đầu tiên của tháng 3/1966 và The Rolling Stones đang ở trong phòng thu đình đám ở Mỹ - RCA ở Los Angeles - làm việc với kỹ sư Dave Hassinger để hoàn thành album tiếp theo của họ, Aftermath.
The Rolling Stones trên bìa đĩa đơn “Paint It Black”
Trong số các ca khúc họ chuẩn bị thu âm có Paint It Black, được sáng tác bởi Mick Jagger và Keith Richards khi nhóm đi lưu diễn ở Australia vào tháng trước.
"Tôi viết phần giai điệu" - Richards nói – "Cậu ấy viết phần ca từ". Nhưng trong quá trình đi sâu khai thác khả năng của ca khúc, những chàng trai tài năng của The Rolling Stones lại không thể giải phóng "phép màu" của Paint It Black. Có lúc, họ gần như đã hoàn toàn từ bỏ hi vọng.
Thời điểm này, nhóm chịu áp lực nặng là phải đưa ra một đĩa đơn ăn khách mới. The Rolling Stones đã đứng đầu BXH Anh kể từ mùa Hè năm 1964, nhưng chỉ một năm trước - khi The Last Time được phát hành vào tháng 2/1965 - họ mới bắt đầu ghi điểm với những chất liệu gốc từ bộ đôi Jagger-Richards.
Ca khúc “Paint It, Black” của The Rolling Stones
Sau đó là chuỗi No.1 và họ không muốn gián đoạn nó. Tuy nhiên, ứng cử viên hiện tại này, Paint It Black, lại thiếu thái độ cương quyết và cau có đã tạo nên những bản hit trước đó như (I Can't Get No) Satisfaction và 19th Nervous Breakdown - thứ giờ đây dường như rất đồng nghĩa với The Rolling Stones.
"Các ca khúc của chúng tôi có một số kiểu ca từ nhất định" - Jagger giải thích - "Ích kỷ, khó chịu, đa nghi, thô lỗ … Ca từ và tâm trạng của các ca khúc hợp với sự chán nản của giới trẻ ở Mỹ. Trong một quãng thời gian, chúng tôi dường như là người cung cấp duy nhất nhạc nền cho tiếng phản kháng, chạm vào những dây thần kinh xã hội đó".
Tuy nhiên, ở Paint It Black, cả sức mạnh cũng như chủ đề đều khác trước. Thậm chí, Jagger có lúc coi nó như một trò đùa, một "bản nhạc beat của nhóm".
"Khi sử dụng một nhạc cụ như sitar, nó mang ta tới tới địa hạt mới. Nó có những nguyên tắc hoàn toàn khác với guitar và mở ra những vùng đất mới về hòa âm và nhiều thứ khác…" - Brian Jones.
Những cú chạm phép màu
May thay, sau khi nghe lại lần thu thử cuối cùng, Bill Wyman đã nảy ra một ý tưởng khác thường. Anh muốn thêm vào tiếng đàn organ mang phong vị nhạc Klezmer của người Do Thái. Được truyền cảm hứng, huyền thoại phòng thu Jack Nitzsche đã góp tiếng đàn dương cầm theo phong cách gypsy.
Nhưng trên tất cả, cú chạm cuối cùng huyền thoại phải kể tới tiếng đàn sitar của Brian Jones.
Trước đó, Jones luôn gắn liền với tiếng đàn guitar. Thế nhưng, "Jones đã gần như từ bỏ việc chơi guitar vào thời điểm đó" - Richards nhớ lại - "Nếu có một nhạc cụ khác ở quanh đó, anh ấy có thể rút ra được gì từ đó".
Brian Jones bên cây sitar, cây đàn có nguồn gốc Ấn Độ cổ
Thời điểm đó, Jones đang rất chới với về vị trí của mình ở The Rolling Stones. Anh ngày càng bị lu mờ trước mối quan hệ hợp tác sáng tác của bộ đôi Jagger-Richards. Tình trạng nghiện ngập lại càng kéo anh xuống sâu hơn. "Việc phải đến phòng thu và học chơi ca khúc mà Jagger và tôi viết khiến anh ấy thất vọng. Nó giống như vết thương hở với Jones" - Richards nói.
Không thể viết các ca khúc của riêng mình, Jones bắt đầu tìm niềm vui trong việc tô điểm các bản nhạc của Jagger và Richards bằng những âm thanh kỳ lạ, vượt ra ngoài ngưỡng giai điệu guitar thông thường. Là một nghệ sĩ saxophone tài năng, Jones sẽ còn làm phong phú thêm bảng màu âm nhạc của album Aftermath bằng rung cảm phương Đông với đàn tam thập lục, mộc cầm, koto và - trong trường hợp của Paint It Black - đàn sitar.
Đàn sitar ra đời ở Ấn Độ thời Trung cổ, phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 18 và có hình thức như hiện tại vào thế kỷ 19. Đàn có 20 phím, 6 đến 7 dây chính. Sitar đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu âm nhạc cổ điển Ấn Độ đến khán giả phương Tây. Ravi Shankar (1920 - 2012) được coi là nghệ sĩ sitar xuất chúng nhất, là người thầy vĩ đại của rất nhiều nghệ sĩ thành danh khác.
Trở lại tháng 12/1965, Jones đã nghe thấy George Harrison chơi đàn sitar trong bài Norwegian Wood, thuộc album Rubber Soul của The Beatles. Một tuần sau, trong phiên thu đầu tiên của The Rolling Stones cho Aftermath ở RCA, nghệ sĩ dương cầm/quản lý của nhóm là Ian Stewart đã mua cho Jones một cây đàn sitar riêng.
Ít lâu sau đó, Jones lại tình cờ gặp nghệ sĩ sitar điêu luyện là Haribar Rao và theo học người này. "Tôi gặp anh ấy trong một câu lạc bộ ở New York" - Jones kể - "Rao đã dạy tôi cách chơi đàn sitar. Anh ấy đã học với Ravi Shankar trong 12 năm nhưng vẫn coi mình là học trò; những người này cống hiến cả cuộc đời mình cho nhạc cụ".
Mặc dù chưa bao giờ thành thạo đàn sitar, Jones cũng nhận ra âm thanh của nó có thể tác động như thế nào đến âm nhạc của The Rolling Stones. "Tôi yêu nhạc cụ này"- anh nói - "Khi sử dụng một nhạc cụ như vậy, nó mang ta tới tới địa hạt mới. Nó có những nguyên tắc hoàn toàn khác với guitar và mở ra những vùng đất mới về hòa âm và nhiều thứ khác cho nhóm".
(Từ trái qua phải) Keith Richards, Brian Jones và Mick Jagger
The Rolling Stones nhanh chóng nhận ra phẩm chất phương Đông độc đáo của tiếng đàn sitar. Còn Jones, tìm lại được vị trí của mình, đã hăng say phát triển âm thanh mới, tạo ra những đoạn riff mở màn độc đáo và nhiều ẩn ý, không chỉ còn là đồ trang trí.
Nó cũng hỗ trợ tuyệt vời cho phần ca từ của Jagger. Nhìn bề ngoài, Paint It Black khá u sầu, đơn lẻ về nỗi đau của một chàng trai mất đi người yêu của mình, khiến anh muốn tắt đi mọi màu sắc, chỉ còn đen. Tiếng sitar điêu linh, gợi hình ảnh đã nâng nó lên thành nỗi bi ai chung của giới trẻ Mỹ trước thời thế bấy giờ.
Richards miêu tả Paint It Black là "sự hợp tác thực sự của Jagger-Richards", rút ra được nhịp điệu và công thức hoàn chỉnh, từ âm nhạc tới lồng ghép quan điểm văn hóa của cuộc cách mạng hippie đang diễn ra. Nhưng Nhưng chính Jones mới là biểu tượng cho nhận thức của công chúng về Paint It Black - ít nhất là ở Mỹ.
Khi ban nhạc biểu diễn ca khúc trực tiếp trên The Ed Sullivan Show vào tháng 9 năm đó, chính Jones - ngồi khoanh chân, tách biệt khỏi nhóm, mặc đồ trắng, mái tóc vàng óng ả, vui vẻ gảy cây đàn sitar oai phong của mình - đã xuất hiện, đối với toàn nước Mỹ, như hiện thân lấp lánh, thanh tao của cuộc phiêu lưu nhạc psych-pop nơi The Rolling Stones.
Thật thế, sau đó, chính nhờ Brian Jones mà The Rolling Stones không chỉ sống sót trong thời kỳ nhạc psychedelic mà thậm chí còn trở thành những người tiên phong hàng đầu nhờ khả năng chơi đa nhạc cụ của anh.
Được giới trẻ đón nhận
Paint it Black phát hành ngày 7/5/1966, là ca khúc mở màn cho album Aftermath. Ca khúc nhanh chóng leo lên đứng đầu cả ở BXH đĩa đơn ở Anh và BXH Billboard Hot 100 ở Hoa Kỳ. Hơn thế, nó còn tạo làn sóng lớn trong dư luận. Paint It Black đặc biệt được quân nhân Mỹ đón nhận. Họ đồng cảm với sự giận dữ và tuyệt vọng trong ca khúc khi bị buộc phải tham gia những cuộc chiến phi nghĩa.
Theo thời gian, thái độ chống lại những điều hủ lậu của The Rolling Stones tiếp tục được giới trẻ các thế hệ sau đón nhận. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Paint It Black được xếp thứ 213.
(*) Kintsugi là nghệ thuật cổ xưa của Nhật Bản, biến gốm vỡ thàn những kiệt tác được hồi sinh từ vàng.