Thịt gà luộc
Gà luộc là một món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong các mâm cỗ, nhất là trong dịp Tết. Đĩa gà luộc xuất hiện trong mâm cơm đãi khách sẽ thật nổi bật nhờ màu vàng ươm, căng bóng, thịt mềm mà da vẫn dai. Vị ngọt thơm của miếng thịt gà ăn kèm với lá chanh, chấm muối chanh ớt sẽ tạo nên một hương vị riêng rất khó quên.
Cách chọn mua gà tươi ngon
- Đối với gà sống: Tùy theo sở thích bạn có thể chọn gà trống hoặc gà mái. Thường gà trống có thịt chắc, dai và ngon hơn. Ngoài ra, bạn nên chọn con gà có mắt nhìn linh hoạt, không lờ đờ và phần mào nhìn đỏ tươi. Mỏ gà nhìn bén nhọn và không có dấu hiệu bị chảy nhớt. Chân gà thon nhỏ, thẳng, da sáng có màu vàng.
- Đối với gà làm sẵn: Bạn nên chọn con gà ta có lớp da vàng nhạt, mỏng và có thể hơi vàng đậm ở một số bộ phận như lưng, cánh và ức. Thịt trắng hồng và khi nhấn vào có sự đàn hồi.
Bánh chưng
Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt dù có đi đâu cũng không bao giờ thiếu bánh chưng trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên.
Những tấm bánh vuông vức được gói khéo léo, tài hoa ấy vừa tượng trưng cho đất trời vừa là biểu tượng cho ẩm thực ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Dù là tự tay gói bánh, mua sẵn hay được biếu tặng thì bánh chưng xanh cũng luôn là một món không thể thiếu của mọi nhà.
Ở miền Bắc từ khoảng giữa tháng Chạp nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất.
Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu được, một thứ bánh ngon tròn vị. Cái khung cảnh ngồi đợi nồi bánh chưng chín đã đi vào tiềm thức của người dân miền Bắc mỗi khi Tết đến.
Xôi gấc
Theo quan niệm của người xưa cho biết thì màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy mà trong những ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày Tết thì nhất định phải có 1 đĩa xôi gấc.
Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon và được trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín thì xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dẻo của gạo nếp, vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt của đường.
Nem rán
Bên ngoài màu vàng óng, bên trong thì chứa đầy thịt, mộc nhĩ và giá, nem rán là món ăn độc đáo và hấp dẫn không thể thiếu được trong những ngày Tết của người miền Bắc. Món ăn này được rất nhiều người ưa thích còn được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt.
Canh bóng bì lợn
Canh bóng bì lợn hay còn gọi là canh bóng thả, là món ăn có trong mâm cỗ mỗi dịp Tết của người Hà Nội xưa. Vị thanh mát, ngọt dịu của nước dùng, kèm với thịt mọc béo thơm, bóng bì giòn sần sật, thơm lừng hương nấm và rau củ tạo nên hương vị trọn vẹn.
Thịt nấu đông
Thịt đông là món ăn truyền thống quen thuộc đối với người dân miền Bắc vào mỗi dịp đầu năm. Người dân nơi đây thường sử dụng thịt chân giò, tai heo, thịt gà, thịt ngan… để nấu thịt đông. Thịt đông là món riêng có của mùa xuân miền Bắc. Trong tiết trời lạnh thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt lợn, đôi khi được sử dụng thêm cả gà và một mảng bì lợn. Tất cả sau đó đều được ninh nhừ.
Sau khi nấu xong bạn hãy lấy nồi thịt ra khỏi bếp và đặt ra ngoài sân, đậy kỹ trong đêm cho nó ăn gió uống sương, thu lấy cái rét lạnh từ trời cao và đất thấp vào mình để rồi sớm hôm sau nhà ta đã có một nồi thịt đông ngon lành.
Một món ăn riêng của mùa đông với không khí càng lạnh thì món thịt đông sẽ trở nên càng ngon hơn. Trên mặt của nồi thịt đông là lớp mỏng ván mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không một gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành thì còn ngon gì bằng. Độ ngậy, mát khiến thịt đông trở thành món ăn hấp dẫn. Món thịt đông là món ăn truyền thống, độc đáo và tinh túy của người Việt đặc biệt với người miền Bắc.
Canh măng khô
Ngày Tết mà không nhắc đến canh măng thì quả thật là điều vô cùng sai sót. Có rất nhiều loại măng khác nhau như măng xé, măng lá… thế nhưng măng lưỡi lợn là lựa chọn thường thấy nhất trong mâm cỗ ngày Tết. Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về.
Đó cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với thói quen ăn những món có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai… Thiếu đi món ăn này, mâm cơm không còn mang nét đặc trưng của ngày Tết nữa.
Bát canh măng ngày Tết không cầu kì về nguyên liệu chỉ có sự kết hợp của măng khô và chân giò nhưng lại đặc biệt thơm ngon và đòi hỏi người chế biến nhiều công phu, tỉ mỉ.
Theo Phụ nữ Xã hội