Ngày 23/12, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,UBND tỉnh này đã tổ chức lễ Công bố quyết định công nhận bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây cũng là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vinh dự đón nhận quyết định này.

2412-mn3-16718672294831110151532.jpg

Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố và trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật mặt nạ vàng và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ giỗ bà Phi Yến cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tại lễ công bố, ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia đối với 3 hiện vật mặt nạ vàng và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ giỗ bà Phi Yến.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được vinh dự đón nhận và công bố Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia và Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với lịch sử vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu, đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để Nhân dân trong nước và khách du lịch quốc tế biết nhiều hơn về sự độc đáo của văn hóa vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.

2412-matt-na-4-16718670987931798809285.jpg

Mặt nạ vàng niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, vừa được công nhận bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ba mặt nạ vàng là những hiện vật vô cùng đặc sắc, được làm từ kim loại quý với trình độ kỹ thuật chế tác điêu luyện, có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, là giai đoạn chuyển tiếp từ Tiền Óc Eo lên văn hóa Óc Eo. Ba mặt nạ vàng còn nguyên vẹn, độc đáo duy nhất chỉ có ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chưa có di tích khảo cổ nào ở Việt Nam phát hiện được đồ tùy táng bằng vàng có kích thước lớn, được chế tác cầu kỳ và có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, phản ánh những yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ. Ba mặt nạ vàng Giồng Lớn được chôn cùng với các hiện vật mang truyền thống ven biển Đông Nam Bộ là minh chứng rõ nét cho sự tiếp xúc, giao thoa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, giữa sự vận động nội tại của các văn hóa bản địa với các tác nhân kinh tế, văn hóa, tôn giáo từ bên ngoài.

Việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đón nhận bảo vật quốc gia và một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên này sẽ là nguồn động lực lớn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022