Quy tụ nhiều tài tử đình đám gồm Kim Rae Won, Lee Jong Suk, Cha Eun Woo… tác phẩm Âm lượng hủy diệt (tên quốc tế: Decibel) đã thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu thích điện ảnh Hàn Quốc tại Việt Nam vài tuần qua. Thuộc thể loại hành động kết hợp chính kịch (drama), phim đưa khán giả theo chân nhân vật Kang Do Young (Kim Rae Won), cựu phó đô đốc được lực lượng hải quân xứ kim chi xem như người hùng.

Ngày nọ, anh ta bất ngờ nhận một cuộc gọi nặc danh bí ẩn, từ đó bị vướng vào chuỗi đánh bom hàng loạt tàn khốc. Nhằm bảo vệ tính mạng bao thường dân vô tội, gia đình lẫn bản thân mình, Kang Do Young phải chạy đua với thời gian nhằm vô hiệu hóa khối chất nổ và vạch trần danh tính kẻ thủ ác đứng sau tất cả.

h1-9338-1670923959265-16709239593901856726054.jpg

Phim quy tụ dàn nam thần nổi tiếng Hàn Quốc.

Những pha gỡ bom kịch tính, thót tim

Tuy sở hữu mô típ chống khủng bố quen thuộc, thường thấy ở các tác phẩm hành động, tội phạm Âu Mỹ, Âm lượng hủy diệt vẫn tạo được điểm nhấn qua những quả bom “nhạy cảm” với âm thanh do kẻ phản diện thiết kế. Cụ thể, thời gian mà chúng kích nổ sẽ giảm đi ngày càng nhanh hơn nếu tiếng ồn xung quanh địa điểm lắp đặt vượt quá 100 db (decibel: đơn vị đo cường độ âm thanh).

  • ngang-3-16599330396731488932805.png

    Vì sao phim "Big Mouth" của Yoona và Lee Jong Suk gây sốt?

Hơn nữa, tên khủng bố ấy còn cài bom tại nhiều chỗ náo nhiệt, đông đúc như khu vui chơi trẻ em, bãi biển nhân tạo hay sân vận động... Vì vậy, không khí nửa đầu tác phẩm cực kỳ căng thẳng bởi ngoài việc vô hiệu hóa số thuốc nổ trên, nam chính cũng phải nghĩ cách để khiến hàng trăm đứa trẻ, thậm chí hàng ngàn cổ động viên quá khích nơi khán đài giữ im lặng nhất có thể.

Chưa dừng lại ở đấy, kẻ phản diện tiếp tục đặt Kang Do Young vào tình thế khó khăn khi bắt cóc gia đình anh làm con tin. Giờ đây, vị cựu phó đô đốc bị buộc phải đứng trước loạt quyết định mang tính chất sinh tử: Lựa chọn giải cứu những người mà mình thương yêu, hoặc đánh đổi họ nhằm bảo toàn tính mạng của vô số thường dân.

h2-9853-1670924489739-16709244902622034044672.jpeg

Không khí căng thẳng, nghẹt thở của tác phẩm được xây dựng tốt.

Bên cạnh tiết tấu căng tựa dây đàn, yếu tố hành động trong Âm lượng hủy diệt cũng được đạo diễn Hwang In Ho chăm chút kỹ lưỡng. Nhờ hạn chế tối đa kỹ xảo máy tính (CGI), sử dụng góc máy rung lắc có chủ đích và đầu tư dàn dựng đại cảnh, các pha rượt đuổi, đánh đấm xuyên suốt 110 phút phim đều mang lại cảm giác chân thực, mãn nhãn.

Câu chuyện thú vị, dễ gây đồng cảm

Giấu mặt hết ½ thời lượng, nhân vật khủng bố Tae Seong (Lee Jong Suk) vẫn đủ sức làm chúng ta rùng mình bởi chất giọng lạnh lùng cùng nhiều nước đi khó lường, tàn nhẫn. Là thành viên thuộc hội Mensa, tổ chức quốc tế gồm những người sở hữu IQ vượt trội, Tae Seong tạo ấn tượng mạnh khi liên tục nắm thóp Kang Do Young, đồng thời thao túng cơ quan chức năng lẫn đám đông theo ý thích.

Dẫu vậy, khác hẳn hình tượng phản diện thiên tài điên loạn đơn thuần, động cơ thôi thúc Tae Seong tiến hành chuỗi đánh bom, trả thù cựu phó đô đốc vốn thương tâm, dễ dàng giành được sự đồng cảm. Từ đó, tác phẩm dần mở ra tuyến truyện về quá khứ đen tối luôn ám ảnh “anh hùng” Kang Do Young, bên cạnh mối quan hệ giữa anh với tên khủng bố kia.

Thông qua trường đoạn hồi tưởng, Âm lượng hủy diệt dẫn dắt người xem bước vào vùng xám. Phim không chỉ vạch trần góc khuất xấu xí ở lực lượng quân đội Hàn Quốc, mà còn vừa cho thấy nỗi đau của nam chính lúc phải đưa ra giải pháp đau lòng đối với thuộc cấp, vừa ca ngợi phẩm chất cao đẹp, sẵn sàng hy sinh vì đồng đội ở người quân nhân.

h3-4375-1670924492063-16709244921231113470849.jpeg
h7-57-1670924493846-16709244939041952105355.jpeg
h6-9971-1670924495482-1670924495547703152955.jpeg
h8-5288-1670924497159-16709244972242137555033.jpeg

Phần thể hiện của hai nam chính Kim Rae Won và Lee Jong Suk hết sức hấp dẫn.

Tái ngộ cộng đồng yêu điện ảnh sau 3 năm vắng bóng, tài tử Kim Rae Won đã chứng tỏ đẳng cấp diễn xuất bằng màn hóa thân thành Kang Do Young: một cựu sĩ quan nghiêm nghị, hành động theo lý trí nhưng luôn day dứt vì những quyết định trong quá khứ. Anh cũng ghi điểm khi tự mình thực hiện hầu hết cảnh đua xe, nhảy khỏi lầu cao chứ chẳng cần tới sự hỗ trợ từ đội ngũ đóng thế.

Yếu tố “câu nước mắt” bị lạm dụng

Ngoài các điểm sáng phía trên, Âm lượng hủy diệt vẫn còn đó vài hạt sạn lớn gây hụt hẫng. Trước tiên, dẫu thoạt nhìn rất đáng sợ, thực chất kế hoạch tấn công khủng bố do Tae Seong sắp đặt lại tồn tại kha khá lỗ hổng. Làm thế nào mà hắn ta có thể đơn độc xâm nhập các địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí đặt bom cả xe hơi của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn không bị ai phát hiện?

Chưa kể, càng về cuối, đứa con tinh thần do đạo diễn Hwang In Ho cầm trịch cũng sa đà nhiều vào yếu tố câu kéo nước mắt. Cụ thể, việc lạm dụng hiệu ứng slow-motion, lặp đi lặp lại những hình ảnh ủy mị, nước mắt tuôn rơi đã khiến câu chuyện ngỡ cảm động trở nên gượng ép thấy rõ. Nếu nhà làm phim tiết chế và rút gọn chúng, tác phẩm này để lại một dấu ấn mạnh mẽ hơn.

h4-1200-1670924498687-16709244987441488066091.jpeg

Tác phẩm còn tồn tại sạn kịch bản và cố câu kéo nước mắt người xem.

Nhìn chung, Âm lượng hủy diệt là lựa chọn phù hợp cho bộ phận khán giả yêu thích thể loại hành động, tội phạm khi sở hữu nội dung giàu tính giải trí nhưng vẫn gửi gắm thông điệp ý nghĩa, phần nghe nhìn chất lượng cùng sự tương tác hết sức ăn ý giữa dàn nam thần Hàn Quốc.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022