Hình ảnh trong MV All the Good Girls Go to Hell của Billie Eilish
Hình ảnh Eilish với đôi cánh dơi nhớp nhúa chui ra từ lớp dầu nhầy nhụa, và rồi lửa bốc cháy ngùn ngụt tứ bề, là cách mà nữ nghệ sĩ xuất sắc của thế hệ Z mô tả một thế giới trên biển lửa - hay nói đúng nghĩa đen, một thế giới đang đối mặt với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Phần lời của ca khúc thuộc album đầu tay đã bán hàng triệu bản của Eilish có đoạn Lucifer trách móc Thượng đế vì sao lại cứu con người, trong khi những ngọn đồi đang cháy ở California và Lucifer thì đã cảnh báo trước Thượng đế về điều đó.
Billie Eilish - all the good girls go to hell (Official Music Video)
Khi biến đổi khí hậu là nàng thơ âm nhạc
Biến đổi khí hậu và sự tàn phá môi trường bắt đầu trở thành "nàng thơ" trong âm nhạc từ cuối những năm 1960-1970, khi những phong trào sinh thái manh nha diễn ra. Một trong những ca khúc kinh điển nhất của Joni Mitchell, Big Yellow Taxi, chính là về môi trường.
Bà kể lại trong buổi sáng đầu tiên thức dậy ở Hawaii, bà mở cửa sổ thấy xa xa những ngọn núi xanh xinh đẹp nao lòng nhưng nhìn xuống dưới, một bãi đỗ xe hiện ra.
Bà bảo cảnh tượng ấy "làm trái tim tôi tan vỡ" và bà viết: "Họ lát lấy thiên đường và dựng lên một bãi đỗ xe [...] Họ đốn hạ hết cây cối và đưa cây vào viện bảo tàng, họ tính tiền tham quan mỗi người 1 đô la rưỡi".
Huyền thoại nhạc rock Jimi Hendrix cũng không đứng ngoài cuộc.
Trong Up from the Skies, ông đã mường tượng ra những người ngoài hành tinh sau nhiều năm trở lại Trái đất.
Họ hồi tưởng về "những ngày băng tuyết", nhưng giờ đây những gì họ được chứng kiến trên hành tinh này chỉ là "những ngôi sao đặt nhầm chỗ" và "mùi khét của một thế giới bốc cháy".
Trong thập niên 1960-1970, nỗi lo về biến đổi khí hậu vẫn còn có gì đó viển vông, như trong ca khúc đậm dấu ấn khoa học viễn tưởng của Jimi Hendrix, hoặc nếu không thì mới chỉ là những hiện tượng gây khó chịu về mặt thị giác chứ chưa ảnh hưởng thực sự tới đời sống, như trong ca khúc của Joni Mitchell.
Phải là thời đại này thì mới có thể sản sinh ra hình ảnh một Billie Eilish mọc đôi cánh quỷ chui lên từ dầu và chứng kiến trận hỏa hoạn kinh hoàng, hay cũng là Billie Eilish, mặc chiếc áo "Không có âm nhạc trên một hành tinh chết" để biểu diễn trên sân khấu.
Nhạc mùa hè không còn thư giãn
Những ca khúc mùa hè, vốn thường hướng tới cảm giác tiệc tùng, nghỉ ngơi và vui chơi, giờ đây cũng đã khác đi.
Chẳng hạn như Feels Like Summer của Childish Gambino, mặc dù vẫn tận dụng âm quyển nhàn nhã quen thuộc trong các sản phẩm nhạc mùa hè, nhưng phần lời của nó thì không "chill" (thư giãn) chút nào:
"Bảy tỉ linh hồn quay xung quanh Mặt trời, quay nhanh hơn, nhanh hơn, không mảy may cơ hội quay chậm lại"; hay trong một đoạn lời trực diện hơn, anh than thở về việc mỗi ngày một thêm nóng và nguồn nước thì sắp cạn kiệt.
Và hãy nghe Lana Del Rey, nữ hoàng của những nỗi sầu mùa hè. Năm 2012, mùa hè khiến nàng buồn bã vì mùa hè mang đến những cuộc tình đẹp đẽ mà dễ tan vỡ, như trong bản hit Summertime Sadness. Nhưng tình hình đã khác vào bảy năm sau.
Trong The Greatest, mùa hè vẫn khiến nàng đau đáu nhưng không chỉ vì nỗi nhớ nhung quắt quay những đêm khiêu vũ bên bờ biển, mà còn vì "Los Angeles đang bốc cháy, thời tiết ngày một nóng lên".
Đi xa hơn nữa, Lana Del Rey kết nối sự nóng lên của khí hậu với sự nóng lên của một nền văn hóa liên tục chuyển động, liên tục đốt cháy con người đến cạn kiệt năng lượng.
Cùng với khí hậu không ngừng tăng nhiệt, những ý niệm về mùa hè trong âm nhạc cũng dần thay đổi. Liệu có một ngày nào đó mà mùa hè sẽ không còn gắn với những cảm thức lãng mạn và bay bổng?
Liệu có ngày nào mà Here Comes the Sun của The Beatles sẽ mất đi ý nghĩa của nó, sẽ chẳng ai hiểu được vì sao George Harrison lại viết "mặt trời ló rạng rồi, và tôi nói, mọi chuyện sẽ ổn thôi"?
Ai mà biết được, khi mà không có dấu hiệu gì là những ngày đổ lửa sẽ lùi xa.