Nhắc đến các YouTuber được giới trẻ đón nhận và có lượt người theo dõi đông đảo, Trinh Phạm là cái tên không thể bỏ qua. Cô được yêu mến bởi nguồn năng lượng sống tích cực, luôn xuất hiện với hình ảnh chỉn chu và có câu chuyện hôn nhân hạnh phúc.
Dù hiếm hoi kể về tuổi thơ, song dân tình đồn đoán gia đình Trinh Phạm hẳn cũng giàu lắm bởi không ít lần cô xuất hiện trong trang phục sang chảnh, lại còn từng đi du học Mỹ. Thế nhưng, trong tập podcast mới đăng mang tên: "Tiền quan trọng đến mức nào?", nữ YouTuber gây bất ngờ khi chia sẻ về cuộc sống khó khăn ngay khi còn nhỏ.
Trinh Phạm khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ từng có tuổi thơ khó khăn trên tập podcast mới mang tên "Tiền quan trọng đến mức nào?" (Ảnh cap màn hình)
Mở đầu đoạn video, Trinh Phạm nhớ lại từ khi còn bé, cô đã bắt đầu có sự so sánh về tiền giữa người và người.
"Khi mình nhìn nhà các bạn mà có điều kiện hơn một chút: 'Ui nhà các bạn thích thế', 'Nhà các bạn có nhiều tiền nên có thể mua được những cái các bạn thích'. Thế là hồi đó mình đã có một khái niệm là nếu mình muốn bằng các bạn, mình cũng muốn có hộp bút đẹp như các bạn có hay cũng muốn mua đồ như các bạn thì mình cũng phải có tiền. Đó là những suy nghĩ của mình về tiền đầu tiên".
Cũng trong đoạn video này, Trinh Phạm chia sẻ rằng khi có tiền, điều ý nghĩa nhất không phải là mọi người có đủ đồ để chưng diện hay thể hiện được với thế giới. Bởi cô biết, có nhiều người rất giàu nhưng họ không thích khoe khoang vật chất.
"Quan trọng khi có tiền, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn. [...] Trong cuộc sống khi mà phải lựa chọn, tiền là một trong những thứ khiến mình cảm thấy bó buộc. Bởi vì khi mình ít tiền, mình có ít lựa chọn. Khi mình có nhiều tiền, mình có nhiều lựa chọn cao cấp hơn", Trinh Phạm nói.
Lý giải về quan điểm này, Trinh Phạm cho hay nó được đúc rút từ chính trải nghiệm của beauty blogger và quan sát hoàn cảnh của những người xung quanh. Từ ngày còn nhỏ, dù gia đình Trinh Phạm có làm kinh doanh nhưng cuộc sống vẫn tương đối khó khăn. Cả gia đình sinh hoạt trong một căn nhà nhỏ hẹp, đồng thời kết hợp làm cả xưởng kinh doanh. Có nhiều hôm, cả nhà phải làm việc đến 2 - 3 giờ sáng. Sau đó hai chị em cô muốn đi tắm nhưng nhà tắm lại bất ngờ bị cắt nước.
Thậm chí, Trinh Phạm còn từng hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao nhà mình cũng làm Giám đốc mà vẫn sống khổ như vậy hả mẹ?".
Vài năm sau khi được bố mẹ tạo điều kiện cho đi du học Mỹ, cô mới nhận ra sự thật. Hoá ra từ trước đó, bố mẹ nghe cô tâm sự nguyện vọng muốn đi học nước ngoài nên đã cố gắng làm việc và tiết kiệm đủ khoản chi phí, nhằm thực hiện hoá ước mơ của con.
"Lúc đầu mình nói với bố muốn đi du học. Khi đó, bố chỉ nói 'Ừ' và cố gắng kiếm đủ tiền cho con đi. Nếu như không có tiền, coi như mình không có lựa chọn đi du học luôn", Trinh Phạm nhớ lại.
Cũng theo Trinh Phạm, cô từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh không thể tự làm chủ quyết định bởi thiếu tiềm lực tài chính. Đó là một người phụ nữ phải chọn gắn bó cuộc sống vợ chồng với người đàn ông vì chị sợ sau khi chia tay, con sẽ không có tương lai tốt. Đó là người bạn không thể nghỉ việc dù đã chán công việc, chán sếp bởi đồng lương hiện tại đủ để cô nuôi hai người con.
Sau cùng, Trinh Phạm đúc rút ra 5 bài học về tiền sau hơn 30 năm "lăn lộn" với cuộc sống, đó là:
- Tiền của mình là do mình kiếm được, tiền của bố mẹ là của bố mẹ. Do đó, đừng bao giờ nghĩ rằng kể cả khi mình quyết định sai, thua lỗ hay đi vay vợ, bố mẹ cũng có thể đứng sau để giúp đỡ.
- Hãy học cách quản lý tài chính và đầu tư số tiền của mình. Nếu không biết cách đầu tư tiền thì phải sống tiết kiệm lại.
- Đã cho ai vay mượn tiền thì phải tính đến phương án mất tiền và mất bạn.
- Nếu mang tiền đi đầu tư thì bạn nên xác định là có thể sẽ bị mất hoàn toàn. Khi mất tiền thì phải thật bĩnh tĩnh, rồi sẽ có cách giải quyết.
- Không có cách kiếm tiền nào mà chỉ "ngồi không" là có tiền. Nếu như có hình thức kiếm tiền dễ dàng, có thể bạn đang chuẩn bị gặp lừa đảo.
Trinh Phạm: Đã cho ai vay mượn tiền thì phải tính đến phương án mất tiền và mất bạn.