Thời gian gần đây, ứng dụng Loopsie tạo ảnh theo phong cách truyện tranh được nhiều người yêu thích và sử dụng. Loopsie là ứng dụng xử lý ảnh sử dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng nhận diện khung cảnh và gương mặt để biến ảnh chụp thành tranh vẽ theo phong cách anime.
Chiều 23/8, trên App Store, Loopsie vươn lên trở thành ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Việt Nam. Trên các mạng xã hội Facebook, Instagram tràn ngập ảnh chân dung và phong cảnh theo phong cách anime do Loopsie. Người dùng chỉ cần đưa ảnh chụp vào, sau đó ứng dụng nhận dạng và tái hiện thành tranh vẽ theo các phong cách khác nhau. Không chỉ vậy ứng dụng này có bộ lọc mang tên Old School Anime, hỗ trợ tạo theo phong cách hoạt hình Nhật Bản.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, Loopsie không phải mới được ra mắt, mà ứng dụng này đã xuất hiện trên nền tảng iOS và Android từ năm 2018. Tuy nhiên ban đầu ứng dụng chỉ có chức năng biến ảnh tĩnh thành những đoạn video động. Sau đó khi trí tuệ nhân tạo ngày càng được ưa chuộng, nhà phát triển của Loopsie bắt đầu tích hợp tính năng biến ảnh chụp thành tranh anime bằng trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng của mình.
Khác với các ứng dụng trước đây vốn chỉ tập trung vào khuôn mặt, Loopsie tái hiện và thay đổi cả khung cảnh xung quanh, vì vậy hình ảnh đẹp mắt, nhiều màu sắc.... mang đến trải nghiệm thú vị cho người dùng.
Tuy nhiên, nhược điểm của ứng dụng là hoàn toàn tự động không thể can thiệp. Trong một số trường hợp, ứng dụng tự bổ sung chi tiết khiến kết quả khác hẳn bản gốc.
Để sử dụng, người dùng cần tải app với dung lượng gần 200 MB, đồng thời cho phép ứng dụng truy cập vào kho ảnh. Thử nghiệm thực tế cho thấy, việc tạo một ảnh mất khoảng 20-30 giây, có bề ngang tối đa 1.024 pixel.
Ngoài ra, người dùng cần trả phí 69.000 đồng mỗi tuần hoặc cao nhất 1,35 triệu đồng một năm. Đy là số tiền không nhỏ đối với nhu cầu làm ảnh "cho vui" của nhiều người Việt.
Trong lần đầu sử dụng Loopsie, người dùng sẽ có tùy chọn bỏ qua bước mua bản quyền và dùng thử ứng dụng miễn phí. Nếu không lưu ý bước này và vô tình chọn mua bản quyền, người dùng sẽ bị mất phí bản quyền cho ứng dụng.
Loopsie yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập Internet. Các dữ liệu này có thể được sử dụng cho việc quảng cáo, liên hệ với người dùng, phân tích ứng dụng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ về dữ liệu cá nhân.
Lợi dụng "cơn sốt" Loopsie, tin tặc cũng có thể phát triển những ứng dụng mạo danh Loopsie, bên trong có chèn mã độc và phát tán ứng dụng giả mạo này lên internet, lừa nạn nhân tải về và cài đặt vào smartphone của họ.
Không chỉ vậy, nếu đưa quá nhiều ảnh cho một hệ thống khác, người dùng không còn kiểm soát được hình ảnh của chính mình. Nếu ảnh bị đăng tải có thể tạo deepfake để tạo ra ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau thậm chí lừa đảo. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo trong mọi tình huống, kể cả với trào lưu mới, người dùng cần thận trọng.