Không theo đuổi con đường như bao bạn bè chang lứa khác, Lê Thu Huyền (24 tuổi, Hòa Bình) lựa chọn từ bỏ cơ hội phát triển sự nghiệp ở thành phố. Ra trường đi làm được khoảng 1 năm khiến Huyền cảm nhận sâu sắc được câu nói: "Thế nào là làm thuê vì ước mơ của người khác?"
Vì không muốn phí hoài những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết, Thu Huyền đã theo đuổi khát vọng của chính mình: Trở về quê nhà, mở một khu homestay nghỉ dưỡng. Với Huyền, đây có lẽ là cuộc sống khiến cô nàng mãn nguyện cả đời!
Không muốn cả đời phải làm thuê cho giấc mơ của người khác
Ở Hòa Bình, lợi thế của những người dân ở đây là đất rộng, nhiều cây. Tận dụng điều này, Thu Huyền hướng tới việc kinh doanh nghỉ dưỡng.
Góc chính diện Homestay của Thu Huyền
Không muốn cả đời phải làm thuê cho giấc mơ của người khác, Thu Huyền từ bỏ cơ hội phát triển hơn ở Hà Nội để về quê lập nghiệp. Tuy vậy, Huyền vẫn dành thời gian hơn 1 năm làm thuê cho công ty du lịch. Vừa muốn có thêm kinh nghiệm, cũng nhân tiện kiếm thêm những mối quan hệ chất lượng trong ngành.
Kết thúc 1 năm, cũng là lúc Thu Huyền bắt đầu đuối với cuộc sống thành thị: “Giữa chốn xô bồ đó, mình càng biết rõ hơn bản thân muốn gì. Khi nắm bắt được cách vận hành của một chủ homestay, mình trở về quê và bàn bạc cùng bố mẹ. Phải nói là may mắn khi bố mẹ mình đều nhiệt tình ủng hộ. Bố cho mình 1 ít vốn, số tiền còn lại mình cầm cố tài sản để vay ngân hàng. Với mảnh đất đó, có thể vay được nhiều hơn, nhưng tính toán sơ bộ, mình chỉ vay 2 tỷ. Và hành trình gian nan nhưng vui vẻ này bắt đầu!"
Vay 2 tỷ mở Homestay: Mọi việc đều đến tay, thậm chí có nhiều ngày không được ngủ
Tổng diện tích khu homestay của Thu Huyền khoảng 1000m2. Chi phí hoàn thiện là hơn 2 tỷ đồng. Vì nội thất các phòng đã phần là gỗ sồi, được bố cô hỗ trợ mua lại với giá khá tốt. Cộng thêm khoảng 250 triệu cho tiền thi công nữa. Tổng cộng con số này, Huyền cho biết hầu như đều là vốn vay. Vì cô nàng không muốn đụng đến tiền tiết kiệm của bố mẹ. Huyền chia sẻ:
"Khoản tiền gửi ở ngân hàng mình gần như không đụng tới. Cũng coi như đó là khoản dự phòng cho rủi ro. Tạm thời vẫn chưa thể hồi vốn, nên mình cũng cần dùng số tiền có sẵn này để xoay xở cho hoạt động kinh doanh."
Một vài góc khác trong homestay.
Sau khoảng 6 tháng xây dựng, homestay cũng đi vào hoạt động: "Thời gian đầu, khách hầu như đều từ người quen giới thiệu. Mình còn liên kết với các đối tác trước đây của sếp, và mở booking trên các app điện tử. Lượng khách chủ yếu là người nước ngoài, khách trẻ. Điều làm mình thấy vui nhất, là tỷ lệ trở lại của khách hàng hơn 50%."
Dù có những vất vả, nhưng Huyền cảm thấy mọi thứ đều đáng giá: "Mình làm chủ nhưng cũng làm thuê. Mọi công việc gần như đều đến tay để tiết kiệm được chi phí nhân sự. Từ khâu nhận booking, quảng cáo, đón khách và sắp xếp lịch phòng. Đến việc nấu ăn, chuẩn bị menu cho từng bữa, tổ chức sự kiện,... Có những ngày, 3-4h sáng đã phải dậy để chuẩn bị, và đến 1-2h đêm mới đi ngủ.
Có lần đón tiếp đoàn 80 khách, quả thực là mệt lả. Số tiền nhận được khi cũng lên tới vài trăm triệu. Nhưng tiền về rồi cũng thanh toán nợ và các loại chi phí. Dư 1 ít, mình đều bỏ vào tài khoản tiết kiệm."
Về khoản nợ ngân hàng 2 tỷ, Thu Huyền dự định sẽ trả hết trong vòng 5 năm. Gói vay này nằm trong chính sách phát triển nông thôn, nên lãi suất khá ưu đãi: "Lãi vay cho gói 2 tỷ nảy chỉ giao động khoảng 4,5 - 6%/ năm. Thủ tục thực hiện cũng khá rắc rối, cần có sự bảo lãnh của cấp phường xã nên thời gian hoàn tất hồ sơ mất hơn 3 tháng. Vay được mức lãi suất này rồi, mình cũng tính toán luôn thời gian trả nợ. Số tiền cần trả mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, cộng thêm 7-8 triệu tiền lãi nữa.
Hiện tại, doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh cũng giao động từ 100-150 triệu/tháng. Lợi nhuận thu về vừa đủ để trả ngân hàng, dư ra 1 ít thì mình cho vào tài khoản tiết kiệm. Cuộc sống ở quê nên cơm ăn, áo mặc không cần lo, vì tất cả đều có thể tự sức mà sản xuất. Chi phí sinh hoạt hàng tháng cũng tối giản nhất có thể: Vài bộ quần áo mặc quanh năm, không tiệc tùng tốn kém, không ăn uống xa hoa. Hiện tại, mình dành hầu hết thời gian để làm việc, chưa nghĩ nhiều đến chuyện hưởng thụ, mua sắm gì cả. Còn làm chủ, là còn phải nghĩ đến việc xoay vòng tiền. Thế nên, cứ dư ra được đồng nào mình cố gắng tiết kiệm đồng đó. Chỉ khi giữ được tiền, mới có khả năng làm những việc mình muốn!"