01

"Cậu sợ kết hôn không?".

"Sợ!".

Đây là cuộc hội thoại tôi nghe được khi đi cùng thang máy với hai cô gái khác.

"Tớ sợ sau khi kết hôn, mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, chuyện con cái đều tới tay tớ, đang xinh đẹp tự do, tại sao phải đi làm bảo mẫu toàn thời gian cho người khác?"

Thời đại ngày nay, không biết vì nguyên nhân gì, cũng rất khó để nói ai đúng ai sai, nhưng phụ nữ phải gánh vác quá nhiều kì vọng: Vừa chăm con, vừa phải độc lập về kinh tế. Rất khó thể thập toàn cả hai công việc. Nếu có người cảm thông được sự vất vả của họ, chia sẻ với họ những gánh nặng này, vậy thì tôi nghĩ phần lớn phụ nữ khi bước vào hôn nhân, lo lắng của họ sẽ giảm đi rất nhiều.

Có một điều rất đáng mừng đó là sự phân công lao động trong gia đình đã dần trở nên hợp lý hơn trong những năm gần đây. Công việc gia đình không còn là trách nhiệm của riêng phụ nữ. Có một khảo sát công bố rằng, tỷ lệ nam giới sẵn sàng làm bố toàn thời gian hiện chiếm 37,76%.

1689581302-photo6172407972391662870y-1689657258747-16896572589431018343943.jpg

Sau 2 năm kết hôn, Mạnh quyết định ở nhà làm ông bố toàn thời gian.

"Nguyên nhân đưa ra quyết định này rất đơn giản: vợ kiếm nhiều tiền hơn tôi, còn việc nhà thì cũng luôn cần có người làm."

Năm nay đã là năm thứ 8 Mạnh trở thành một ông bố toàn thời gian. Anh tổng kết công việc của mình: "Giặt giũ, cơm nước, dọn dẹp, ngày nào cũng đi đi lại lại ở những nơi như vậy." Không hút thuốc không bia rượu, không cờ bạc không nhậu nhẹt, vòng tròn xã hội của anh nhỏ tới nỗi chỉ còn việc nhà và con cái. Ngày nào cũng vậy, gọi con dậy, cho con ăn sáng, đưa con đi học. Trên đường về đi chợ mua đồ ăn, nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, don dẹp, đón con, dạy con làm bài tập… Cứ như vậy, một ngày của anh trôi qua rất nhanh.

Anh thậm chí đã có lúc phải thốt lên rằng làm nội trợ toàn thời gian ở nhà thậm chí còn khó hơn cả đi làm. Đọc được chia sẻ của anh, nhiều bà mẹ rất đồng cảm: có ở trong chăn mới biết chăn có rận, rất nhiều chuyện, trông có vẻ như rất đơn giản, cỏn con, nhưng cũng chính những chuyện đơn giản cỏn con đó lại có thể khiến một người bất lực. Tất nhiên, nói như vậy không phải chủ trương rằng tất cả đàn ông đều phải ở nhà làm bố toàn thời gian. Sẽ là không thực tế nếu bạn mù quáng từ bỏ công việc và dành toàn bộ thời gian cho gia đình.

Bài viết này muốn nói:

Khi người đàn ông có nhận thức và sẵn sàng tham gia vào công việc gia đình, tác động đối với gia đình sẽ là rất lớn.

1689581317-photo6172407972391662871x-1689657259692-1689657259890798783042.jpg

02.

Tôi đã xem một đoạn video trong đó một gia đình ngồi và lắng nghe con đọc một tác phẩm có tựa đề "Bố tôi". Đứa trẻ ghi lại hình ảnh người cha trong mắt mình với giọng điệu vui vẻ. Khi mới đi làm, ba năm không được thăng chức. Đổi sang làm ông bố toàn thời gian, nấu có nồi cháo cũng để bị bỏng mấy tháng trời. Lại buôn bán, hết gặp lừa gạt, lại gặp trộm cướp, rồi tới gặp dịch cúm. Đổi sang chăn nuôi gia cầm, một vụ dịch hạch, một mùa bệnh, lại không xong. Làm Tiktok, cũng gọi là thành công, đăng một tác phẩm, 0 lượt thích, 0 bình luận, 0 lượt chia sẻ, bất lực đưa video về chế độ riêng tư. Đứa trẻ vừa cười vừa đọc, người cha cũng không thèm quan tâm đến những lời chế giễu như vậy, anh cười hùa theo con, cả nhà cùng vui vẻ.

Rất nhiều người đều nói rằng người bố thật may mắn khi có một cậu con trai như vậy.

Nhưng nếu xem các video trước đây của anh ấy, bạn sẽ thấy: Hàng ngày, anh ấy đều sẽ nấu cơm và cùng con học bài. Sẽ cùng con chơi, cùng con dọn dẹp đồ chơi khi con ở nhà. Thay vì nói rằng anh ấy may mắn khi có một cậu con trai như vậy, nên nói rằng anh ấy đã dùng thời gian của mình để khiến cậu con trai trở nên vui vẻ và hạnh phúc như hiện tại.

Người ta nói rằng mối quan hệ giữa một đứa trẻ và người cha trực tiếp quyết định đến hạnh phúc của chúng. Bởi lẽ ảnh hưởng của người cha đối với con cái lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng.

Một nhà giáo dục đã từng hỏi các bạn học sinh trong lớp: Cha của các em có ảnh hưởng nhiều đến các em không? Những đứa trẻ có ba ở bên trong một thời gian dài đều có cùng một câu trả lời:

"Rất lớn, ảnh hưởng rất rất lớn ạ."

"Ba em là một luật sư, ba kể cho em rất nhiều câu chuyện về công việc của ba, sau này lớn lên em cũng muốn trở thành một luật sư."

"Ba em luôn đọc sách trước khi đi ngủ ngay cả khi đã rất mệt mỏi sau giờ làm việc. Thói quen đọc sách của em là được ba em nuôi dưỡng."

"Ba em rất thích làm các bài toán Olympic. Nếu không làm được, ba sẽ ngồi nghiên cứu trong một giờ. Sau khi làm xong, ba sẽ dạy em. Vì vậy, em rất thích làm các bài toán Olympic và nghiên cứu toán học."

Khi nói về cha mình, thứ xuất hiện trên khuôn mặt các bạn học sinh không chỉ là nụ cười mà còn là ánh sáng trong mắt.

Những chia sẻ và cả việc làm hàng ngày của người cha đã thấm nhuần một cách tinh tế vào cuộc sống hàng ngày của con cái. Dạy con trai tính kiên trì, rèn chí tiến thủ. Dạy con gái lạc quan và dũng cảm. Họ đưa con cái của mình đi khám phá những bí ẩn của các ngành nghề khác nhau, mở ra nhiều khả năng hơn cho cuộc sống của trẻ.

1689581338-photo6172407972391662872y-1689657260437-16896572606202121113820.jpg

Ngày nay, khi tình trạng con cái chỉ nhận được sự quan tâm sát sao từ một người là mẹ đang diễn ra phổ biến, thì những đứa trẻ được ba đồng hành sẽ có một thái độ sống ấm áp và tràn đầy niềm tin hơn những đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha.

Đây là hạt giống mà người cha đã gieo vào lòng mỗi đứa con của mình. Hạt giống này nhất định sẽ bén rễ và nảy mầm, ảnh hưởng đến phương hướng cuộc đời của trẻ sau khi chúng lớn lên. Đừng bao giờ xem nhẹ vai trò của người đàn ông trong gia đình.

Một nghiên cứu được thực hiện ở nước ngoài cho thấy: Việc người đàn ông có làm việc nhà hay không ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc gia đình. Những gia đình có đàn ông sẵn sàng chia sẻ việc nhà có nguy cơ ly hôn thấp hơn 97% so với những gia đình có đàn ông không chịu làm việc nhà. Khi người đàn ông sẵn sàng dành thời gian cho con cái, điều đó đồng nghĩa với việc anh ta sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm mà xã hội áp đặt lên người phụ nữ.

Và khi làm được điều đó, anh ta nhất định sẽ hiểu được sự vất vả của phụ nữ trong công việc gia đình, và sẽ trở nên ân cần và nhẫn nại hơn với người vợ. Cách tiếp cận này cũng sẽ tối đa hóa sự hài hòa của gia đình. Có lẽ với nhiều gia đình, vai trò lớn nhất của người đàn ông là kiếm tiền.

Có lẽ đối với hầu hết các gia đình, kiếm được tiền là điều quan trọng nhất và không có tiền, mọi thứ đều vô dụng. Kiểu suy nghĩ này không có gì sai, có tiền thì đời sống vật chất đương nhiên sẽ nâng cao hơn. Nhưng tôi cũng muốn nhắn nhủ với mọi người rằng đối với các thành viên trong gia đình, sự phong phú và trọn vẹn của thế giới tinh thần cũng quan trọng không kém.

Bạn biết đấy, mỗi chúng ta chỉ đến thế giới này một lần và tiền thì có kiếm bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ.

Nhưng thời gian chúng ta dành cho những người thân yêu chỉ kéo dài vài thập kỷ và giai đoạn trưởng thành quan trọng của trẻ em chỉ kéo dài vài năm.

Nếu bạn bỏ lỡ chúng, bạn sẽ bỏ lỡ chúng mãi mãi. Sẽ chẳng có cơ hội để bù đắp. Vì vậy, nếu thời gian cho phép, các ông bố hãy dành chút thời gian cho gia đình. Dù chỉ là một buổi tối trong tuần, hãy kể cho con bạn nghe một câu chuyện trước khi đi ngủ. Hoặc một ngày cuối tuần hàng tháng, cả gia đình cùng tổng dọn dẹp nhà cửa. Hoặc cũng có thể là dậy sớm đưa con đi học. Những nỗ lực nhỏ bé này cũng có thể khiến gia đình bạn hòa thuận hơn, con cái khỏe mạnh hơn.

Nghe có vẻ không hào nhoáng như việc có được công danh lợi lộc, nhưng đó cũng là một trong những thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của một người đàn ông. Bởi nó sẽ khiến vợ và con bạn được sống trong sự bao bọc yêu thương, đó là thứ thành quả mà dù có kiếm được nhiều tiền tới mấy, bạn cũng sẽ chẳng thể mua được.

Thử ngẫm mà xem, gia đình hòa thuận, sao phải lo cuộc sống không sung túc?

(Sohu)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022