Sulli đã mất rồi. Cô thực sự đã chào tạm biệt thế giới này. Khi nhắc về Sulli, người ta sẽ nghĩ ngay đến những từ khóa: thành công, xinh đẹp, rời f(x), lùm xùm... và tất nhiên không thể thiếu hai chữ "thả rông". Vấn đề thả rông này đã trở thành đề tài xôn xao dư luận và báo chí. Từ Hàn đến Việt, từ Việt sang Hàn và lan ra thế giới. Điều đáng nói ở đây chẳng phải nằm ở cách Sulli ăn mặc như thế nào mà chính ở việc công chúng phản ứng ra sao với hiện tượng đó. Sâu xa hơn, xã hội này đã và đang tình dục hóa cơ thể người phụ nữ.
Theo khoa học, ngực được coi là bộ phận sinh dục thứ cấp (secondary sex organs), vì nó không có đóng góp trong quá trình sinh sản, nhưng lại hoàn thiện phát triển sau dậy thì song song với các bộ phận sinh dục sơ cấp (primary sex organs). Nói cách khác, sự phát triển của ngực ở nữ giới cũng giống như sự phát triển của yết hầu ở nam giới. Đến tuổi dậy thì, nam giới lộ yết hầu, thì nữ giới cũng có biểu hiện to dần về kích cỡ ngực.
Nhưng bằng một cách nào đó, xã hội chúng ta đang sống đã tình dục hóa bộ ngực (và hầu hết toàn bộ cơ thể) của người phụ nữ từ hàng thế kỷ trước. Hệ quả là việc các bé gái luôn được dạy dỗ rằng phải ăn mặc kín đáo, che chắn cẩn thận nếu trong nhà có chú, bác, cậu, dượng, anh trai, em trai, hay bố ruột, tóm lại là người đàn ông.
Khi ở ngoài đường, các cậu thanh niên cởi trần thì không sao nhưng sẽ thật buồn cười nếu như có một người phụ nữ cởi trần. Kể cả ở các trang mạng xã hội cũng vậy, đặc biệt là Instagram. Những bức ảnh/tranh vẽ để lộ đầu ti nữ thường bị làm mờ hoặc "bay màu" do “chứa nội dung khiêu dâm”. Cơ thể của người phụ nữ chỉ cần tồn tại thôi, chưa cần mở lời mời gọi, cũng chưa cần làm ra những hành động mang tính kích thích thì đã bị xem là gợi cảm, là đang quyến rũ người khác rồi. Nhớ lần Sulli tâm sự về vấn đề cưỡng hiếp bằng ánh mắt, rất nhiều cư dân mạng Hàn lẫn Việt đều cho rằng cô ấy… đáng đời. Một số bình luận mang tính ác ý kiểu như:
“Ai biểu không mặc áo ngực?”
“Nói cổ hiếp dâm mắt của công chúng thì đúng hơn.”
“Ăn mặc kì cục mà không cho người ta nhìn à?”
“Bây giờ đàn ông mà mặc quần bó để lộ cái đùm đằng trước ra thì tụi bây phản ứng thế nào?”
Thật kỳ lạ là cộng đồng mạng lại có logic rất sai trái thể hiện cho việc tình dục hóa cơ thể phụ nữ. Tại sao không so sánh âm đạo với dương vật – hai bộ phận sinh dục sơ cấp, mà lại so sánh đầu ti với dương vật – một bộ phận sinh dục thứ cấp cùng một bộ phận sinh dục sơ cấp?
Rất khó để loại bỏ những thứ đã in sâu trong tiềm thức, đặc biệt khi nó được củng cố bởi văn hoá đại chúng. Sulli thả rông có sai không? Không. Cô ấy chẳng làm hại đến ai, cũng không bắt ép ai thả rông theo mình, đó đơn giản là một lựa chọn cá nhân. Mặt khác, người chỉ trích Sulli có sai không? Không hẳn. Họ phản ứng như cách xã hội muốn họ phản ứng, và họ nhìn nhận mọi chuyện theo hướng thực tế hơn.
Cũng bởi lẽ cơ thể của người phụ nữ đã bị tình dục hoá, nên các bậc cha mẹ không thể nhắm mắt làm ngơ mà “Ui xời người thân với nhau cả” và nới lỏng cảnh giác khi để con gái nhỏ tuổi ở gần khách khứa hay thành viên nam trong gia đình. Rồi thì các bạn nữ chẳng bao giờ dám thả rông đi vào nơi tăm tối vắng vẻ. Việc chúng ta tự học cách bàn thân, cũng đồng nghĩa với chúng ta lại gián tiếp tạo thêm gánh nặng cho bản thân.
Mặc dù vậy, xã hội sẽ chắc chắn có thể thay đổi, bởi chính con người chúng ta là những cá thể làm nên xã hội. Thôi thì đừng dạy phụ nữ phải giấu ngực đi, mà hãy dạy đàn ông kiểm soát tính "dê", biết cất dương vật trong quần và ngừng những suy nghĩ đồi bại. Sẽ chỉ quan hệ khi hai bên đồng thuận. Tất cả luồng ý kiến về Sulli, dù cố ý hay vô tình, đều sở hữu một luận điểm chung rằng: cơ thể của người phụ nữ đã và đang bị tình dục hoá bởi xã hội. Và hi vọng những sai lầm ấy sớm được sửa chữa.
Sulli đã mất, nhưng có lẽ bài học cô gửi gắm đến mọi người khi còn sống sẽ vẫn mãi sâu sắc và đáng trân quý biết bao. Hi vọng bông hóa xinh đẹp ấy sẽ nở thật rực rỡ ở thế giới bên kia.
Bài viết tham khảo ý kiến của CK-12