
Nhiều cựu binh Mỹ nhớ về khoảnh khắc đầu tiên họ đặt chân lên bờ biển Việt Nam một cách chi tiết và sống động. Nhưng đối với ông David Clark - người đã tới đây vào năm 1968 khi mới 19 tuổi, ký ức của ông mơ hồ hơn nhiều. Điều ông nhớ nhiều nhất là cái nóng khủng khiếp - và mong muốn của ông thoát khỏi cảnh núi non này như thế nào.
"Tôi chỉ muốn về nhà," cựu binh Mỹ chia sẻ.
Gần 50 năm sau, "nhà" trong mong muốn năm nào của ông lại chính là Việt Nam - đất nước mà cựu binh Clark, hiện đã hơn 70 tuổi, tin rằng là "nơi đẹp và yên bình nhất thế giới".
Từ năm 2010, ông David Clark đã sống ở Đà Nẵng. Nhà của ông ở Việt Nam không xa nơi ông từng đóng quân khi còn phục vụ trong Thủy quân Lục chiến của quân đội Mỹ.
Cựu binh Mỹ kể lại: "Hồi đó, tôi không ngần ngại chĩa súng vào bất kỳ người nào, dù là đàn ông, phụ nữ hay trẻ em. Tôi muốn họ sợ tôi - vì tôi cảm thấy nếu họ sợ tôi, tôi sẽ có nhiều cơ hội trở về nhà hơn."
Trở lại Mỹ sau chiến tranh, không một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến Việt Nam. "Tôi thường thức dậy tắm trong mồ hôi. Tôi tự hình dung ra có người xung quanh mình. Có lần tôi thức dậy vào giữa đêm nghĩ rằng bộ đội Việt Nam đang tới bắt tôi. Cách duy nhất để tôi thoát khỏi những ký ức này là uống say. Và vậy là tôi đã uống quá nhiều."
Thế rồi, ông quay lại Việt Nam. Bất chấp những tổn thương của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sự hiện diện của Clark tại Đà Nẵng đã nhận được sự chào đón ấm áp từ cộng đồng địa phương. Ông nói: "Khi người dân Việt Nam phát hiện ra rằng bạn là một cựu chiến binh Mỹ, họ đối xử với bạn như một người đồng chí. Vì họ hiểu tình cảnh của bạn lúc bấy giờ."

Ước tính rằng có hàng chục ngàn cựu chiến binh đã quay lại Việt Nam kể từ những năm 1990, chủ yếu để thăm lại những nơi họ từng phục vụ. Nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, các cựu chiến binh Mỹ vẫn tự hỏi tại sao họ lại chiến đấu.
Cựu binh Mỹ Richard Parker cho biết ông ấy đã "mất kiểm soát" sau cuộc chiến ở Việt Nam và sống chìm đắm trong rượu và các chất kích thích. Ông nói rằng mình tới Việt Nam để chiến đấu "nhưng khi rời Việt Nam, tôi yêu những người ở đó."
Trong nhiều năm, ông Parker đã mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Cách duy nhất để ông xua tan đi những bóng đen trong mình là quay trở lại Việt Nam. "Ở đây, tôi tìm thấy sự bình yên với chính mình. Đôi khi tôi đến một nơi mà chúng tôi từng chiến đấu, nơi từng là hỗn loạn và hủy diệt vào thời điểm đó, giờ đây là một nơi đầy hy vọng và tràn đầy sức sống."
Richard Parker hạnh phúc khi giải thích rằng Việt Nam đã khiến ông trở thành một người hạnh phúc trở lại. "Người Việt Nam tôn trọng tôi," ông nói.
Ngày 30/4 năm nay là ngày kỉ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kể từ khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được bình thường hóa vào những năm 1990, hàng ngàn cựu chiến binh Mỹ đã đến Việt Nam.
Nhiều người tới Việt Nam để tìm kiếm sự bình yên sau nhiều năm ám ảnh với cuộc chiến. Và thường thì họ cảm thấy được chữa lành bằng cách đắm mình vào những nỗ lực hòa giải và tìm cách khắc phục hậu quả chiến tranh.

Một cựu chiến binh Mỹ được cộng đồng người Việt Nam biết đến rộng rãi nhất là Chuck Searcy, một người miền Nam cao gầy, nói năng nhẹ nhàng đã chiến đấu ở Việt Nam vào năm 1965.
Trong thời chiến, ông Searcy làm chuyên gia phân tích quân sự tại Sài Gòn. Vị trí của ông đòi hỏi phải tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và cuộc kháng chiến kéo dài hàng thế kỷ của dân tộc này. Càng tìm hiểu ông càng cảm thấy khác với những gì ông biết về Việt Nam khi còn ở Washington.
Ông Searcy cho biết, chỉ sau vài tháng, hầu hết những người đàn ông trong đơn vị của ông đã quay lưng với cuộc chiến. "Chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng những gì chúng tôi làm chẳng có ý nghĩa gì. Chúng tôi là một phần của những lời nói dối."
Cựu binh Searcy trở về nhà ngay sau Tết Nguyên đán năm 1968 - thời điểm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ông trở về Mỹ với nhiều cay đắng và bối rối.
"Tôi vừa chứng kiến quá nhiều sự tàn phá, phần lớn trong số đó là do chúng tôi gây ra", Searcy nói, “Tôi không biết mình là ai với tư cách một người Mỹ. Mọi thứ tôi được dạy từ nhỏ về các giá trị của nước Mỹ, rằng chính phủ của chúng tôi không sai - tất cả những điều đó đã bị tước bỏ khỏi tôi.”
Vài tháng sau khi trở về, ông Searcy được yêu cầu phát biểu tại một cuộc biểu tình phản chiến tại Đại học Georgia. Quan điểm phản đối chiến tranh của ông không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Bất chấp những xung đột trong gia đình, Searcy vẫn quyết tâm chấm dứt đổ máu bằng mọi cách có thể.
Ngay sau cuộc biểu tình, Searcy đã tích cực tham gia nhóm Cựu chiến binh phản chiến, từ đó bắt đầu hành trình suốt đời của mình với tư cách là một nhà hoạt động xã hội.

Năm 1995, cựu binh Mỹ Chuck Searcy trở về Việt Nam để tham gia vào các nỗ lực hòa giải. Ông đã sống ở Việt Nam - và làm việc để đảo ngược hậu quả đau thương của chiến tranh kể từ đó. Năm 2001, ông hỗ trợ khởi động sáng kiến có tên là Dự án RENEW (Restoring the Environment and Neutralizing the Effects of War - Khôi phục Môi trường và Trung hòa Hậu quả của Chiến tranh). Dự án này nhằm mục đích khai quật những quả bom chưa nổ còn sót lại trên đất liền, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Trị. Ngoài việc định vị và dọn dẹp đạn dược, dự án còn hỗ trợ các gia đình có thành viên sống sót sau các vụ tai nạn do bom mìn.
Nhờ dự án RENEW, trẻ em ở tỉnh Quảng Trị được học về những quả bom chưa nổ ở trường tiểu học và khi gặp phải những vật này, trẻ em được hướng dẫn tránh xa và thông báo cho nhóm ứng cứu. Nhóm ứng cứu sẽ dến cùng xe cứu thương và khu vực sẽ được sơ tán trong vòng 1 giờ để xử lý các quả bom.
Clark và Searcy đều tin rằng họ đang ở đúng nơi mà mình phải đến. "Khi tôi ở Mỹ, cuộc chiến ở Việt Nam ám ảnh tôi mỗi ngày mỗi đêm. Khi tôi ở Việt Nam, chiến tranh đã kết thúc được 45 năm", Clark trả lời phỏng vấn năm 2020.
Nhờ những nỗ lực của Dự án RENEW, thương vong do bom mìn chưa nổ ở tỉnh Quảng Trị đã giảm mạnh. Năm 2001, khi dự án bắt đầu, 89 người trong khu vực đã tử vong hoặc bị thương do các vật gây nổ từ chiến tranh. Đến năm 2017, con số đó đã giảm xuống còn 2.
Ngoài công việc với Dự án RENEW, cựu binh Clark và Searcy còn dành thời gian đến thăm Hiệp hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam (VAVA). Trung tâm VAVA cung cấp cho những đứa trẻ chịu ảnh hưởng của Chất độc Da cam dịch vụ phục hồi chức năng, học tập và dạy nghề cũng như tổ chức những bữa tiệc. Những đứa trẻ luôn hào hứng khi được đón tiếp các vị khách tới thăm. Khi Clark và vợ tới trung tâm, chúng thường chạy tới và ôm ông dồn dập.
David Clark muốn thấy nhiều cựu chiến binh trở lại Việt Nam hơn. Bản thân ông đã quay lại nhiều lần sau chuyến đi đầu tiên. Người cựu chiến binh hít một hơi thật sâu. Ông tháo kính râm ra, lau nước mắt. Giọng ông nghẹn ngào. "Tôi từng nghĩ sai về người Việt Nam. Nhưng giờ tôi cảm thấy may mắn khi được sống ở đây. Tôi biết đây là nơi tôi phải đến. Chiến tranh đã kết thúc, và tôi chọn Việt Nam là nơi trút hơi thở cuối cùng."
(Theo Wagingnonviolence, BBC)