Cộng đồng fan của Kim Jae Joong (trái) và Chanyeol EXO bức xúc vì không được gặp thần tượng
Ngày 22-12, nhạc hội giáng sinh K-pop Open Air #2 báo hủy sô ngay sát ngày diễn.
Trước đó, nhạc hội này dính loạt lùm xùm liên quan đến giá vé, công bố tên dàn nghệ sĩ tham gia "nhỏ giọt" cũng như kế hoạch cụ thể trong hai đêm diễn 23 và 24-12.
Sự tức giận của khán giả bị đẩy đến đỉnh điểm khi nghệ sĩ lần lượt rút khỏi chương trình như Infinite, MC Vĩnh Phú, Tăng Duy Tân, Highlight, The Wind, Tóc Tiên, Kim Jae Joong...
Bể sô không bất ngờ nhưng thất vọng
Bình luận bên dưới bài đăng trên trang fanpage BOM Entertainment, nhiều khán giả thể hiện sự "ngao ngán với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của ban tổ chức".
K-pop Open Air #2 nối dài danh sách những sự kiện hủy sô hoặc sao ngoại vắng mặt vào phút chót ở ta.
Có nhiều lý do dẫn đến việc này, từ ban tổ chức, từ nghệ sĩ, cũng có cả những lý do bất khả kháng khách quan.
Cuối cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là khán giả.
Như sô K-pop Open Air #2, nhiều khán giả ở xa, có cả fan quốc tế, đã phải thu xếp công việc, đặt vé máy bay, khách sạn... để có mặt ở Hà Nội đu idol, cuối cùng sô hủy khiến họ dở khóc dở cười.
Có thể kể một số sự kiện đình đám bất ngờ hủy sô như Ariana Grande ở TP.HCM năm 2017, fan meeting sao Thái Lan Nine Naphat và Tor Thanapob năm 2019, Kpop We Friends (hay còn gọi Kpop Concert Daebak Vietnam 2019), Touch Your Heart năm 2022...
Khán giả Thúy Quỳnh (22 tuổi), từ TP.HCM bay ra Hà Nội để đu Chanyeol EXO, nói: "Riết rồi không bất ngờ về chuyện bể sô bùng kèo như thế nhưng vẫn buồn ghê gớm. Biết đến bao giờ, Việt Nam mới không còn những việc thế này".
Đại nhạc hội K-pop Open Air #2 đã dựng sân khấu hoành tráng nhưng vẫn hủy vào phút chót - Ảnh: BTC cung cấp
Cần chuyên nghiệp hơn
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Cường Chu - đại diện Big Arts Entertainment, công ty của Tăng Duy Tân, ca sĩ vừa rút khỏi đại nhạc hội K-pop Open Air #2 - nói vụ bể sô K-pop Open Air #2 nói riêng và những sự kiện "bể kèo chung thời gian qua... đã khiến hình ảnh ngành nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam xấu xí đi".
Đây là một bất lợi khi nước ta đang trong tiến trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có nghệ thuật biểu diễn.
Theo Cường Chu, các chương trình dạng này "giống như lừa dối niềm tin người hâm mộ". Hơn nữa, với những vụ như K-pop Open Air #2, khi chương trình bị hủy vào phút chót, đồng thời nó cũng là tin nóng bên Hàn Quốc.
"Ở Hàn, họ sẽ không quan tâm nguyên nhân của sự việc bắt nguồn từ phía Hàn hay phía Việt Nam (theo giấy phép mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp, đại diện đơn vị tổ chức chương trình này là người Hàn - PV).
Họ sẽ mặc nhiên nghĩ không thể tổ chức những chương trình chuyên nghiệp mang tính quốc tế ở Việt Nam", ông Cường Chu bày tỏ. Chính điều đó tạo ra một hệ lụy xấu đối với môi trường tổ chức biểu diễn ở ta.
Đại diện ca sĩ Tăng Duy Tân nói thêm khi niềm tin của cộng đồng fan tại Việt Nam lung lay, việc tổ chức những chương trình lớn sau này sẽ rất vất vả. Một số "con sâu làm rầu nồi canh" là thế.
Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, thị trường Việt Nam 10 năm gần đây luôn là thị trường tiềm năng và nhận sự quan tâm của các quốc gia, công ty giải trí tại châu Á và trên toàn thế giới.
Thứ mà thị trường trong nước trước kia thiếu chỉ là một, hai "cú nổ" đủ lớn để thay đổi hành vi của khán giả và chứng minh rằng đây là thị trường có mức tiêu thụ thực sự chứ không chỉ ở dạng tiềm năng.
Sau "cú nổ" BlackPink hồi tháng 7, cả thị trường trong nước vội vã đón làn sóng đó vì lo sợ nó chỉ là xu hướng thời điểm.
Vì vậy, các yếu tố cần thiết cho việc tổ chức chuyên nghiệp các chương trình lớn còn thiếu hụt từ hạ tầng, nhân sự, vận hành và cơ chế nhanh nhạy.
"Việc chuyên nghiệp hóa của các đơn vị tổ chức là tất nhiên, nhưng bộ khung về quản lý, vận hành xung quanh đó cũng cần được đáp ứng đủ", ông Minh nói.
K-pop Open Air #2 chỉ là hiện tượng mang tính bề mặt cho thấy "hệ sinh thái" của ngành nghệ thuật biểu diễn nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung vẫn cần chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn.