769a0413-1707982123929671683560.jpg

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo VTV.

Phóng viên VTV: Trong năm vừa qua 2023, Du lịch Việt Nam có rất nhiều bước tiến, chính vì thế năm 2024 được kỳ vọng cũng sẽ có nhiều đột phá. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có những chiến lược cụ thể ra sao, đặc biệt trong việc xúc tiến mở rộng thị trường cũng như nâng tầm của Du lịch Việt Nam thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chúng ta đã thấy dấu ấn của năm 2023 khi du lịch hoàn thành chỉ tiêu. Từ lượt khách quốc tế vượt chỉ tiêu tới lượt khách quốc nội có lưu trú dài ngày, có đóng góp tích cực trong cơ cấu chuyển dịch kinh tế khi ngành dịch vụ và du lịch cũng giữ một vai trò vị trí trong cơ cấu kinh tế của toàn quốc. Vì vậy, năm 2024 toàn ngành sẽ tập trung để mà tham mưu, chú ý nhiều hơn trong vấn đề liên kết du lịch. Phải bắt đầu xây dựng các sản phẩm mới tiêu biểu, đặc sắc, có lợi thế của từng vùng và kết nối.

Thứ hai là đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, phải chú ý nhiều hơn tới những thị trường tiềm năng chứ không phải dựa vào thị trường truyền thống như trước đây. Với cách tiếp cận này, có thể nói chúng ta sẽ tiếp cận những thị trường có chi tiêu cao và phải thay đổi hình thức, cách thức trong tiếp cận từ chỗ chúng ta đưa lên các website và chờ để du khách có thể tìm hiểu thì chúng ta phải chủ động thông qua các công ty lữ hành có uy tín, thông qua việc hình thành các trung tâm xúc tiến du lịch ở nước ngoài, ở các thị trường trọng điểm để chúng ta chuẩn bị đầu vào và ngược lại chuẩn bị cả đầu ra. Chỉ trong thời gian ngắn với cách làm như trên thì chúng ta cũng đã thấy sự chuyển biến của du lịch, bạn bè quốc tế cũng đã đến Việt Nam nhiều hơn. Nếu rà soát trên công cụ tìm kiếm Google về du lịch thì Việt Nam vẫn nằm trong top 10 của công cụ tìm kiếm này. Điều đó cho thấy du khách đã bắt đầu hướng đến thị trường gần, thị trường có yếu tố đặc sắc về văn hóa để họ đến với Việt Nam trải nghiệm, khám phá và họ đang đi theo xu hướng nhóm nhỏ. Chúng ta tiếp cận theo hướng này thì hy vọng lượng khách quốc tế sẽ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đóng góp đáng kể cho ngành dịch vụ.

du-khach-quoc-te-den-phu-quoc-dip-tet-2022-4-1707982334768376907581.jpeg

2024 kỳ vọng du lịch đạt 18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.

vnapotalbinhthuandon180000luotkhachtetgiapthin20247225627-17079840085581203134962.jpg

Du khách vui chơi tại biển Mũi Né (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: TTXVN

Phóng viên VTV: Chúng ta cũng đang chuẩn bị bước vào một mùa lễ hội rất rộn ràng những ngày đầu năm mới. Bộ VHTTDL đã có những kế hoạch cụ thể ra sao, đặc biệt trong công tác chỉ đạo sát sao với các địa phương để có một mùa lễ hội thực sự là văn minh, an toàn, đảm bảo?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Việt Nam chúng ta có rất nhiều lễ hội, riêng của ngành chúng tôi thì có tới hơn 8.000 lễ hội từ cấp địa phương tới cấp quốc gia. Các lễ hội này có thể nói rằng rất đẹp, rất tốt và giữ được các phong tục truyền thống. Nhưng vài năm gần đây, các công tác quản lý nhà nước về lễ hội cũng đã có một vài lễ hội bị biến tướng và làm không đúng, lợi dụng lễ hội để thương mại hóa và vì vậy cũng không đúng với tính chất của lễ hội. Chính vì vậy Bộ VHTTDL đã có chỉ thị, có rất nhiều công văn và chỉ đạo địa phương ban hành đề án các lễ hội. Lễ hội nào là của nhân dân và do nhân dân phải đứng ra tổ chức và phải cam kết trước chính quyền để lễ hội không bị biến tướng khi tổ chức, không làm xấu đi hình ảnh của văn hóa. Những lễ hội nào do nhà nước chủ trì và làm thì phải đúng trọng tâm trọng điểm, có sức lan tỏa. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích các lễ hội phải hướng về cái đẹp, đúng với bản chất của nó.

Có những lễ hội dân gian, có những lễ hội truyền thống và chúng ta mong muốn người dân hiểu đúng bản chất của lễ hội và tham gia lễ hội với tư cách là chủ thể sáng tạo trong vấn đề gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống ở các vùng quê, các địa bàn lễ hội mà chúng ta xác định trọng điểm. Và qua lễ hội này chúng ta phải đạt yêu cầu vừa đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn công tác cháy nổ. Quan trọng hơn là phải đảm bảo được, thỏa mãn được đời sống văn hóa của nhân dân, có đóng góp đáng kể cho vấn đề dịch vụ. Từ đó chúng ta có bài toán 3 trong 1, như vậy lễ hội mới thành công.

Và tôi hy vọng là từ chỉ thị, từ công văn chỉ đạo, từ các đề án mẫu mà chúng tôi đã thiết kế, đã triển khai thì các địa phương sẽ đồng hành với Bộ VHTTDL và phân cấp quản lý, để địa phương nào chịu trách nhiệm với các lễ hội đó. Tôi cũng được biết, các địa phương hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực chuẩn bị. Và hy vọng với sự vào cuộc tích cực như thế, những lễ hội của chúng ta chắc chắn sẽ đạt các yêu cầu đề ra.

769a0398-17079821536411057237421.jpg

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

769a0414-17079821536541106452452.jpg

Phóng viên VTV: Hơn 2 năm sau khi chúng ta thực hiện Hội nghị văn hóa toàn quốc thì có thể thấy văn hóa có rất nhiều chuyển biến tích cực cả ở Trung ương và địa phương. Bộ trưởng thấy đâu là những chuyển biến rõ nét nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sau 2 năm nhìn lại thực hiện kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, nền văn hóa thể thao cả nước nói chung, Bộ VHTTDL nói riêng hết sức vui mừng nhận thấy có những chuyển biến rõ nét.

Chuyển biến rõ nét nhất là trong nhận thức khi đặt ngang văn hóa với kinh tế, chính trị . Từ nhận thức đó, các cấp ủy Đảng đã tập trung tập trung lãnh đạo, làm sâu sắc hơn các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và 6 nhóm nhiệm vụ, 4 giải pháp Tổng Bí thư đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Nhiều tỉnh thành sau Hội nghị toàn quốc đã tổ chức Hội nghị chuyên đề ở cấp mình, chỉ đạo những nội dung quan trọng, cơ bản, ban hành các nghị quyết chuyên đề của địa phương. Trong đó đã phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, giá trị phẩm chất tốt đẹp của con người. Từ đó khơi dậy được ý thức tự hào, quyết tâm trong việc xây dựng văn hóa, để văn hóa trở thành nguồn lực và động lực trong sự phát triển bền vững.

Thứ hai là nhận thức đúng và nhận thức đầy đủ rất sâu sắc thì đã chuyển biến đến hành động. Các cấp ủy đều đã quan tâm đến văn hóa, giành nguồn lực để đầu tư cho văn hóa và cho con người, tập trung vào xây dựng môi trường văn hóa. Nếu chỉ tính về đầu tư, chúng ta thấy được việc mà chúng ta phấn đấu để có được khoảng 2% ngân sách chi cho văn hóa thì nhiều địa phương đã đạt được. Và ở cấp Trung ương cũng đặt ra lộ trình để phấn đấu đảm bảo được cái mức tổng thể mà kết luận Bộ Chính trị đã chỉ ra.

Chuyển biến thứ ba mà chúng tôi đánh giá là rất sâu sắc đó là xác định nhân dân là chủ thể sáng tạo trong xây dựng văn hóa. Đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò nòng cốt, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của mình. Vì vậy việc chuyển hóa tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa đã thực sự đi vào chiều sâu, nhân dân đã ủng hộ, cùng đồng hành với ngành văn hóa thể thao và du lịch để chăm lo phát triển văn hóa. Có rất nhiều mô hình và cách làm hay, như xây dựng mô hình văn hóa ở cộng đồng dân cư thông qua việc ban hành quy định hương ước do người dân xây dựng. Biến những làng quê thành nơi đáng sống, đáng yêu, giữ gìn được các phong tục đẹp đẽ, những phẩm chất tốt đẹp vốn có của vùng đất giàu truyền thống, văn hóa, có bề dày lịch sử. Sự chuyển động môi trường văn hóa trong các cơ quan đơn vị, trong cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân, nhìn thấy được rất nhiều ý nghĩa tích cực. Và từ đó, có thể nói văn hóa đã bắt đầu từng bước tiếp cận được các mục tiêu giữ vai trò của động lực phát triển.

Thứ tư là nhìn góc độ văn hóa trong kinh tế bằng việc Bộ đã tham mưu Chính phủ tổng kết lại việc thực hiện chiến lược phát triển văn hóa và giao nhiệm vụ cho Bộ tiếp tục tham mưu, tháo gỡ chính sách và hoàn thành được các công việc này. Trong thực tiễn của một năm, hai năm, chúng ta đã bắt đầu từng bước tập trung nó lại những ngành, lĩnh vực văn hóa mà Việt Nam có lợi thế , tranh thủ học tập kinh nghiệm của những nước đã thành công trong lĩnh vực này và chúng ta cũng đã gặt hái được. Từ di tích di sản đến giá trị văn hóa đặc trưng chúng ta đã biến nó thành các di sản, sản phẩm du lịch đặc sắc, sản phẩm du lịch văn hóa đóng góp được nguồn thu, giải quyết được việc làm. Bài toán trong kinh tế văn hóa cũng đã có sự chuyển biến.

Phóng viên VTV: Trong 9 nhóm giải pháp để thực hiện được mục tiêu lớn thì chúng ta sẽ tập trung vào mũi nhọn giải pháp nào trong năm 2024 tới. Để đầu tư nhưng phải có trọng điểm, trọng tâm khi mà nguồn lực thì cũng có hạn thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sau khi được Quốc hội thông qua và phân bổ nguồn lực thì chúng ta phải tiến hành có trọng tâm trọng điểm. Quan điểm là không cào bằng và đẩy mạnh phân cấp. Lấy ví dụ như vấn đề hoàn thiện thể chế, thiết chế văn hóa thì đã phân cấp rõ ràng ở cấp Trung ương có bao nhiêu thể chế và ưu tiên cho hạng mục nào. Ví dụ chúng ta rất cần thiết chế văn hóa ở cấp Trung ương mang dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh thì phải lựa chọn một vài công trình vừa đảm bảo tính kiến trúc vừa đảm bảo phục vụ cho vấn đề nghệ thuật, từ đó chúng ta báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án. Cũng tương tự như vậy, về phía địa phương theo quy định của thiết chế, ba hạng mục cần thiết phải có ở từng địa phương một thì phải chủ động rà soát, cái nào ưu tiên làm trước, phù hợp với thực tiễn nhu cầu ở địa phương đó. Đối với cơ sở thì phải xác định cái nào cần nâng cấp, cái nào được đầu tư mới để đảm bảo giữ vai trò thiết chế là phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Cũng tương tự như vậy, với di sản, để biến di tích di sản thành tài sản của quốc gia thì phải có cách để đầu tư, những việc nào có thể xã hội hóa, những việc nào nhà nước giữ vai trò đầu tư cũng cần phải được xác lập. Những di tích lịch sử cách mạng thì chắc chắn phải được đầu tư tôn tạo để giữ vững vai trò giáo dục truyền thống. Còn những di tích khác, loại hình văn hóa khác cũng phải thông qua cơ chế, chính sách để chúng ta có thể thu hút thêm các nguồn lực từ xã hội. Và như vậy, chúng ta có thể lần lượt từng bước một. Nhưng cũng có những lĩnh vực như cuộc vận động để xây dựng văn hóa ở cơ sở, rồi với tư cách phát huy vai trò của người dân trong vấn đề xây dựng hương ước, quy ước thì chúng ta vẫn phải làm bằng chiều sâu để người dân là chủ thể, đóng góp vào nền văn hóa của chúng ta. Với những nội dung về phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, phải được các địa phương quán triệt, cụ thể hóa nó ra sâu sắc hơn. Ví dụ ở Thủ đô Hà Nội thì nhấn mạnh thêm yếu tố thanh lịch của người Thủ đô, ở một vùng quê khác có truyền thống hiếu học thì nhấn mạnh yếu tố đó, những phẩm chất tốt đẹp đó. Và như thế có thể nói, chúng ta phải lan tỏa được cái đẹp của văn hóa đến với cộng đồng, và người dân sẽ phải xây dựng thì nó sẽ có hiệu quả, có chiều sâu hơn, không chỉ là thiết chế văn hóa thuần túy.

769a8179-1707982255379853341043.jpg

Năm 2023 lần đầu tiên tổ chức ngày Hội các dân tộc dưới 10.000 người.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh thêm: Mùa Xuân luôn luôn gắn liền với hy vọng. Chúng tôi biết rằng những mơ ước, những khát vọng để xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chúng tôi tiếp tục hy vọng trong năm tới, sự đồng hành của nhân dân, sự nỗ lực của đội ngũ văn nghệ sĩ và tăng cường vai trò quản lý của những người làm công tác văn hóa thì chắc chắn nền văn hóa, thể thao và du lịch của cả nước sẽ có bước phát triển tốt hơn.

Nhân dịp này, tôi bày tỏ sự chân thành cảm ơn sâu sắc trước sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và sự đồng hành của nhân dân xin được kính chúc các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân Việt Nam sức khỏe, thành công, an khang và thịnh vượng. Xin cảm ơn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã chia sẻ cùng Thời báo VTV.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022